Ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục
Các Website khác - 28/03/2006
Ứng dụng công nghệ thông
tin vào công tác giảng dạy tại
Trường THCS Hồng Bàng
(quận 5, TP Hồ Chí Minh).
Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giáo dục, từ lâu không còn là vấn đề xa lạ. Nhưng ứng dụng CNTT trong giáo dục như thế nào,  cần những điều kiện gì, và hoạt động này đang đứng ở đâu trong đời sống giáo dục, trong tiến trình phát triển và xu thế hội nhập là vấn đề cần bàn.
Mô hình "trường học điện tử"

Mới đây, trong đời sống phẳng lặng của người dân huyện An Dương (Hải Phòng) bỗng náo nức, sống động, bởi một sự kiện mới - khai trương mô hình "trường học điện tử" tại Trường THPT Nguyễn Trãi - trường THPT đầu tiên của thành phố được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

Có thể nói có rất nhiều tranh cãi, không đồng thuận với khái niệm mới này nhưng theo các chuyên gia "trường học điện tử" tạm hiểu là mô hình trường học dùng CNTT như một phương tiện chủ yếu ứng dụng vào toàn bộ hoạt động dạy - học và quản lý của nhà trường nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Với nhận thức và mong muốn sử dụng CNTT với các phương tiện điện tử như một khâu đột phá tạo môi trường học tập mới, khơi gợi sự hứng thú dạy và học của thầy và trò.

Theo thạc sĩ Lê Hoàng Việt, hiệu trưởng nhà trường, từ năm 1995, trường trang bị máy tính để giảng dạy tin học cho học sinh, ứng dụng CNTT vào công tác quản lý. Năm 1997, trường có một phòng máy tính và sử dụng mạng internet. Trường mạnh dạn đầu tư khai thác nhiều thiết bị, công nghệ hiện đại, xây dựng và triển khai nhiều phần mềm phục vụ công tác quản lý, dạy và học. Ðến nay, trường có hơn 70 máy tính nối mạng và có kết nối internet băng thông rộng. Trong đó 45 máy cho học sinh học tập, bảy máy cho thư viện điện tử, mười máy cho giáo viên học tập, khai thác internet phục vụ giảng dạy, bảy máy tính cho công tác quản lý... Ngoài ra, trường còn có hệ thống camera quan sát tại các phòng học.

Với mô hình "trường học điện tử", đặc thù trong hoạt động nhà trường chủ yếu là trao đổi và xử lý thông tin một cách kịp thời, cập nhật; giảm thời gian, công sức cho các công việc nhưng chất lượng hiệu quả vẫn cao. Cụ thể, trong công tác quản lý: các phần mềm quản lý giúp khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung để quản lý mọi nguồn lực. Hoạt động trong nhà trường, lập và gửi các báo cáo, nhắn tin hai chiều, nhiều chiều qua mạng nội bộ, internet.

Trong công tác giảng dạy và học tập, ngoài bảng đen, phấn trắng, các thiết bị thí nghiệm thông thường, học sinh được tiếp xúc với các thông tin đa phương tiện, các bài giảng điện tử thí nghiệm mô phỏng trên máy tính, giúp các em tiếp thụ bài học dễ dàng, hứng thú hơn. Học sinh có thể giao tiếp với giáo viên, nhận và trả bài tập thông qua máy tính, mạng, sử dụng các chương trình kiểm tra trắc nghiệm trên máy tính, vừa học tập vừa tự đánh giá được kết quả học tập của mình và giúp kiểm định chất lượng giảng dạy của giáo viên. Học sinh sử dụng thời khóa biểu điện tử có kiểm soát qua thẻ giáo viên và thẻ học sinh. Thời khóa biểu này kiêm cả chức năng sổ đầu bài, sổ điểm điện tử. Tất cả thông tin trong giờ dạy và học của giáo viên, học sinh, điểm kiểm tra sẽ được cập nhật vào cơ sở dữ liệu chung.

Trong công tác quản lý, đánh giá rèn luyện của học sinh, với mô hình "trường học điện tử", trường học có trung tâm cập nhật, xử lý thông tin về học sinh, thi đua của các lớp. Giáo viên dễ dàng xếp loại hạnh kiểm, thi đua với sự trợ giúp của phần mềm máy tính. Mỗi học sinh có một thẻ (chíp) điện tử thông tin cá nhân và quá trình rèn luyện. Thẻ điện tử đóng vai trò như một cuốn học bạ kiêm sổ liên lạc. Học sinh sử dụng thẻ khi ra vào cổng trường, thư viện và sử dụng các dịch vụ khác của nhà trường.

Ðương nhiên, với mô hình "trường học điện tử", đội ngũ giáo viên nhà trường cần có một trình độ nhất định về tin học với 100% số giáo viên trình độ A, trong đó 40% số giáo viên đạt trình độ B và sáu giáo viên có trình độ cử nhân tin học. Các lớp bồi dưỡng tin học học theo từng chuyên đề được nhà trường mở thường xuyên, góp phần giúp đội ngũ giáo viên không chỉ có trình độ tin học tương ứng đáp ứng mô hình mà còn tự tìm kiếm thông tin từ internet để thiết kế, minh họa và đổi mới phương pháp giảng dạy.

Ứng dụng CNTT trong giáo dục như thế nào?

Nhưng "trường học điện tử" nói cho công bằng chỉ là một nhánh đi của đại lộ ứng dụng CNTT trong giáo dục, với những con đường lớn: ứng dụng CNTT trong công tác quản lý giáo dục từ cấp sở đến cấp phòng và trường; ứng dụng CNTT trong hoạt động giảng dạy; dạy tin học với tư cách một môn học, v.v. mà ngành giáo dục và đào tạo chủ trương từ nhiều năm nay.

Giáo sư Hoàng Ngọc Hà, Vụ trưởng Quản lý Khoa học (Bộ Giáo dục và Ðào tạo) cho biết: Ðến nay, có khoảng 98% số trường THPT kết nối internet và triển khai ứng dụng CNTT trong giáo dục. Các phần mềm ứng dụng thường tập trung ở ba loại: phục vụ công tác quản lý giáo dục của các trường; tiếp cận với các môn học và tiếp cận dữ liệu (thư viện điện tử, giáo án điện tử, trao đổi thông tin thầy - trò...).

Nhưng việc ứng dụng CNTT trong giáo dục được các địa phương đón nhận với các cấp độ, mức độ khác nhau tùy thuộc nhận thức, năng lực và điều kiện thực tiễn. Muốn triển khai ứng dụng CNTT trong giáo dục, điều kiện đầu tiên là cơ sở vật chất. Nhưng hiện nay, ngay cả những tỉnh vốn tích cực ứng dụng CNTT trong giáo dục thì số máy tính/học sinh cũng còn rất ít ỏi. Hòa Bình mới 60 học sinh/máy, Hải Phòng 47 học sinh và TP Hồ Chí Minh 30 học sinh/máy. Tỷ lệ này cho thấy so với các nước trong khu vực và thế giới, như Thái-lan, 20 học sinh/máy, còn Anh sáu học sinh/máy thì còn quá thấp.

Ðáng mừng số giáo viên tham gia ứng dụng CNTT vào giảng dạy ngày càng tăng. Năm năm trước, đội ngũ này mới chỉ bắt đầu làm quen với máy tính. Còn nay, họ có trình độ ứng dụng những phần mềm CNTT trong dạy học. Ở cấp độ quản lý, việc ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục từ cấp sở đến các phòng giáo dục và đào tạo, các trường cũng có nhiều chuyển biến. Gần 100% số sở giáo dục và đào tạo đều đã nối mạng, phục vụ công tác quản lý giáo dục; trong đó tỉnh Quảng Nam, là một trong những đơn vị đi đầu, tích cực nhất. Nhưng phổ biến các địa phương ứng dụng CNTT với các mức độ khác nhau. Có địa phương triển khai ở mức độ chuyên môn, xuống tận cơ sở, nhưng có địa phương mới dừng lại ở quản lý hành chính.

Nhìn tổng thể, bức tranh ứng dụng CNTT trong giáo dục, từ quản lý của các cấp đến phục vụ hoạt động giáo dục, đổi mới phương pháp giảng dạy của các trường mỗi năm một sáng sủa hơn; nhất là so với 5 - 10 năm trước. Thế nhưng, cũng theo GS Hoàng Ngọc Hà, so với khu vực và thế giới, ứng dụng CNTT trong giáo dục ở nước ta vẫn ở trạng thái tụt hậu, nhất là khi nhìn vào các điều kiện về cơ sở vật chất, phần mềm, tài liệu, đội ngũ giảng dạy... Do đó, cần có những bước đột phá, xây dựng những mô hình ứng dụng CNTT trong giáo dục mà "trường học điện tử" là một cách làm, một cách đi.

Muốn thực hiện tốt, ngành giáo dục và đào tạo cần gỡ ba khó khăn: Một là, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất cho việc ứng dụng CNTT; hai là, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ giáo viên có trình độ ngoại ngữ, ứng dụng CNTT trong đổi mới phương pháp giảng dạy; ba là, cần có sự thống nhất trong bộ máy quản lý, chỉ đạo từ cấp vĩ mô.

Quản lý công nghệ thông tin còn phân tán và chồng chéo

Việc ứng dụng CNTT trong giáo dục phổ thông hiện nay có hai nội dung: ứng dụng phục vụ công tác quản lý từ cấp sở đến cấp trường; ứng dụng phục vụ dạy và học, đổi mới phương pháp. Ở vế thứ nhất, ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục các cấp là còn lẻ tẻ, thiếu tính hệ thống, mạnh ai nấy làm.

Ở vế thứ hai, ứng dụng CNTT trong giảng dạy nhiều trường đã triển khai nhưng chỉ đạt mức độ tự phát, với phần mềm POWER POINT và trình chiếu là chính, và một số phần mềm dạy ngoại ngữ, tin học, nhưng chưa phải là công nghệ dạy học bằng công nghệ thông tin. Vướng mắc chính là ở chỗ quản lý và chỉ đạo công nghệ thông tin trong giáo dục (từ cấp bộ) hiện nay vừa phân tán, vừa manh mún, vừa chồng chéo chức năng, lấn sân nhau. Mô hình quản lý như hiện nay là không phù hợp.

Quách Tuấn Ngọc
Giám đốc TT CNTT (Bộ Giáo dục và Ðào tạo)

Tin học phải gắn với ngoại ngữ

Muốn ứng dụng CNTT trong giảng dạy có hiệu quả, theo tôi giáo viên phải có sự thay đổi về nhận thức, vượt lên sự bảo thủ, quen lối mòn, ngại khó, ngại đổi mới, dần dần tạo được động lực, sự hứng thú với các phương tiện kỹ thuật. Thứ nữa, muốn ứng dụng CNTT, giáo viên không chỉ có trình độ nhất định về CNTT, mà phải biết ngoại ngữ. Các trường, các phòng, các sở giáo dục và đào tạo cần có kế hoạch bồi dưỡng đào tạo đội ngũ giáo viên sử dụng CNTT, giáo viên tin học gắn với ngoại ngữ. Ðây là việc lâu dài, nhưng nhất định phải làm trên con đường phát triển và hội nhập giáo dục.

Nguyễn Văn Phú
(Giáo viên Hải Phòng)


Kim Dung