Cái thời điện thoại di động (ĐTDĐ) được coi là thứ đồ xa xỉ, trưng diện chỉ dành cho một nhóm người có tiền có lẽ đã qua. Thời ấy các nhà sản xuất vẫn thường tìm cách "mới" khách hàng bằng những loại ĐTDĐ công năng ngày càng hiện đại, nhưng ít ai thực sự muốn dùng đến.
Giờ đây ĐTDĐ ngày càng trở thành một phương tiện hằng ngày. Nhiều gia đình Bắc Mỹ tính chuyện bỏ hẳn điện thoại bàn ở nhà và chỉ dùng ĐTDĐ vì cước phí không chênh nhau lắm. Và ngày càng nhiều hộ độc thân chuyển sang dùng ĐTDĐ đơn giản vì họ ít khi ở nhà.
Các nước nghèo, đang phát triển cũng ngày càng nhận ra cơ may của mình để nhảy lên con tàu công nghệ cao đã chuyển bánh. Tuy nhiên, nguyên nhân không phải là họ ít ở nhà, mà ở những nước đó chi phí xây dựng mạng lưới điện thoại hữu tuyến quá cao, trong khi dựng cột thu phát trung chuyển cho ĐTDĐ đơn giản hơn.
Vấn đề nảy sinh ra ở đây là tại những nước nghèo như ở châu Phi, cước phí sử dụng trên mỗi ĐTDĐ trung bình có thể chỉ khoảng 5 USD/ tháng (bằng 1/10 so với mức sử dụng của người châu Âu). Sẽ là vô lý khi người ta phải trả hàng trăm USD để mua một máy ĐTDĐ, trong khi hàng tháng người ta chỉ có khả năng trả 5 USD cho việc thông tin qua điện thoại. Vậy để tiếp cận với thị trường này, tất yếu cần giảm giá tốt đa giá thành sản xuất ĐTDĐ.
Dùng loại ĐTDĐ như trước đây 10 năm?
Câu hỏi rất có lý. Ngay ở châu Âu, khi độ bão hoà cao đến mức có nhiều nước (như Bồ Đào Nha) số máy ĐTDĐ cao hơn số dân, các nhà cung cấp dịch vụ đã phải chuyển sang ngón tiếp thị: ĐTDĐ trả sau, không kèm cước thuê bao, và cước từng phút không hơn điện thoại bàn là mấy. Người dân chỉ mua sim card và tự đi kiếm máy. Và tất nhiên, ai có ý thức tiết kiệm như vậy thì hiếm khi mua máy hiện đại với những chức năng quay video, nghe nhạc MP3, hai màn hình... Mấy ai trong chúng ta sử dụng được hết các chức năng đó (sau khi đã giải quyết khâu "oai")?
Một chiếc ĐTDĐ bé bằng ngón tay cái phỏng có ích gì, khi cuốn sách hướng dẫn sử dụng khổ A4 dày 250 trang chứa đầy thuật ngữ chuyên môn không sao dịch trôi chảy sang tiếng mẹ đẻ được? Nhiều người thở dài, ước gì có lại chiếc ĐTDĐ như trước đây 10 năm, đủ để phát và nhận cuộc gọi, có thêm nữa cũng chỉ là nhắn tin.
Thật trái khoáy là để chi phí sản xuất một chiếc ĐTDĐ "lạc hậu" như cách đây một thập kỷ lại không rẻ hơn chút nào. Nghĩa là không thể quay lại sản xuất mới những đồ cổ được. Mặc dù các chip bán dẫn ngày nay đã phức hợp cao độ, mỗi ĐTDĐ vẫn có khoảng 200 chi tiết đắt giá, đã thế phải được nối với nhau một cách tinh xảo.
Giảm bớt được một số chức năng thì số linh kiện hầu như vẫn nguyên, song số mạch nối sẽ ít đi nhiều, có thể chỉ cần một chip bán dẫn là đủ. Giá thành sẽ hạ xuống khoảng 20 USD/ ĐTDĐ như một số nhà sản xuất dự đoán. Với chip thế hệ Bluetooth thậm chí người ta còn hy vọng vào bước đột phá để hạ đến giá sàn là 5 USD mỗi chip.
Hiện tại đã có ĐTDĐ "đơn giản hoá" với màn hình đen trắng, nhưng vẫn đầy đủ danh bạ điện thoại, tin nhắn, lịch, đồng hồ kèm báo thức, nhạc đa âm. Linh hồn của nó là một sản phẩm mới mang tên chip e-goldradio. Dự tính đến 2010 ĐTDĐ giá rẻ sẽ chiếm lĩnh 1/6 thị trường.
Vẫn Nokia đi tiên phong
Nhà cung cấp ĐTDĐ và các giải pháp mạng điện thoại không dây ngay từ phút khởi đầu đã có chân trong thế giới truyền thông bằng nghề sản xuất giấy - phương tiện truyền thông đầu tiên. Với tuyên bố ở Nairobi (Kenia) Nokia làm các đối thủ phải giật mình: đến cuối năm 2005 họ đã có 100 triệu khách hàng ở lục địa đen, và đến 2009 sẽ tăng gấp đôi. Nếu quả thật đến 2010 họ có được 3 tỷ khách hàng dùng ĐTDĐ toàn cầu thì không những Nokia tạo ra nhiều việc làm, mà các dịch vụ xã hội ở châu Phi cũng sẽ được hưởng nhiều lợi thế nhờ cải thiện kỹ thuật truyền thông.
Máy Nokia 1110 với màn hình đen chữ trắng chỉ nặng 80g, nhưng chế độ chở kéo dài 380 giờ, vô cùng lý tưởng cho các vùng ít điện! Giá cả hiện tại chỉ khoảng 70 USD, thêm vào 20 USD nữa là có thể mua được Nokia 1600 với 450 giờ chờ và màn hình mầu.
Ít nhất thì ở châu Phi và các nước đang phát triển giá đó dễ chấp nhận, thêm vào đó là chức năng tự động hiển thị thời hạn sử dụng và cước phí sau mỗi cuộc gọi, điều mà khách hàng trả trước vẫn luôn mong đợi.
Motorola phản ứng với thông báo trong vài năm tới sẽ tung ra 6 triệu ĐTDĐ dưới 40USD. Philips sau khi đặt chân được vào Thượng Hải cũng khẳng định sẽ quyết tâm hạ giá thành ĐTDĐ xuống mức dưới 20 USD nhờ giảm số linh kiện xuống dưới 100.
Infineon, một công ty Đức dự đoán đến 2007 họ chỉ cần 50 chi tiết để đạt giá thành sản phẩm 16 USD mà không làm giảm đáng kể các chức năng.
Cuộc cạnh tranh trên thị trường ĐTDĐ hứa hẹn sẽ đem lại lợi ích cho người dùng. Theo thống kê của Ngân hàng thế giới, 77% nhân loại sống trong vùng phủ sóng, nhưng chỉ 25% sử dụng ĐTDĐ - một hạn chế không đáng có do nguyên nhân tài chính, song cũng vì chính sách thông đồng giá giữa các nhà sản xuất, một phần không nhỏ do chính sách thuế và điều tiết thị trường ĐTDĐ nội bộ của các quốc gia.
|