Khi cánh cửa gia đình đã khép
Các Website khác - 17/12/2004

Nuôi dạy con đã khó, giữ được con không hư hỏng, tránh được những cạm bẫy nguy hiểm, lại càng khó hơn. Thế nhưng, có những cánh cửa gia đình đã nhẫn tâm khép chặt trước đứa con của mình.

Những câu chuyện đời

Dẫu cố tỏ vẻ lạnh lùng, bất cần đời, nhưng M. vẫn không che giấu được cái chân chất, quê mùa của cô gái miền sông nước Nam Bộ.

15 tuổi, M. nghe bạn bè dụ dỗ đã ăn cắp một giạ lúa của gia đình bán đi để tiêu xài và mua vé bao các bạn cùng xóm đi xem gánh hát. Sau một trận đòn nhừ tử, ba nhất quyết đuổi em ra khỏi nhà. Má rất thương M., chỉ biết khóc và dúi vội vào tay con một ít tiền với lời dặn: Con ráng một thời gian, chờ cha nguôi giận rồi về.

Ở bến xe miền Tây, một phụ nữ tốt bụng thấy em hiền lành nên giới thiệu cho em lên phụ bán bánh mì ở quận 3, TPHCM. Quần quật từ 5 giờ sáng đến ăn 11 giờ đêm nhưng M. vẫn cắn răng chịu đựng mong dành dụm đủ tiền chờ cha nguôi giận để về nhà. Nhưng khi về được đến nhà cơn thịnh nộ của người cha lại càng dữ dội hơn bởi những lời đàm tiếu độc ác của họ hàng, xóm giềng.

Họ tưởng tượng, thêu dệt đủ mọi chuyện trong khoảng thời gian M. sống ở TPHCM và chẳng ai tin M. đã sống được ở chốn phồn hoa ấy bằng chính sức lao động của mình. M. không chỉ mang tội ăn cắp mà còn thêm tội bỏ nhà đi hoang. Ba dọa sẽ giết chết M. nếu còn nhìn thấy mặt. Quay lại TP, không nơi nương tựa, không người thân, niềm tin vào cuộc sống cũng chẳng còn, M. bắt đầu sa chân vào chốn bùn nhơ, bất chấp tất cả... để rồi cứ lún thật sâu và chẳng bao giờ còn ý nghĩa có thể quay về nhà gặp má, xin ba tha tội...

Là con trai duy nhất trong gia đình có 5 chị em, T.N.P. được ba mẹ đặt hết niềm tin, với hy vọng cậu quý tử sẽ học thật giỏi để làm rạng rỡ dòng họ. Không phụ lòng cha mẹ, suốt những năm học phổ thông P. luôn là học sinh khá giỏi và còn là vận động viên bóng đá có hạng của các giải bóng đá học sinh. Mọi rắc rối chỉ bắt đầu nảy sinh vào năm lớp 12, P. muốn được thi vào đại học TDTT trong khi bố mẹ lại buộc cậu phải trở thành bác sĩ. Bất mãn nhưng không thể trái ý các đấng sinh thành, P. cũng làm hồ sơ dự thi vào đại học trong khi chẳng buồn ôn luyện cho kỳ thi trước mắt.

Rớt đi học, dẫu vẫn biết chắc như thế ngay từ khi làm hồ sơ dự thi, nhưng đây vẫn là cú sốc đầu đời khá lớn với người chưa từng thất bại trong bất kỳ cuộc thi nào từ văn hóa đến TDTT như P. Không chỉ có vậy suốt ngày P. bị bố mẹ chì chiết nào là vô dụng, là kém cỏi... và luôn bị mang ra so bì với thằng A., con B... Thất vọng, chán ngán, bực bội... P. quyết tâm thoát khỏi sự đè nén bằng chuyến "bụi đời" cùng với 2 triệu đồng lấy trong tủ của bố mẹ.

Gần ba tuần "du lịch" khắp nơi, tiền hết, P. quyết định quay về nhà bởi cậu hiểu chẳng nơi đâu bằng gia đình dẫu vẫn rất phập phồng với tội lỗi mình đã trót gây ra. Suốt bữa cơm bố mẹ chẳng nói lời nào càng khiến P. thêm lo lắng, hồi hộp. Rồi tối cũng đến, mọi sinh hoạt vẫn bình thường, bố vẫn lặng lẽ mà không tức giận như tưởng tượng của P... Nhưng đột nhiên, lời thì thầm của thằng cháu con chị Hai làm P. như chết điếng: "Ông ngoại kêu công an về bắt cậu đó, mấy ổng đang ở ngoài trước kìa". Không kịp suy nghĩ, P. lao vội ra sau, leo lên mái nhà chạy trốn và thề sẽ không bao giờ quay về nhà.

Ba tháng sau đó P. bị bắt với tội danh lừa đảo khi mang chiếc xe máy của bạn đi bán lấy tiền tiêu xài. Vụ án kết thúc nhanh chóng vì P. rất thành thật khai nhận hành vi của mình. Tại phiên tòa, nhìn những giọt nước mất ăn năn trên khuôn mặt hiền lành, sáng sủa của P. ai có mặt cũng không khỏi chạnh lòng và chậc lưỡi: "Giá như...", cha P. vì xấu hổ đã không dám đến dự buổi xét xử, còn người mẹ như quỵ ngã khi tòa tuyên án P. phải chịu 9 tháng tù giam...

Khi cha mẹ chối bỏ trách nhiệm

Theo thạc sĩ xã hội học Hà Văn Tác - Phó trưởng khoa Xã hội học và dân số học - Học viện Chính trị Quốc gia TPHCM, hiện tượng cha mẹ chối bỏ trách nhiệm khi con cái phạm sai lầm đang dần trở nên khá phổ biến trong xã hội.

Có thể giải thích nguyên nhân của hiện trạng này là do sự sĩ diện, sợ xấu hổ khi có một đứa con hư đến mức phản ứng một cách hết sức cực đoan của các bậc cha mẹ. Nhưng tìm hiểu sâu hơn sẽ còn rất nhiều nguyên nhân khác: cuộc sống gia đình đang bị ảnh hưởng khá mạnh mẽ bởi điều kiện kinh tế, văn hóa bên ngoài con người luôn bị chi phối bởi những giá trị vật chất nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân, tất cả những điều ấy khiến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình suy giảm rõ rệt. Với không ít bậc cha mẹ, con cái vẫn chưa phải là vốn quý nhất mà kinh tế vật chất vân quan trọng hơn cả.

Xét mặt khác, các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về việc trẻ bỏ nhà đi ngày càng nhiều khiến những gia đình rơi vào hoàn cảnh tương tự không cảm thấy quá sốc để tìm cách níu giữ con hoặc tìm cách đưa con trở về. Một số gia đình lại có tư tưởng ỷ lại vào các tổ chức xã hội, họ cho rằng cứ đẩy trẻ ra đường sẽ có các tổ chức xã hột cưu mang giúp đỡ và xem đấy là "bài học thích đáng" cho con...

Một trong những điều đáng lo ngại nhất hiện nay là trong một nghiên cứu ngẫu nhiên, có đến gằn 50% phụ huynh được hỏi thú nhận họ còn thiếu phương pháp và kinh nghiệm giáo dục con cái. Cần phải có những lớp học trang bị cho các bậc cha mẹ những kiến thức tối thiểu về tổ chức đời sống gia đình, chăm sóc dạy dỗ con cái, kiến thức pháp luật và cả những kiến thức tâm lý sư phạm tối thiểu.

Nghề nghiệp chỉ đi với mỗi người một khoảng thời gian ngắn nhưng người ta vẫn phải học nghề, trong khi đó làm cha làm mẹ suốt cả cuộc đời lẽ nào lại chẳng cần phải học?

Cũng theo thạc sĩ Hà Văn Tác, trong thực tế, trẻ sai phạm bởi rất nhiều lý do, cố thể do ngẫu nhiên, do bồng bột, thiếu suy nghĩ nhất thời, do còn quá mong manh trước những tác động xấu của xã hội... nhưng quan trọng nhất, các bậc phụ huynh phải hiểu được rằng con cái hư hỏng ít nhiều cũng phải có nguyên nhân từ chính cách giáo dục của mình, không thể đổ hết tất cả cho xã hội, cho người khác.

Và, cũng nên hiểu rằng kiểu xử sự cực đoan của cha mẹ khi con cái phạm lỗi sẽ ảnh hưởng rất mạnh đến tâm lý, cuộc sống của trẻ, thậm chí có thể bẻ ngoặt cuộc đời non nớt của trẻ sang một ngã rẽ khác theo hướng hoàn toàn bất lợi cho đứa con yêu quý của mình.

Theo PNCN