Vết nứt ly hôn
Các Website khác - 06/01/2005
Minh họa: DAD

Vì nguyên nhân này khác mà phải ly hôn, ai cũng đau lòng. Người đau vì sự mất mát, kẻ xót vì phải xa con và cũng không ít người chỉ tiếc chút phần tài sản. Chuyện tranh chấp, đưa trẻ thơ vào cuộc chiến không khoan nhượng của cha mẹ chúng đã không còn là chuyện hiếm.


L.T.L và D.L kết hôn năm 1985, sau bao năm gắn bó. Đám cưới diễn ra trong sự chúc phúc của hai bên họ hàng. Vợ chồng có với nhau 3 mặt con, 2 gái, 1 trai. Cứ tưởng cuộc sống êm đềm trôi đi, không ngờ L. sinh tật, thường xuyên ăn nhậu, cờ bạc, đánh đập vợ trong những cơn say. Tiền bạc chẳng có, tình nghĩa cũng vơi dần, L.T.L không thể một mình gánh nổi trách nhiệm quá lớn. Chị bỏ nhà ra đi, tìm sự yên ổn cho riêng mình. 11 năm sau, chị quay về. Lúc này, L. đã có người phụ nữ khác, cùng sống chung trong ngôi nhà từng là một mái ấm. Những tưởng chị thương con, chỉ muốn bù đắp lại cho chúng thời gian đã mất, đột nhiên chị đâm đơn ra tòa, xin nuôi cả 3 con, yêu cầu L. đóng góp phí tổn nuôi con 600.000/ tháng và muốn được nhận lại ngôi nhà trị giá 250 triệu đồng, sau đó sẽ hoàn trả phần giá trị chênh lệch cho L. Không dừng lại ở đó, chị L.T.L còn yêu cầu chồng cũ cùng trả món nợ mà chị tự vay để "hàn gắn" thương tổn mà chị cho là anh chồng gây ra 11 năm trước (!).

Ai tham dự phiên tòa cũng sửng sốt trước sự tấn công dữ dội của tiền bạc vào cuộc sống gia đình. Trước tòa, hai người từng yêu nhau, từng là vợ chồng thề non hẹn biển đã không tiếc lời chỉ trích sai lầm của nhau để mong giành được phần "thắng". Không ai trong số họ chịu nhìn nhận sai lầm của mình, người vị kỷ, kẻ vũ phu chỉ chăm chăm lo phần tài sản sắp không còn nguyên vẹn. Những người có mặt tự hỏi không biết những đứa trẻ sẽ nghĩ gì về cha mẹ chúng.

Anh P.V.N đâm đơn ra tòa cũng vì chuyện chia chác tài sản. 18 năm sống bên nhau nhưng đã 2 lần đôi bên gửi đơn đến tòa án. Chồng làm trong cơ quan nhà nước, vợ tảo tần bên sạp thịt heo ngoài chợ. Lẽ ra phải thông cảm cho nỗi nhọc nhằn của vợ thì N. lại "chán cơm thèm phở", ngoại tình với một phụ nữ khác trẻ, đẹp hơn. Chịu đựng suốt 2 năm, chị xin ly hôn. Được động viên, hòa giải, chị N.T.T lại quay về. Chị bảo: "Cũng chỉ vì mấy đứa nhỏ". Nhưng chị đã hy sinh, chịu đựng một cách vô ích. Một tháng sau, N. lại ngoại tình. Lúc T. sinh đôi được mấy tháng, N. đã bỏ nhà đi theo tình yêu mới, không quên cầm luôn cả "con" xe hơn 22 triệu đồng và 3 triệu tiền mặt. Đơn xin ly hôn được gửi đến tòa án lần nữa, người đứng đơn lần này lại chính là anh. 4 đứa con sẽ phải chia đôi, anh tuyên bố như đinh đóng cột: “Tôi chỉ nuôi 2 đứa, nếu bả nuôi hết cả 4 thì tôi không đóng góp vì không có khả năng”. Căn nhà chưa có giấy tờ sở hữu của 2 vợ chồng, anh cũng đòi chia đôi. Bất bình trước cảnh con dâu bị chồng bạc bẽo, mẹ ruột anh N. đã phải lên tiếng: "T. làm dâu gia đình tôi sống rất ngoan, lo làm ăn vì chồng con. Con trai tôi làm việc sai trái, đi theo phụ nữ khác, có con với người ta, nó đối xử với con dâu tôi rất tệ bạc, đánh đập tàn nhẫn. Mấy năm nay, T. nuôi con rất khổ sở...". Bà gửi cả đơn lên tòa để bảo vệ con dâu. Đây đúng là chuyện hy hữu trong các vụ ly hôn từ trước đến nay.

Theo chị V.T.L, người cũng từng ly hôn, bây giờ đơn độc không con cái, thì sự tranh chấp tài sản do nhiều nguyên nhân. Với người khác là lòng tham, với chị là để "đáp trả những tháng ngày cay cực". Chồng chị đã có một đời vợ. Cô này bỏ 3 đứa con cho chồng nuôi, đi theo tình nhân giàu có ở TP Hồ Chí Minh. Chị L. thương anh gà trống nuôi con, cùng anh kết tóc se tơ, những mong anh quên đi chuyện cũ. Nhưng thay vì chí thú làm ăn, anh lại đem nỗi hận năm xưa trút hết lên đầu chị. Chị lo cho con anh bao nhiêu anh lại đáp trả bằng bấy nhiêu thù hằn, căm giận. Nhẫn tâm hơn, anh luôn đánh đập chị, khiến chị sẩy thai 3 lần, một lần phải nhập viện. Qua cơn say, anh lại quỵ lụy xin chị tha thứ. Mềm lòng suốt mấy năm trời nhưng chị cũng đành phải đi đến quyết định cuối cùng. Trước tòa, anh hết cầu xin chị quay về lại lên tiếng xin chia nhà, chị thì ráo hoảnh đòi giữ lại với lý do chị xây nó từ trước khi lấy anh.

Ly hôn, dù kết quả thế nào thì những người trong cuộc cũng bị tổn thương, đặc biệt là những đứa con bé bỏng tội nghiệp của họ. Câu nói xưa cũng cần nhắc lại: "Vợ chồng một ngày cũng nên nghĩa". Bạc tiền có thể làm ra, tình đã hết thì cũng còn nghĩa tào khang.

Uyên Linh