Cũng như các học viên khác, dì tôi mang rượu bánh và phong bì đến “chạy” thầy. Ông thầy ở một mình, ông giữ dì Hảo ở lại nói chuyện rất lâu. Trước khi dì Hảo về, ông trả túi quà và phong bì cho dì, nói: “Những thứ này, cô nhìn xem nhà tôi đâu có thiếu. Trong ngôi nhà này chỉ thiếu người, mà nhất là một người phụ nữ. Thôi thì từ hôm nay, tuần hai buổi cô qua đây trò chuyện với tôi, chuyện điểm trác từ giờ cô không phải lo”. Thế là tuần hai buổi, dì Hảo sang trò chuyện với ông tiến sĩ. Hơn một tháng qua lại thì hai người yêu nhau.
Một thời gian sau, dì Hảo tìm hiểu kỹ mới hay ông tiến sĩ đã có vợ và hai đứa con ở quê. Dì tôi giận lắm. Trước ông đã nói là : “vì sự nghiệp quên mất việc lập gia đình”. Giờ việc bị vỡ lở, vị tiến sĩ giãi bày, đó là người vợ do bố mẹ chỉ định chứ ông không có tình cảm, yêu đương gì. Cưới nhau khi ông tốt nghiệp đại học, mỗi năm ông chỉ về nhà một lần nhưng cũng đã có với nhau hai mặt con.
Biết chuyện ông tiến sĩ, bà ngoại tôi phản đối: “Mày lấy ai cũng được, đui què mẻ sứt gì tao không can. Nhưng người ta có vợ con ở quê, như thế là bất nhân bất nghĩa. Phải như cha mày đấy, không yêu vợ những chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ vợ, bỏ con”.
Nói qua chuyện ông ngoại của tôi, ông lấy bà là do mai mối hai gia đình, đến tận ngày cưới ông mới nhìn thấy mặt bà. Cưới nhau về rồi, ông vẫn nói: “Tôi lấy bà chỉ có cái nghĩa nhưng không có cái tình”. Mấy năm sau đó, ông đi bộ đội, phải lòng và yêu đắm đuối một cô thanh niên xung phong. Hai người bị đưa ra tập thể kỷ luật, cắt hết thành tích làm việc trong năm. Cảnh cáo, nhắc nhở thế nhưng ông tôi và cô Mai, tên cô thanh niên xung phong nọ, vẫn không rời nhau được.
Ông đội trưởng nói với ông: “Anh muốn yêu cô Mai, trước hết phải làm đơn bỏ vợ con ở nhà, được tập thể xác nhận rồi sau đó hai người thích làm gì thì làm”. Nghe thế, ngoại tôi phản ứng tức thì: “Không được. Bắt tôi làm gì cũng được chứ tôi không thể bỏ vợ của tôi”. Cả đơn vị cười ầm lên, cô Mai bẽ mặt khóc tức tưởi bỏ chạy. Ông tôi chạy theo người yêu phân trần: “Anh mà bỏ vợ thì cả đời vợ anh sẽ lủi thủi một mình, phụ nữ ở quê bỏ chồng không dễ gì tìm được hạnh phúc mới. Mà cô ấy còn trẻ, anh không làm được điều ấy”. Hiểu lòng tốt của người yêu, cô Mai ôm lấy ông ngoại tôi mà khóc: “Thế còn em?”. Mối tình của họ rơi vào bế tắc.
Đơn vị gửi kiểm điểm ông về tận xã. Giấy kiểm điểm chưa đến nơi, ông tôi đã xin nghỉ phép về nhà. Ông nói hết mọi chuyện với bà, bà tôi cũng khóc rấm rứt nghe chuyện tình của họ. Sau đó, chính bà tôi nói, bà cho phép ông đi lại với cô Mai. Thế là ông tôi vẫn yêu thương vợ con, vẫn được ở bên cạnh người yêu. Sau này, khi xuất ngũ, cô Mai chuyển về làng ngay cạnh nhà bà tôi, ông tôi xem như có hai bà vợ. Cô Mai sinh được một người con gái, chính là mẹ tôi. Mẹ tôi lên mười tuổi thì cô Mai mất, bà ngoại tôi đưa mẹ tôi về nuôi và xem như con ruột của mình. Đến giờ, tôi cũng mới hay, mình không phải là cháu ruột của ngoại.
Nghe bà lôi chuyện ông ra, dì Hảo nói: “Thế bây giờ mẹ muốn anh Hạc ăn ở với con nhưng cũng không được bỏ vợ ở quê chứ gì?”. Bà tôi lắc đầu: “Tao không nói thế, nhưng người đàn ông phụ bạc được người vợ tần tảo ở quê thì cũng chẳng tốt được với mày đâu”.
Bất chấp lời can ngăn của mọi người, tiến sĩ Hạc vừa làm đơn bỏ vợ là dì tôi tổ chức đám cưới ngay. Khổ cho tiến sĩ, vợ vừa trẻ vừa đẹp nên ông sợ mất, ông xin bỏ dạy để ở nhà chăm vợ. Mà dì tôi cũng sướng thật, được chồng hầu từ chân tới cổ. Dì đi làm về, vừa bấm chuông là tiến sĩ Hạc chạy ra dắt xe. Trong khi dì đứng ở cửa chìa một chân ra chờ chồng đến tháo giầy. Dì còn kể, nhiều hôm trời lạnh, giữa đêm dì muốn đi vệ sinh nhưng lười, tiến sĩ Hạc chạy đi lấy bô mang vào phòng ngủ, bế vợ lên để vợ đi tè rồi lại mang bô đi đổ.
Thấy con gái sướng, ngày càng trẻ đẹp, bà ngoại tôi giờ quay sang quý anh rể già. Mỗi lần họp gia đình, bà lại nói với mấy cậu rể khác: “Các anh phải nhìn lấy anh Hạc, yêu vợ như thế thì ai người ta phụ, chỉ có sướng mình”. Thương anh rể Hạc vất vả việc nhà cửa bà hay sai chúng tôi qua nhà dì làm giúp việc nhà cho tiến sĩ. Có miếng gì ngon, bà cũng nhớ đến con rể tiến sĩ. “Dì Hảo chúng mày ương bướng, tưởng số nó khổ, hóa ra vớ được tấm chồng như nhung nên mình phải yêu thương nó”.
Cho đến một hôm, tiến sĩ Hạc phóng xe máy đến. Hai mắt ông tiến sĩ đỏ hoe. Vừa ngồi xuống ghế, ông đã bật khóc. Bà tôi phải hỏi mãi, ông con rể cưng mới nói được vài lời trong tiếng nấc: “Vợ con bỏ đi rồi! Cô ấy đi theo nhân tình”. Bình tĩnh lại, tiến sĩ Hạc mới trình bày đầu đuôi là một ngày, dì Hảo tuyên bố: “Em ở với anh chỉ là cái nghĩa, giờ em đã tìm được tình yêu của mình”. Tiến sĩ Hạc điều tra thì biết đó là một ông Việt Kiều giàu có mới ở Pháp về. Ông chưa kịp làm to chuyện thì hôm nay dì đã bỏ sang Pháp với người tình.
Tiến sĩ Hạc đưa cho bà mẩu giấy mà dì Hảo gửi lại mấy dòng cho bà. Bà gọi tôi đến đọc cho bà nghe, tôi đọc từng tiếng dõng dạc: “Mẹ, đừng trách con mà cũng đừng xót xa cho anh Hạc. Anh ấy đã từng phụ bạc vợ, giờ anh ấy bị quả báo”.
Mấy tháng sau, tiến sĩ Hạc cứ vật và vật vờ, ngày nào cũng ra ngoài ngõ ngồi chờ vợ về. Khi mọi chuyện đã lặng đi, bà tôi mới khuyên ông: “Hay con trở về tạ tội với vợ con ở quê”. Bà tôi vừa nói đến đó, ông đã gục xuống khóc nức nở: “Mẹ ơi, nào phải con phụ người ta mà người ta đòi bỏ con lâu lắm rồi nhưng con không chịu. Thật ra, bà ta đã sống với người đàn ông khác từ lâu, con cố ở lại níu kéo nhưng không nổi. Chỉ đến khi gặp em Hảo con mới đồng ý ly dị. Tiếng là ông tiến sĩ mà bị vợ ở quê bỏ thì nhục quá nên con nói dối em Hảo và mọi người, ai ngờ em lấy cái tội ấy để phụ con ra nông nỗi này”.
Thương con rể, bà tôi lại không ngừng trách dì Hảo: “Sướng không biết đường mà hưởng…”.
▪ Làm sao nói với người tôi yêu về sự thật phũ phàng? (31/12/2008)
▪ Tôi muốn chia tay chỉ vì người yêu là “đại gia” (31/12/2008)
▪ Anh ấy sợ nhìn 'vùng kín' (31/12/2008)
▪ Vợ chồng cần lắm những nắm tay (30/12/2008)
▪ Không lắng nghe - Dấu hiệu báo động hôn nhân (30/12/2008)
▪ Tôi muốn vứt bỏ tất cả để đến với người tình xưa (30/12/2008)
▪ Bí quyết tự tin trong “chuyện ấy” (29/12/2008)
▪ Giữ gìn cảm xúc mặn nồng... (27/12/2008)
▪ "Yêu" không cần cởi áo (26/12/2008)
▪ Tình yêu vợ chồng thời @ (26/12/2008)