Ảnh: canr.msu.edu. |
Dẫu biết sinh ra làm kiếp đàn bà, nhưng tôi vẫn muốn được “đau” trọn cái kiếp nhân sinh ấy, dù đôi lúc dỗi dằn cũng không khỏi ước thầm “Ví đây đổi phận làm trai được…”.
Đàn ông ạ, các anh sinh ra đã được bác mẹ hoan hỉ bắn mũi tên cỏ bồng gửi gắm kỳ vọng chí tung hoành ngang dọc của đấng nam nhi đứng trong trời đất. Còn chúng tôi, cũng chín tháng mười ngày mà gánh nợ nhân sinh đi trọn một kiếp người. Nhưng dẫu biết thế, tôi vẫn muốn được “đau” nỗi đau rất thật của bà ta, mẹ ta để cất lên tiếng hát ru con, ru đời muôn thuở.
Cái kiếp bông hoa kia dẫu bé nhỏ, nhưng không còn một đời hoa xoay theo dòng nước giạt trôi vô định, mà là bông hoa trên cây đời mãi xanh. Đâu còn nữa cái thời Trúc Anh Đài cải nam đi “sôi kinh nấu sử”. Đâu còn một đời cô Mị ở Hồng Ngài chỉ biết đi theo đuôi ngựa của chồng. Xã hội hiện đại ngày càng khẳng định vị thế và quyền lợi của phụ nữ trong mối tương quan với nam giới. Nhưng không vì thế mà đàn bà ngày nay bớt khổ.
Cô bé mắt nai còn nhớ chăng cái khoảnh khắc tim đập loạn nhịp cùng nỗi thẹn thùng khi bắt gặp ánh mắt trộm nhìn của cậu bạn cuối lớp, phút xao xuyến khi mở vội bức thư còn thơm hương mực được giấu trong ngăn bàn giữa giờ lên lớp và tủm tỉm cười khi đọc những dòng chữ ngây ngô của kẻ mà ai cũng biết là ai đấy. Tóc bím, em còn nhớ không chiều Hồ Tây lộng gió, đầu đinh nào săng sái cưỡi con ngựa sắt đưa em băng qua cơn gió ngược và nhễ nhại mồ hôi khi chìa tay đưa cho em que kem mát lạnh. Má em hây hây đỏ dù trời đã tắt nắng và gió đã nổi lên theo con sóng giữa hồ. Này nhé áo dài ơi, có chàng hiệp sĩ băng qua sân trường đầy nắng để hái cho em cành phượng đỏ hôm bế giảng. Tôi thấy mắt em hoe đỏ và bất chợt trời mưa. Hai đứa đuổi nhau giữa cơn mưa đầu hạ và em cười trong veo. Áo dài nhé, hạnh phúc chỉ đơn giản là thế.
Có cái gì làm cậu trai trẻ xao xuyến hơn và người đàn ông đã đi qua nhiều thăng trầm thấy lắng dịu hơn khi bất chợt bắt gặp một lời nói dịu dàng, một cử chỉ ấm áp của cô gái nọ. Bởi vậy mà đàn ông các anh với mũi tên cỏ bồng thăng thiên đã tôi luyện tâm hồn mạnh mẽ để chở che cho người con gái của đời mình. Người ta bảo phái đẹp là phái yếu. Tôi nghĩ chưa hẳn, đàn bà mạnh bởi chính sự yếu mềm của họ. Họ có thể đổ lệ khi lơ đễnh giẫm “gai mùng tơi”, nhưng cũng có thể nuốt nước mắt vào sâu thẳm khi ngồi trên giàn lửa. Ấy, chẳng phải là họ quá mạnh mẽ hay sao khi bất chấp quy luật của tạo hóa để cho “nước mắt chảy ngược”. "Anh hùng không qua nổi ải mỹ nhân" tôi nghĩ đâu chỉ vì cái hương sắc của bông hoa sớm nở tối tàn kia.
Bước sang tuổi đôi mươi, là đúng từ cái lúc ấy, tôi bắt đầu có cảm giác sợ Tết. Một mùa xuân đến là một mùa xuân đi. Hai mốt, hai hai, tôi sợ mình thêm tuổi, rồi hai ba…Nhưng càng ngày tôi càng lờ mờ hiểu được cái ý tình sâu xa của các cụ khi buông lời phán "Gái một con trông mòn con mắt". Con gái thêm tuổi thì mặn mà hơn, đằm thẳm hơn và cũng bén duyên hơn. Cái đẹp lúc này lặn vào trong mà toát ra khí tiết thanh thoát, dịu ngọt, như ăn quả lúc đã vào độ chín đậm, không còn cái hơi hơi chua, hơi hơi chát nơi đầu lưỡi khi người ta thèm cái vị quả đầu mùa. Vẻ đẹp của má hồng có hồn hơn và cũng “người” hơn. Họ nhiều linh cảm cuộc sống hơn để bước vào thiên chức làm mẹ, làm vợ.
Làm mẹ ai bảo không khổ. "Đau đẻ, ngứa ghẻ, đòn ghen". Các cụ nói chẳng sai. Nhưng dẫu thế, tôi vẫn cứ muốn được đau đẻ. Bạn thử nghĩ điều kỳ diệu rằng từ trong cung lòng mình ấp ủ một mầm sống, mầm sống ấy hòa cùng nhịp đập của bạn và lớn dần từng ngày. Hết cái cữ chín tháng mười ngày, sinh linh bé bỏng ấy đội bụng bạn để bước vào đời. Như vậy, bạn đã làm cái việc mà tôi gọi là "sáng tạo huyền diệu". Nhưng có lẽ đây mới chỉ là bản lề sáng tạo, bởi quá trình sáng tạo của bạn còn ở phía trước.
Sáng tạo một nhân cách, một trí tuệ. "Mỗi đứa con là công trình vĩ đại của môt bà mẹ". "Phúc đức tại mẫu", bạn lại giáo dục một người con trai - để được một con người, giáo dục một người con gái - để được một gia đình. Tôi thèm được nghe tiếng con trẻ bi bô, thèm được để bàn tay bé bỏng đỏ hồng của bé trong lòng tay, thèm mùi sữa thoảng trong da thịt con trẻ, thèm cụng yêu vào cái trán loe hoe tóc tơ và thì thầm con yêu của mẹ.
Thử tưởng tượng, một buổi chiều khi bếp nhà hàng xóm đã đỏ lửa, chồng bạn đang xoay mòng mòng giữa bãi chiến trường và khó nhọc nựng con khóc trông đến tội nghiệp. Có bụi hồng hoa vô duyên bay vào mắt bạn và tôi cam đoan là bạn không thể đứng nhìn quá một phút. Bạn thấy không, hạnh phúc chỉ đơn giản là vậy thôi, là được sống trọn vẹn một kiếp người, có khóc, cười, có đau khổ, hạnh phúc, có đủ đầy hỉ nộ ái ố.
Đọc "Thương nhớ mười hai" bao nhiêu lần là bấy nhiêu lần tôi ao ước được như người vợ tấm mẳn, cô Quỳ của nhà văn Vũ Bằng. Cũng kiếp đàn bà, khổ, nhưng có được người bạn đầu gối tay ấp tri kỷ với nỗi khổ, thế là bao nhiêu tấm tức, bao nhiêu nỗi trách giận người quân tử cứ "bung" ra cho gió cuốn đi hết. Đàn bà khổ vì họ vị tha và cả nghĩ quá. Tôi có cái ao ước là có một tổ ấm luôn đỏ lửa, mỗi ngày đầu tháng âm lịch thì giở “Thương nhớ mười hai” ra, vợ đọc chồng nghe xem tháng này ở Bắc Việt có “thời trân” gì, rồi ngày cuối tuần thì cố gắng bày vẽ ra để cả nhà rôm rả. Thiết nghĩ, đâu phải bây giờ chúng ta mới nói đến bình đẳng giới. Đàn bà xưa không ít người cùng chồng bình thơ và trăn trở chuyện nhân tình thế thái. Xét cho cùng, người ta sống cũng vì cái tình, dẫu chỉ để “gió cuốn đi”.
Lời cuối cho các cô gái thời đại @. Tôi cũng như các bạn, dẫu biết rằng sinh ra làm kiếp đàn bà “nặng nghiệp” nhưng sướng khổ đôi khi là do thái độ của ta với nó. Người phụ nữ muôn đời được tạo hóa nhào nặn từ chất liệu dịu dàng và pha thêm sự nhẫn nhịn. Thế nên ông trời mới cho phụ nữ một tri kỷ, đó là nước mắt, nước mắt chảy xuống và nỗi buồn cũng theo đó mà bay đi. Và đôi lúc, tôi tự ru mình bằng cái cách rất lạc quan của riêng tôi “Đàn bà muốn là Trời muốn”.
Hoang Lien
▪ Bế tắc trong hôn nhân (04/09/2008)
▪ "Cơn lốc" trong tổ ấm (03/09/2008)
▪ Áp lực vì không kiếm tiền giỏi (03/09/2008)
▪ Nối giáo cho... bồ chồng (03/09/2008)
▪ Tôi bị 'gạ đổi' chồng (30/08/2008)
▪ Vợ cũ muốn đi bước nữa (29/08/2008)
▪ Tâm sự chàng độc thân “tự sướng” (29/08/2008)
▪ Tránh tổn thương khi tình yêu không lối thoát (29/08/2008)
▪ Ngày xưa: Tôi và anh... (29/08/2008)
▪ Mất đời con gái vì người yêu qua chat (28/08/2008)