Giới trẻ: Trượt dài, không lối thoát
Các Website khác - 29/08/2008

Sau nhiều cuộc chơi sa đà, không ít cô gái trẻ phải tìm cách lẩn trốn do nợ nần chồng chất và “ân oán” với giới giang hồ.

>> “Nổi loạn” để khẳng định cái tôi?
>> Sa chân vào cạm bẫy
>> Đi hoang ở tuổi mười lăm
>> Lỗi không của riêng em

Trong một lần về TP Vinh – Nghệ An công tác, tôi cùng một người bạn vào sàn nhảy M. trên đường Lê Mao để xả hơi. Theo anh bạn, đây là nơi tụ tập của rất nhiều dân chơi tuổi teen không chỉ ở Vinh mà còn là điểm đến của dân chơi nhiều tỉnh lân cận. Chìm trong ánh đèn chớp loáng và tiếng nhạc chát chúa, hàng chục người đang mải mê nhảy nhót điên cuồng giữa sàn nhảy chật chội. Xung quanh là các bộ bàn ghế cao cũng kín người đứng, ngồi vừa uống bia vừa lắc lư theo điệu nhạc...

Dạt về tỉnh lẻ

Quán bar, sàn nhảy là nơi nhiều bạn trẻ tụ tập

Trong không khí sôi động quá mức ấy, tôi để ý thấy một cô gái mặc áo thun trắng ngồi ở góc tường trầm tư nhả khói. Trên bàn chỉ đặt duy nhất một chai nước suối. Anh bạn thầm thì: “Chắc không phải dân ở đây đâu, nhìn lạ lắm!”. Xách theo chai bia, tôi bước tới chỗ cô gái ngồi.

“Sao em ngồi một mình thế này?”, nghe tôi nói giọng Bắc, cô gái ngước lên nhìn: “Anh ở Hà Nội mới vào hả?”. Đúng như anh bạn tôi nghĩ, cô gái cũng nói giọng Bắc nhưng hơi ngọng, chắc chắn không phải dân Vinh. Khi biết tôi vào đây công tác, cô gái tỏ ra rất cởi mở, hỏi: “Anh có biết nhảy không?”.

Tôi lắc đầu. Thế là một mình cô bước ra sàn nhảy, hướng về phía tôi lắc rất điệu nghệ. Và không lâu sau, cô gái lọt vào vòng vây của các chàng trai đang cố thể hiện những bước nhảy điên cuồng nhất...

Mồ hôi vã ra như tắm, cô gái trở về chỗ tôi đang ngồi tu nước và hút thuốc. Khi tôi hỏi vì sao lại vào tận đây để nhảy, cô không ngần ngại bộc bạch: “Em vào đây trốn công an”. Quá ồn ào, nhưng đang tò mò, tôi rủ cô ra ngoài để “khai thác” tiếp, nhưng cô gái nhất quyết: “Lát nữa sàn đóng cửa đã. Đang vui”. Về sau tôi mới biết, trước khi tôi tới làm quen, cô gái đã uống thuốc lắc bằng nước suối. Nói rồi, cô lại bước ra sàn...

Chờ đến gần 0 giờ, cô gái mới chịu theo chúng tôi rời khỏi sàn sau khi nói gì đó với một vệ sĩ của sàn nhảy. Tôi hỏi: “Em về đâu, anh đưa về!”, cô bèn nói: “Em khát nước lắm, ra quán nào ngồi tí đã”. Chúng tôi ghé vào chiếu rượu - mực nướng ven đường. Lúc này cô gái mới nói tên là Mai Anh, 19 tuổi, quê ở Hải Dương nhưng dạt về Gia Lâm – Hà Nội đã nhiều năm. Nay lại lánh về Vinh ở tạm nhà một người dì họ vì nhóm ăn chơi của Mai Anh vừa bị công an tóm trong một lần bay đêm đánh bạc. Riêng Mai Anh thoát được, nhưng để an toàn, cô gái không dám quay về... “Từ ngày “nó” chết, xui xẻo hết biết!” - Mai Anh than thở.

Sống chui đến bao giờ?

Mai Anh không có bố, sống với mẹ là một con bạc khét tiếng ở đất Hải Dương. Từ bé, Mai Anh đã theo mẹ sáng tối bên chiếu bạc và đến lớp 9 thì cô bỏ học, bắt đầu cuộc sống giang hồ. Tiền không thiếu, chơi ở đất Hải Dương mãi cũng chán, Mai Anh bắt đầu đến những sàn nhảy nổi tiếng ở Hà Nội, tiếp cận với những nhóm đánh bạc lớn ở Gia Lâm để kiếm tiền trang trải cho những cuộc vui. Nếu thua bạc, lại phóng về Hải Dương nhờ “bà già” cứu viện.

“Nó” mà Mai Anh nhắc tới, là người yêu của cô. “Nó bị ốm, gọi em về mấy lần nhưng lúc đó em đang đánh ở Hải Phòng. Em không nghĩ là nó bệnh nặng thế đâu. Thế mà, nó chết”. Mai Anh vừa kể vừa cay đắng nuốt nước mắt, có lẽ lâu lắm rồi mới có người ngồi nghe cô tâm sự. “Từ đó, em đánh toàn thua. “Bà già” thấy em xin tiền nhiều quá đã từ em. Em phải vay tiền để chơi tiếp cho đến khi cả bọn bị công an hốt”. Nợ nần của cô gái trẻ với giới giang hồ đất Hà thành lên tới cả chục triệu đồng...

“Thế tiền đâu mà em vẫn có để đi chơi thế này?”, trước khi trả lời câu hỏi của tôi, cô gái châm thuốc: “Lần đầu em vào đây lắc, phê thuốc không biết đường về, anh vệ sĩ lúc nãy đưa em về. Giờ em sống phụ thuộc vào anh ta”. Người vệ sĩ ấy đã có gia đình, thỉnh thoảng qua đêm với Mai Anh rồi cho cô ít tiền tiêu pha. “Giờ em chỉ thích vào sàn nhảy cho quên hết mọi chuyện. Đêm nào em cũng đến đấy. Các anh cho em số điện thoại đi, mai mốt về Hà Nội có dịp gặp lại nhau”...

Đưa cô gái về đến chỗ tạm trú thì đã gần sáng. Tôi không khỏi lo lắng cho cô gái tuổi đời còn quá trẻ mà con đường phía trước thật tối tăm. Chẳng biết cô gái tiếp tục cuộc sống trốn chạy và buông mình như thế đến bao giờ...

Không bao giờ là quá muộn

Đạo Phật có câu “Biển khổ vô biên, quay đầu là bờ”, tôi thiết nghĩ sẽ không bao giờ là muộn để các em lỡ sa chân vào con đường tối có thể quay về làm lại từ đầu. Cuộc sống còn rất nhiều điều tốt đẹp đúng nghĩa mà tuổi trẻ chưa hiểu hết. Bằng nghị lực, sự quyết tâm của chính các em và sự đồng cảm, động viên của gia đình và toàn xã hội sẽ giúp các em vượt qua thời kỳ nông nổi này. Khi đã hiểu được sự sai trái, các em sẽ biết quý trọng cuộc sống và sống tốt hơn.

Lê Minh (Lê Hồng Phong – Vũng Tàu)

Không nên cấm đoán

Em thấy nhiều bạn rất bức xúc do bố mẹ cấm đoán quá mức như cấm chơi game, cấm yêu, cấm đi chơi với bạn khác giới... Khiến các bạn ấy luôn phải nói dối hoặc lấy cớ này, cớ kia để được đi chơi. Chính vì bị kèm cặp nên các bạn luôn muốn thể hiện mình đã lớn và độc lập ngay khi bước xuống xe đưa đón của bố mẹ. Nhiều bạn lớp em thường tự ý đi chơi xa thành một nhóm, nhưng lại nói với bố mẹ là lớp tổ chức đi dã ngoại. Những lần như thế, các bạn ấy uống rượu, chơi bời kinh khủng nhưng đến khi về nhà lại tỏ ra rất ngoan ngoãn...

Phương Linh (Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1-TPHCM)  

Lắng nghe và chia sẻ

Kiếm được nhiều tiền chân chính thì rất tốt nhưng không vì thế mà bỏ quên cả tương lai của con mình. Các bậc cha mẹ hãy quan tâm hơn nữa đến giới trẻ, lắng nghe và chia sẻ những tâm sự của chúng. Từ đó sẽ định hướng, giáo dục trẻ tốt hơn. Tuy nhiên, giới trẻ cũng hãy hiểu rằng: Cuộc sống của chúng ta là cuộc sống của con người có lý trí, lý tưởng chứ không phải cuộc sống buông thả kiểu “bầy đàn” .

Văn Quỳnh (quynh14...@gmail.com)

Theo Vương Linh