Khi chồng xuất ngoại
Các Website khác - 17/10/2007
Bịn rịn tiễn chồng lúc chia ly.

Lẻ bóng 

 

Anh chị lấy nhau mấy năm, khi thằng con trai hai tuổi, chồng chị được bà con bảo lãnh sang Đức làm ăn. Biết xa chồng là bao nỗi nhọc nhằn, nhưng vì hoàn cảnh kinh tế, chị lau nước mắt, ẵm con, chia tay chồng, chờ ngày anh về đoàn tụ.   

 

Cũng từ đó, chị là trụ cột chính trong gia đình. Bố mẹ chồng đã già, không còn giúp nhiều cho chị, từ việc chợ búa, giặt giũ, cơm nước đến những việc của đàn ông như đảo lại mấy viên ngói trên mái nhà, tháo bóng đèn ra sửa v.v. chị cũng phải tự tay làm.

 

Chị tâm sự: “Lúc đầu vất vả, nhưng tự lập cũng quen dần, chồng đi vắng không biết nhờ ai, không lẽ nhờ hàng xóm”.

 

Căn nhà ba tầng vừa hoàn công thợ, chị thở phào nhẹ nhõm. Mấy tháng nay, chị đau đầu lo mua bán vật liệu xây dựng, chọn mẫu thiết kế, thuê công nhân, rồi đi nhờ người giám sát. Tuy nhọc nhằn nhưng không biết chia sẻ cùng ai.

 

Trong nhà, ai cũng nói chị là vợ hiền dâu thảo. Bố mẹ chồng khó tính, nhưng chưa bao giờ chê trách chị. Họ hàng nội ngoại giỗ chạp, cưới hỏi, chị không bao giờ vắng mặt. Từ khi chồng vắng nhà, chị cảm thấy mình trưởng thành hơn. 

 

Phương tiện kết nối vợ chồng là chiếc máy tính. Cũng nhờ nó, hàng tuần chị đều nhìn thấy mặt chồng. Những đêm cô đơn, chị ngậm ngùi. Đã lâu lắm rồi, không có chồng nằm cạnh. Nhìn bạn bè sánh đôi lại chạnh lòng. Lúc xuôi buồn thuận gió không sao, những lúc có sự cố mới thấy thật tủi thân ghê gớm.

 

Trốn chồng đi ăn vụng

 

Chồng đi làm ở Nhật hàng tháng gửi tiền về, Hoa khá an nhàn. Cô quyết định nghỉ hẳn cái xí nghiệp giầy da, cuối tháng lên ngân hàng rút tiền. Chuyện con cái, việc nhà, Hoa phó mặc cho ô sin. Ngày nào cũng thế, sau khi ăn sáng, Hoa lại ra mấy hàng uốn tóc, massage làm đẹp, chiều ngồi đầu ngõ buôn dưa lê với mấy bà.

 

Trong đám bạn bè, Hoa như phụ nữ chưa chồng. Ăn mặc sành điệu, lúc nào cũng rảnh rang, không đám tụ tập nào cô không có mặt. 

 

“Nhàn vi cư bất thiện”, Hoa đã có những phút siêu lòng. Lần đầu cũng e ngại và giận chính bản thân, nhưng sau vài ba lần “quen mui”, Hoa không thể ở nhà mãi được.

 

Tối nào, Hoa cũng đến nhà anh chàng trong mộng. Hàng xóm láng giềng xì xào, bố mẹ chồng nhắc nhở, Hoa trả lời thản nhiên: “Ui trời, anh ấy sang bên đó cũng hư, chứ ngoan gì. Ông ăn chả thì bà ăn nem. Con đã hy sinh nhiều cho gia đình thì cũng phải có lúc nghỉ ngơi”.

 

Trăm nỗi buồn

 

Cái mác chồng đi tây luôn khiến chị Tú phiền lòng. Ai cũng tưởng đi tây thì giàu có, nhiều tiền. Trong họ, hễ có đám giỗ, cưới xin đều mời chị. Chị không dám chối từ vì sợ mang tiếng “giàu mà ky”. Mấy tháng gần đây, chồng làm ăn khó khăn không gửi tiền về, số còn lại chị dồn hết vào xây nhà, ngân sách gia đình đã cạn kiệt, bao việc phải lo.

 

Chồng chị ở nước ngoài đã có quan hệ vợ chồng với một phụ nữ khác. Chị biết vậy nhưng cũng giấu nỗi buồn trong tim. Vì con, vì gia đình, chị không đành chia tay. Chị nghĩ: “Anh bên đó thiếu thốn tình cảm, có người lo cơm nước cũng đỡ vất. Mình hiểu anh ấy yêu mình”. 

 

Còn Hoa cũng vướng một kết cục buồn. Không chịu mãi cảnh vợ ở nhà lăng nhăng, chồng Hoa quyết định ly hôn. Anh bỏ mặc không về nước.  Tiền gửi về nuôi con cũng hạn chế. Đang ăn chơi sung sướng, giờ trông Hoa lúc nào cũng sầu thảm.  

 

Xa chồng, nhiều phụ nữ vượt qua những khó khăn vất vả của cuộc sống đợi cho được đến ngày đoàn viên. Bên cạnh đó không ít người vợ bị cám dỗ. Hạnh phúc thực sự ngày sum họp gia đình không biết có bao giờ mỉm cười với họ?

 

DK