Làm bạn với con
Các Website khác - 12/06/2006

 

TTO - Con trai tôi, 20 tuổi. Cháu là đứa con ngoan, chăm chỉ, biết giúp đỡ cha mẹ trong mọi công việc. Học giỏi, có tinh thần tập thể, hăng say trong công tác đoàn, đội; có khả năng lãnh đạo.

12 năm phổ thông liền xếp loại HS giỏi. Năm đầu tiên thi đại học đậu cả 2 khối A và B. Nhưng từ khi vào đại học (hiện nay cuối năm 2) tinh thần cháu thay đổi nhiều: ngủ rất nhiều, không thiết tha với sinh hoạt gia đình (không coi tivi, không sinh hoạt chung buổi tối), đi học về cháu vào phòng riêng, chỉ ra khỏi phòng khi cần làm các công việc bổn phận tự nguyện (ủi quần áo, lau nhà...) hầu như không đi chơi, trừ các buổi tham gia chiến dịch tình nguyện. Gia đình tổ chức đi chơi cháu đi nhưng là miễn cưỡng, ra biển không tắm (cháu bơi rất giỏi), không tham quan chỉ nằm trong phòng ngủ và ra khỏi phòng để cùng gia đình dùng bữa.

Tình hình học tập có giảm sút: thi lại 7 môn trong số 24 môn, lý do cháu đưa ra là không thích sự giảng dạy của giảng viên bộ môn, các môn khác cháu đạt từ 7-9 điểm.

Hiện nay cháu nài nỉ thiết tha xin nghỉ đại học vì cho rằng cách giảng dạy ở đại học không như cháu nghĩ: GV cần trình bày vấn đề, giới thiệu tài liệu và SV tự học, thắc mắc được GV hứơng dẫn giải thích thêm, trong khi thực tế SV đến lớp GV chỉ đọc cho chép, không có tính sáng tạo, SV không có thời gian tư duy....

Chúng tôi không cho cháu nghỉ đại học mà đồng ý cho cháu học thêm chương trình cao đẳng Aptec (theo nguyện vọng của cháu). Nhưng cho đến bây giờ tinh thần cháu vẫn buồn phiền, ngủ nhiều, ăn nhiều, không thiết tha với cuộc sống, nhân sinh quan với cuộc sống chán nản, thất vọng. Biết cháu thích chó, chúng tôi đã tặng cháu một con chó con rất hay, cháu chỉ cười vui khi chơi với chó con trong nhà.

Chúng tôi đã đề nghị cháu nhiều lần: cần được giải quyết vấn đề bằng cách gặp gỡ các chuyên gia tâm lý để gỡ rối điều gì đang vướng mắc. Nhưng cháu không chấp nhận.

Chân thành cám ơn TS. (T.H.)

- Trả lời của tiến sĩ tâm lý học Huỳnh Văn Sơn: Xin được chia sẻ cùng chị cũng như gia đình và đặc biệt với cháu trai về hoàn cảnh thực tế. Dù chưa thể kết luận gì do chưa có nhiều thông tin cũng như chưa thể thăm khám hay tiếp xúc một cách trực tiếp nhưng có thể những thông tin bước đầu cho thấy cháu thực sự có những xúc cảm tiêu cực hoặc trạng thái tâm lý thiếu sự cân bằng, bình ổn...

Sự hụt hẫng của môi trường học tập hay mối quan hệ người- người có thể làm cho bản thân mỗi cá nhân sẽ rất căng thẳng. Những biểu hiện rất cụ thể của cháu như: chế độ sinh hoạt thay đổi một cách lạ kỳ, không thiết tha với việc học, chán những hoạt động mang tính năng động và thậm chí là các hoạt động vận động... cho thấy sự hụt hẫng ở cháu đã xảy ra trong một khoảng thời gian khá lâu. Có thể nói những vết “trầm tích” được tạo ra từ xúc cảm tiêu cực đã khá dày, khá cao. Vấn đề có thể nhìn nhận ở các góc độ sau:

Thứ nhất, có thể việc hụt hẫng về những hình ảnh ước mơ khi vào đại học đã làm cho cháu căng thẳng từ đó dẫn đến viêc học kém và thi lại rất nhiều môn học khác. Điều này cũng có thể do thầy cô cũng như cách thức giảng dạy ở Đại học làm cho cháu hụt hẫng, cũng có thể là do một cú sốc nào đó về mặt tình cảm. Thông thường, có một số học sinh không kịp thích nghi với môi trường học tập Đại học nên có thể xảy ra hiện tượng trên, chị ạ!

Thứ hai, chính việc thi lại nhiều môn trong khi mình đã từng là học sinh giỏi cũng như nhận được sự kỳ vọng ở cha mẹ... làm cho cháu rất căng thẳng từ đó trỏ nên buồn chán, thất vọng... Hiện tượng này càng kéo dài thì sự thất vọng của cháu càng lớn dần lên.

Phân tích những điều trên để có thể nhận thấy rằng cháu có thể bị stress tạm hay trầm cảm nhẹ. Một số biểu hiện ban đầu của trầm cảm đã thể hiện ở cháu. Điều này không thể kết luận một cách cảm tính nếu không được trực tiếp tiếp xúc với cháu. Có thể nhận thấy gia đình chị rất quan tâm và thương yêu cháu. Tuy nhiên, trước nhất gia đình cũng nên trao đổi thêm với cháu một lần nữa về nguyện vọng học tập.

Có thể cháu chưa hài lòng với cách dạy ở trường mà cháu đang học nhưng không có nghĩa là tất cả các giáo viên đều kém hoặc cả trường đều làm cho cháu thất vọng. Hơn nữa, chưa chắc tất cả những nơi khác thậm chí là các trường đào tạo ở nước ngoài sẽ là một thiên đường với cháu.

Cái khó nhất là cháu chưa chịu chia sẻ hết với chuyên gia tâm lý hoặc chuyên gia y học thì làm sao có thể sử dụng một số biện pháp tâm lý hay trị liệu để tác động đến cháu. Có thể chị sẽ sử dụng bức mail này để cháu tự đọc và suy gẫm. Có lẽ khi đích thân mỗi người đồng ý tự nguyện giải quyết chuyện của mình thì mọi sự mới rõ ràng và hiệu quả được.

Hy vọng của chương trình là cháu trai con chị sẽ tự tin và bản lĩnh để tụ cởi chiếc vòng mà cháu đã vô tình trói mình bằng cách tích cực đến với những chuyên gia trong lĩnh vực này.

TTO


CÁC TIN ĐÃ ĐƯA