Châu Phi cần chú trọng về giáo dục cho trẻ chịu ảnh hưởng đại dịch AIDS
Các Website khác - 12/10/2005

Hôm thứ hai tuần này (11/10), tổ chức giám sát nhân quyền quốc tế Human Rights Watch đã lên tiếng cảnh báo thái độ thờ ơ, quay lưng của chính phủ, trường học và toàn thể cộng đồng Nam Phi với nhu cầu đến trường của trẻ nhiễm AIDS ở tiểu vùng Sahara, châu Phi.

Theo báo cáo của tổ chức Human Rights Watch tại New York, cho tới nay ở khu vực tiểu vùng Sahara có hơn 12 triệu trẻ em mất bố mẹ vì đại dịch AIDS và hơn 1/3 trong số các em này không được đến trường.

Theo đánh giá của nhóm này, nạn thất học sẽ khiến trẻ rơi vào nguy cơ bị lạm dụng tình dục, thất nghiệp hoặc phải lao động khổ sai và đặc biệt nguy hiểm là có thể bị lây nhiễm HIV.

Bản báo cáo kết luận: “Một quy luật logic nghiệt ngã của đại dịch AIDS là khi cha mẹ  chẳng may nhiễm bệnh ốm, chết thì con cái cũng theo đó mà thành thất học. Và khi thất học rồi chúng rất dễ bị nhiễm lại virus HIV theo “vết xe đổ” của cha mẹ chúng khi xưa. Chính vì thế, nhiệm vụ của chính quyền các cấp là phải phá bỏ cái vòng luẩn quẩn này”.

Hiện tại tiểu vùng Sahara châu Phi là nơi cư trú của hơn 25 triệu trên tổng số 40 triệu người nhiễm HIV trên thế giới. Chỉ tính riêng năm 2004, khu vực này có hơn 2,2 triệu người chết bởi các căn bệnh liên quan tới AIDS, hầu hết họ đều trong độ tuổi làm cha làm mẹ.

Trường hợp của chú bé Kenneth Kyambadde là một ví dụ. Cha cậu mất ba năm trước đây tại Uganda, gánh nặng đổ lên vai cậu bé với trách nhiệm chăm sóc ba trong số 10 em dưới cậu. Sống trong hoàn cảnh ấy, rõ ràng ai cũng đoán được việc mấy đứa trẻ này có thể đến trường hay không thì phụ thuộc vào việc anh chúng - thằng bé 17 tuổi - kiếm được bao nhiêu tiền.

Hiện tại mẹ của Kenneth đang ốm và cậu bé lo lắng không biết mình có hoàn thành được chương trình đại học hay không nữa. Cậu đang theo học ngành kiểm toán tại trường.

Cậu tâm sự: “Em sẽ cố vượt qua cơn ác mộng dữ dội này song em không biết mình sẽ thành công hay không nữa, nhưng dù thế nào em cũng không thể bỏ mặc mẹ được”. Đôi mắt nghiêm trang, mở to của Kenneth như già hơn so với tuổi 17 khi em nói: “Em chỉ là một đứa trẻ và cũng như bố mẹ em, em không thay đổi được gì cả”.

Những nhận xét tổ chức Human Rights Watch đưa ra trong bản báo cáo dày 57 trang không phải là vô căn cứ bởi để đưa ra được quan điểm này,  họ đã phải tiến hành phỏng vấn với hàng loạt trẻ em chịu tác động của đại dịch AIDS và người chăm sóc chúng ở Nam Phi, Kenya và Uganda hồi tháng 6 năm nay.

Nghiên cứu của Human Rights Watch cũng cho thấy rất nhiều em phải bỏ học vì cha mẹ ốm nặng và lũ em nheo nhóc. Một số em buộc phải làm việc nhiều giờ trong ngày kiếm kế sinh nhai cho cả gia đình.

Nhiều em nhiễm bệnh không thể tham gia thời gian học dài hạn ở trường do sức khoẻ yếu, không được điều trị thuốc đầy đủ và sợ bị trêu chọc. Bạn bè đồng lứa chế nhạo, sỉ vả khiến các em không dám trao đổi về những khó khăn của mình với giáo viên.

Tất nhiên cả Nam Phi, KenyaUganda đều không chính thức từ chối chấp nhận các em nhỏ vào học nếu không thể trang trải học phí. Nhưng trong thực tế, khi trả lời phỏng vấn các nhà nghiên cứu, hầu hết các em ở ba nước đều khẳng định, giáo viên trường các em không cho các em vào học vì chúng không có tiền mua đồng phục, sách giáo khoa hay không có giấy tờ gì chứng minh rằng các em được quyền miễn giảm học phí.

Bản nghiên cứu cũng nhận thấy có rất ít trường hỗ trợ những trẻ phải chăm sóc cha mẹ ốm hoặc đã mất. Thường là chỉ khi có em phải bỏ học thì một vài trường mới bắt đầu có chính sách này.

Với em Vuyiswa Peter, một cô bé Nam Phi 14 tuổi thì lại là một hoàn cảnh khác. Tám năm trước đây khi mẹ mất em đã phải bỏ gần một năm học. Hồi tháng 8 năm nay, cha em cũng ra đi theo người mẹ quá cố. Bà ngoại Vuyiswa không đủ tiền đóng góp học phí cho em và em đang rất lo lắng không biết mình có được phép tham dự kỳ thi tháng tới hay không.

Cô bé tủi thân tâm sự: “Đôi khi em muốn khóc. Em có cảm giác mình thật vô dụng khi những người xung quanh nhìn em”.

Báo cáo nghiên cứu cho biết, tới nay, Nam Phi đã có một số nỗ lực giúp các em nhỏ đang độ tuổi đến trường có hoàn cảnh khó khăn song nguồn ngân quỹ có hạn mà số lượng em cần giúp đỡ lại quá lớn nên không thể đáp ứng hết được. Song ngay cả những cố gắng ít ỏi ấy thì ở KenyaUganda hiện vẫn chưa có.

Bộ trưởng bộ thông tin Uganda, ông James Nsaba Buturo cho biết, không phải chính phủ nước ông không biết được tình trạng khó khăn nói trên song ông lưu ý thêm, Human Rights Watch cũng cần hiểu rằng châu Phi đã và đang gặp phải những trắc trở về kinh tế.

Tác giả bài báo nói trên, ông Jonathan Cohen, kêu gọi chính phủ các nước nên xem xét và cải tiến lại những điều luật và chính sách trường học để đảm bảo không còn em nhỏ nào không được đến trường vì thiếu tiền, đồng thời hỗ trợ các em việc chăm sóc cha mẹ bệnh tật trong trường hợp cần thiết.

Dương Kim Thoa theo http://news.yahoo.com