Ảnh minh họa
Mới đây, Bộ LĐTB&XH đã công bố số liệu người sử dụng các chất ma túy tại Việt Nam. Đáng chú ý là trong số hơn 210.000 người sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý, có tới 70% dưới tuổi 35, trong đó người nghiện ma túy ở tuổi vị thành niên là 8%.
Không thể hồi phục chỉ số IQ
Tại buổi tập huấn về công tác tuyên truyền phòng chống ma túy trong trường học do Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức vừa qua, dược sĩ Nguyễn Viết Ngọc (Giảng viên bộ môn dược lâm sàng thuộc Khoa dược Trường ĐH Y Dược TPHCM) cho biết thị trường ma túy ở Việt Nam hiện nay rất phức tạp với sự xuất hiện của hàng loạt loại mới như ma túy đá, cần sa, cỏ mỹ, tem giấy (bùa lưỡi), bóng cười, ketamin, muối tắm, lá khát…, gây khó khăn cho cơ quan chức năng cũng như nhân viên y tế trong việc phát hiện, phân tích, xử lý hay điều trị.
Theo dược sĩ Ngọc, tất cả các loại ma túy đều tác động xấu đến sức khỏe con người, đặc biệt là chức năng của não bộ. Chúng làm thay đổi hoạt động tâm thần, suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của con người. Về mặt tác động lên não bộ, có thể chia các loại ma túy làm 3 loại chính: kích thích, ức chế và gây ảo giác. Có nhiều loại ma túy có thể vừa ức chế vừa gây ảo giác, hoặc vừa kích thích vừa gây ảo giác.
“Ở lứa tuổi thanh thiếu niên, não bộ còn đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện, do đó tác hại của các loại ma túy lên đối tượng này còn nặng hơn rất nhiều. Cần sa có thể làm biến đổi nhận thức của người sử dụng về không gian, thời gian, làm suy giảm khả năng vận động, suy nghĩ, phán đoán, giải quyết vấn đề, cũng như trí nhớ con người. Những tác động này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không tốt đến sinh hoạt và đặc biệt là việc học tập của các em. Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng việc sử dụng lâu dài cần sa ở lứa tuổi vị thành niên sẽ làm chỉ số IQ bị giảm không hồi phục, làm giảm kết quả học tập, công việc và chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, cần sa, cỏ mỹ, muối tắm hay nguy hiểm hơn là ma túy đá có thể gây ra tình trạng loạn thần (ảo giác, hoang tưởng). Khi bị loạn thần, người sử dụng có thể có những hành vi nguy hại đến tính mạng bản thân và người khác”, dược sĩ Ngọc phân tích.
Ngoài tác hại lên não bộ, những loại ma túy này còn gây hàng loạt ảnh hưởng không tốt lên các hệ cơ quan khác trong cơ thể. Ví dụ, ketamin độc cho gan và bàng quang; khí N2O trong bóng cười có thể gây thiếu vitamin B12 nặng; dùng ma túy đường tiêm chích gây tăng nguy cơ mắc bệnh HIV/AIDS, viêm gan siêu vi B, C…
“Một điều vô cùng quan trọng là các biểu hiện rối loạn do sử dụng ma túy đều không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ có điều trị tâm lý hành vi. Nghiện ma túy là một bệnh mạn tính của não bộ, tuy có thể hồi phục nhưng quá trình hồi phục đòi hỏi thời gian dài nhưng lại dễ tái nghiện. Vì thế, để sử dụng ma túy đến mức nghiện thì cuộc sống, việc học tập, xây dựng tương lai của giới trẻ chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn”, dược sĩ Ngọc khẳng định.
Cần chủ động phòng tránh
Việc giới trẻ sử dụng các loại ma túy kể trên chủ yếu là do người khác rủ rê và bị hấp dẫn bởi những tác dụng phê sướng, khoái cảm mà chúng mang lại. Trước những tác hại khôn lường trên, Sở GD&ĐT TPHCM đã chỉ đạo các trường trên địa bàn thành phố tích cực chủ động trong công tác phòng ngừa. Ông Nguyễn Văn Gia Thụy (Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TPHCM) cho biết: “Sở GD&ĐT đã yêu cầu các trường phải xây dựng chủ đề theo từng tháng về hoạt động tuyên truyền, phòng chống ma túy tới học sinh; trong đó phải cập nhật kịp thời tên gọi của các loại ma túy mới, tác hại cụ thể của nó đối với sức khỏe con người, đặc biệt là với tuổi vị thành niên. Khi phát hiện trường hợp nào tiêm nhiễm, các trường phải báo cáo nhanh cho cơ quan công an địa phương và Sở GD&ĐT. Tuy nhiên, từ trước tới nay TPHCM chưa phát hiện trường hợp học sinh nào tiêm nhiễm với các loại ma túy”.
Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Lan Tuyền (Trợ lý thanh niên Trường THPT Mạc Đĩnh Chi) cho hay: “Trường chúng tôi đã thành lập bộ phận pháp chế thường xuyên cập nhật và đăng tải thông tin về các loại ma túy mới, cách nhận biết và tác hại của chúng đối với sức khỏe học sinh. Câu lạc bộ phát thanh học đường cũng xây dựng các chuyên đề phát thanh về ma túy, các dạng ma túy đã và đang xuất hiện trên thị trường hiện nay. Mới đây, trường đã tổ chức hội thi tìm hiểu về luật phòng chống ma túy, HIV/AIDS cho học sinh toàn trường nhằm giúp các em có thêm nhiều kiến thức, thông tin về vấn đề này”.
Theo báo Giáo dục TPHCM
▪ Một đêm cùng 'đào bay' (19/12/2017)
▪ Báo động tỷ lệ người chuyển giới nữ có nguy cơ mắc HIV cao (13/12/2017)
▪ Vào chốn 'bay đêm' ở Đồng Nai (30/11/2017)
▪ Có 9.800 người nhiễm mới HIV trong năm 2017 (30/11/2017)
▪ Góc khuất nghề PR bar: Khi đi lộng lẫy khi về tả tơi (28/11/2017)
▪ Gần 3 nghìn trẻ em dân tộc thiểu số dưới 16 tuổi kết hôn (22/11/2017)
▪ Cần ngăn chặn tình trạng lạm dụng trẻ em đi ăn xin (21/11/2017)
▪ Ma túy đá 'tấn công' vùng nông thôn (16/11/2017)
▪ Lạm dụng Ritalin: Hiểm họa khôn lường (14/11/2017)
▪ Gần 70% trẻ em Việt Nam đang bị hành xử bạo lực (04/11/2017)