Hệ thống an ninh mạng Việt Nam: Cần thời gian để hoàn thiện 
Các Website khác - 09/03/2006
Quang cảnh Hội thảo về
Ứng cứu khẩn cấp máy tính
và an toàn thông tin.
Sự ra đời của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam - VNCERT được coi là một trong những giải pháp góp phần bảo đảm an ninh mạng Việt Nam với chức năng đầu tiên là điều phối các hoạt động ứng cứu khẩn cấp máy tính trong toàn quốc. Nhưng xác định đây là một lĩnh vực còn khá mới mẻ của Việt Nam, mô hình hoạt động của VNCERT dự kiến sẽ cần phải có thời gian để hoàn thiện chứ không thể ngay trong một sớm một chiều.
Tuy chưa có những thống kê đầy đủ, song theo Thứ trưởng Bộ BC-VT Lê Nam Thắng, trong năm 2005 vừa qua, tại Việt Nam đã có tới trên 95% số máy tính bị nhiễm virus, nhiều website bị truy nhập trái phép và đặc biệt là đã xuất hiện các hình thức lừa đảo trên mạng.

Đây là một hiện tượng tất yếu xảy ra không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước khác trên thế giới cũng đang phải đối mặt với vấn đề an ninh mạng khi mà mạng máy tính và thông tin đã được kết nối toàn cầu, các nước đều có thể tham gia vào các hoạt động thương mại điện tử, các giao dịch tài chính trên mạng hay chính phủ điện tử... Bởi từ sự phát triển này, những loại tội phạm trên mạng cũng như nguy cơ khủng bố mạng đang ngày càng gia tăng mạnh hơn bao giờ hết.

Tại Hội thảo song phương Việt - Nhật về an ninh mạng và an toàn thông tin được Bộ BC-VT tổ chức mới đây, cũng đã có nhiều vấn đề liên quan trực tiếp tới an ninh mạng được đưa ra bao gồm: virus, xâm nhập mạng (hacker intrussion); bẻ hệ thống (System cracking); lấy trộm thông tin; tấn công mạng; thư rác; lừa đảo qua mạng; phần mềm có hại như quảng cáo, do thám gián điệp; lỗi do người dùng và từ tội phạm mạng đến khủng bố mạng.

Không phải tới thời điểm này các quốc gia - trong đó có Việt Nam - mới quan tâm tới vấn đề an ninh mạng mà ngay từ năm 2001, hoạt động hợp tác và phối hợp giữa các nước trong việc bảo đảm an toàn an ninh thông tin, các giao dịch và hạ tầng thông tin cũng như mạng máy tính đã được các nhà lãnh đạo APEC đồng lòng ra tuyên bố chung về an toàn cơ sở hạ tầng thông tin và chương trình hành động.

Đã có tới 6 giải pháp được các quốc gia APEC thông qua với hy vọng sẽ sớm cải thiện được tình hình, hợp tác mạnh hơn nữa trong việc bảo vệ hạ tầng thông tin và chống tội phạm mạng - đó là: xây dựng hành lang pháp lý; chia sẻ thông tin và hợp tác; hướng dẫn về an ninh và kỹ thuật; nâng cao nhận thức qua cộng đồng; đào tạo và giáo dục; và cuối cùng là vấn đề an ninh vô tuyến.

Ở Việt Nam hiện chưa thực sự có nhiều ứng dụng mạng vào các hoạt động lớn và hệ thống thiết yếu, nên nguy cơ của ta vẫn chưa lớn, ngoại trừ hệ thống tài chính ngân hàng. Tuy nhiên điều đó cũng không có nghĩa Việt Nam có thể thờ ơ với việc bảo đảm an ninh mạng, cần thiết phải có những hoạt động ứng cứu khẩn cấp máy tính và an toàn an ninh thông tin, cuối tháng 12-2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam - VNCERT.

Theo đó, VNCERT sẽ có các chức năng điều phối các hoạt động ứng cứu sự cố máy tính trong toàn quốc; cảnh báo kịp thời các vấn đề về an toàn mạng máy tính; xây dựng, phối hợp xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn mạng máy tính; thúc đẩy hình thành hệ thống các Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính (CERT) trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cuối cùng, VNCERT sẽ là đầu mối thực hiện hợp tác với các tổ chức CERT nước ngoài.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm này VNCERT vẫn chưa thể đi vào hoạt động vì còn phải có thời gian để hoàn thiện cơ cấu tổ chức, mô hình quản lý... Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng phải thừa nhận rằng ứng cứu khẩn cấp máy tính và an toàn thông tin là một lĩnh vực vẫn còn rất mới ở Việt Nam và vì vậy, bản thân những người xây dựng nên VNCERT vẫn cần phải học hỏi và trao đổi kinh nghiệm của những quốc gia đã đi trước trong lĩnh vực này.

Nhiệm vụ trước mắt của VNCERT cũng đã được đặt ra: xây dựng dự án đầu tư; xây dựng quy trình nghiệp vụ hoạt động; đào tạo nhân lực, chuyên gia cho VNCERT; đào tạo nhân lực cho các tổ chức CERT/CSIRT (trung tâm phản ứng nhanh các sự cố máy tính); thiết lập các mối quan hệ hoạt động trong nước và quốc tế, từng bước phổ cập quảng bá thông tin về an toàn mạng trong nước; tham gia các tổ chức an toàn mạng quốc tế.

Ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc VNCERT, cho biết để đạt mục tiêu VNCERT có thể phát huy hiệu quả cao nhất phụ thuộc rất nhiều vào sự nhận thức của các bộ ngành, cùng sự đầu tư của nhà nước trong việc phát triển chung của ứng dụng CNTT trong nước.

Dự kiến sẽ có một kế hoạch chương trình các dự án ứng dụng CNTT giai đoạn từ nay đến năm 2010 cùng dự án xây dựng hạ tầng an ninh mạng quốc gia được triển khai và thực hiện. Đó sẽ là nền tảng để cho việc hình thành hệ thống CERT quốc gia cũng như hoàn thành mục tiêu VN CERT sẽ đi đúng guồng quay ở mức độ cao như CERT của các nước tiên tiến vào năm 2010.

Theo Sài Gòn giải phóng