Ðào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp phần mềm
Các Website khác - 26/09/2005
Hàng nghìn sinh viên CNTT tham dự
diễn đàn về nhân lực phần mềm
tại ĐH Bách khoa Hà Nội
ngày 14-5-2005.
Phần mềm đã qua cái thời "giật gấu vá vai", giờ đã có "bát ăn bát để", tổng giá trị năm 2004 đạt 160 triệu USD, tăng trưởng 35-40% so với năm trước. Tuy vậy, những người đang ngày đêm gắn bó với phần mềm vẫn lo lắng làm thế nào để phát triển bền vững khi thực tế đang gặp nhiều khó khăn không nhỏ như: thị trường, nhân lực, bản quyền... 
Nước ta được xếp vào tốp 25 quốc gia hấp dẫn về gia công phần mềm và dịch vụ, với hơn 600 doanh nghiệp nằm chủ yếu tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 15 nghìn người đã tham gia sản xuất và dịch vụ phần mềm, doanh thu bình quân mỗi người đạt 10 nghìn USD/năm, thu hút được một số Việt kiều về nước đầu tư cho công nghệ phần mềm.

Các doanh nghiệp phần mềm đang gặp những khó khăn lớn, được coi là rào cản trong quá trình sản xuất và gia công trong và ngoài nước. Các chuyên gia cho rằng: Nguồn nhân lực, vẫn là bài toán nan giải bởi sản xuất phần mềm có quy trình, cho nên việc tuyển chọn lập trình viên dựa trên chuẩn, mà nội dung chương trình giảng dạy các trường đại học nước ta thì không thể đáp ứng nhu cầu so với tốc độ phát triển thực tiễn.

Ông Nguyễn Nhật Quang, Giám đốc Công ty Hài Hòa cho biết: Hằng năm tăng trưởng của công ty là 30%, doanh số bình quân của một người là 10 nghìn USD/năm. Công ty hiện có 150 nhân viên, nhưng có rất nhiều hợp đồng, không làm hết việc, thậm chí có nhiều dự án công ty phải từ chối vì không bố trí đủ nhân lực. Khi tuyển chọn hàng trăm hồ sơ nộp dự tuyển, nhưng chỉ chọn được một vài người, những người này phải đào tạo sáu tháng sau đó mới có thể tham gia dây chuyền sản xuất. Ðể bảo đảm yếu tố bền vững và uy tín cho thương hiệu của mình, Công ty Hài Hòa thường xuyên luân chuyển vị trí làm việc cho phù hợp quy trình công nghệ.

Ông Phạm Kim Sơn, Phó chủ tịch VINASA (Hiệp hội các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam) cho biết: Một số sinh viên công nghệ thông tin không biết kỹ năng giao tiếp, thậm chí không biết chào (bằng tiếng Việt) thì làm sao giao tiếp với khách hàng, đó là chưa nói đến phản xạ ngoại ngữ... Nhiều đơn vị đang thực hiện gia công cho rằng, nguồn nhân lực không hẳn phải là người tốt nghiệp đại học, nên coi lập trình viên là một nghề chỉ cần đào tạo 6-12 tháng, không cần phải bốn năm như hiện nay. Ðiều quan trọng là phải đưa ra chuẩn đào tạo và chuẩn này phải được một đơn vị uy tín nào đó công nhận.

Bàn luận về vấn đề vi phạm bản quyền, các chuyên gia nhận định: Tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm đã hạ xuống còn 70%, nhưng các văn bản pháp luật vẫn ở trong tình trạng quá sơ sài và bất hợp lý. Ông Lũ Thành Long, Giám đốc Công ty Phần mềm MISA cho biết: Hiện nay Luật bản quyền Việt Nam không cho phép đăng ký tác giả là một pháp nhân, vì vậy các vấn đề phức tạp sẽ phát sinh. Nếu giám đốc công ty đứng tên tác giả thì sẽ " không phải" với các lập trình viên và những người tham gia dự án phần mềm. Nếu đưa tên tất cả các lập trình viên tham gia dự án vào danh sách tác giả thì một công ty có trên dưới 100 lập trình viên tham gia dự án và thậm chí nhiều hơn nữa với các sản phẩm có phiên bản. Làm thế nào để ghi tên họ hết trên tờ đăng ký bản quyền và giấy chứng nhận bản quyền.

Hiện nay vấn đề thị trường đang được coi là bài toán khá nan giải, bởi các doanh nghiệp xuất phát từ chuyên gia tin học, họ không hiểu nhiều về kinh doanh, không hoạch định được phương hướng cũng như chiến lược kiếm tìm thị trường. Cách đây ba năm Công ty FPT đã tiên phong trong việc kiếm tìm thị trường tại Mỹ, nhưng kế hoạch không tiến triển như dự định, bởi thị trường gia công phần mềm cho Mỹ là một thị truờng cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi đối tác cung cấp dịch vụ phải có nhiều kinh nghiệm, đội ngũ nhân lực giỏi, tiếng Anh lưu loát. Mấy năm gần đây công ty chuyển hướng sang kiếm tìm thị trường Nhật Bản.

Là nước có thị trường tiêu thụ phần mềm thứ hai trên thế giới, thị trường phần mềm của Nhật Bản hiện nay khoảng 100 tỷ USD/năm. Chính phủ và các doanh nghiệp phần mềm của Nhật Bản đang rất quan tâm khả năng xuất khẩu phần mềm của Việt Nam bởi các yếu tố như: sự tương đồng về văn hóa, khoảng cách địa lý, sự ổn định về an ninh chính trị, giá nhân công rẻ. Nhưng, hiện nay khó khăn mà các công ty phần mềm nước ta đang gặp phải khi tham gia xuất khẩu phần mềm chính là ngôn ngữ... Một lời khuyên thường xuyên cho các doanh nghiệp là chú trọng thị trường phần mềm nội địa, nhưng đến nay, phần mềm trong nước vẫn chưa có danh mục giải ngân, chưa có cơ chế tiêu tiền cho phần mềm bằng ngân sách nhà nước. Hơn nữa, không có cơ chế cho việc định giá sản phẩm, các công ty áng chừng công sức bỏ ra nhiều thì giá cao, bỏ ít thì giá thấp...

Trước thực trạng nêu trên, cần nhanh chóng phát triển nguồn nhân lực đông đảo và chuyên nghiệp vì đây là điều kiện then chốt cho sự thành công, đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa công tác đào tạo, huy động tối đa mọi nguồn lực cho công tác quan trọng này. Cần tập trung các sản phẩm dịch vụ phần mềm, đặc biệt dịch vụ gia công cho nước ngoài, trong đó trú trọng thị trường mũi nhọn Nhật Bản. Nhà nước cần huy động mọi nguồn lực để đầu tư thích đáng cho sự phát triển công nghiệp phần mềm. Cần phát triển mạnh mẽ thị trường nội địa để làm chỗ dựa, bàn đạp cho các doanh nghiệp trong nước rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm tiến đến thị trường quốc tế. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và của Việt kiều và có các biện pháp mạnh, kiên quyết để giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm. Ðồng thời, cần tăng cường hoạt động gia công phần mềm cho nước ngoài, đẩy mạnh các hoạt động trong nước tạo đà cho ngành công nghiệp phần mềm. Tất cả các việc này không chỉ một mình giới tin học làm được, mà phải có sự góp sức của toàn xã hội, phải chăng một định hướng cho sự phát triển bền vững phần mềm là xã hội hóa công nghiệp phần mềm.

HÀ HƯƠNG