Cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp đầu tiên ở Afghanistan sau nhiều thập kỷ chiến tranh liên miên không xóa đi được bóng ma thuốc phiện vẫn bao trùm lên đất nước này
Kinh doanh thuốc phiện lại trỗi dậy ở Afghanistan và đang có chiều hướng phát triển dưới chính quyền mới được Mỹ ủng hộ thay thế chế độ Taliban. Các nhà quan sát quốc tế lo ngại rằng tình hình này khó có thể sớm thay đổi sau cuộc bầu cử tổng thống (TT) vừa qua. Có người bi quan nói “cây thuốc phiện đang bắt đầu được mùa hơn là nền dân chủ”.
Với hơn 30% dân số Afghanistan làm nghề trồng và buôn bán thuốc phiện, doanh thu năm 2003 đạt 2,5 tỉ USD (năm nay có thể gấp đôi), chiếm 60% GDP chính thức của đất nước, ý đồ sớm xóa bỏ nền kinh tế thuốc phiện có thể lợi bất cập hại, làm mất ổn định xã hội và an ninh càng xấu hơn.
Trong báo cáo mới nhất về tình hình sản xuất ma túy tại Afghanistan, Giám đốc chấp hành Cục Chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC) Antonio Maria Costa viết: “Xóa bỏ nền kinh tế thuốc phiện sẽ là một quá trình lâu dài và phức tạp, không thể bằng giải pháp quân sự và biện pháp hành chính đơn thuần. Trước đây, giải pháp này đã thất bại. Muốn thành công phải dùng các công cụ dân chủ, luật pháp và phát triển kinh tế”.
Trồng thuốc phiện là nghề chính của 28 trong 32 tỉnh của Afghanistan. Nhìn vào giá thuốc phiện hiện nay, dễ nhận thấy loại cây trồng này là nguồn thu nhập chính của nông dân mà không loại cây nào sánh kịp. Dùng biện pháp mạnh để triệt phá cây thuốc phiện mà không có kế hoạch thay cây trồng khác sẽ chỉ càng làm cho những nông dân nghèo càng nghèo thêm.
Năm 2003, Afghanistan sản xuất trên 3.600 tấn thuốc phiện, đủ để tinh chế 300 tấn heroin cung cấp cho khoảng 9 triệu con nghiện trên thế giới. Tài liệu của Liên Hiệp Quốc cho biết Afghanistan là nguồn cung cấp 75% heroin cho toàn thế giới, riêng ở châu Âu là 95%.
Có một nghịch lý là dưới thời TT lâm thời Hamid Karzai cầm quyền, sản lượng thuốc phiện vẫn tăng dù có lệnh cấm trồng trong khi dưới chế độ Taliban sản lượng thuốc phiện năm 2001 chỉ còn 185 tấn so với 3.276 tấn năm 2000.
Vì để lấy lòng cử tri nông dân những vùng trồng thuốc phiện, chủ yếu ở miền Nam và Đông Afghanistan, không có ai trong tổng số 18 ứng cử viên TT, kể cả ông Karzai, trong vận động tranh cử, đề cập đến vấn đề triệt phá cây thuốc phiện.
Bà Doris Buddenberg, trưởng cơ quan đại diện UNODC tại Afghanistan, nói: “Không có một biện pháp hoặc chiến lược riêng lẻ nào có thể giải quyết vấn đề. Phải tính đến việc giải quyết cơ bản đời sống của nông dân, xóa bỏ nợ nần của họ, tìm cây trồng thay thế, bồi thường thỏa đáng cho việc triệt phá ruộng trồng cây thuốc phiện, cải thiện thể chế pháp lý để luật chống ma túy được áp dụng nghiêm minh và công bằng”.
Sức ép đối với lực lượng quốc tế chiếm đóng Afghanistan đang tăng lên, yêu cầu họ phải có trách nhiệm tham gia cuộc chiến chống ma túy. TT Nga Putin tuyên bố với hãng Interfax: “Các lực lượng nước ngoài tại Afghanistan phải chịu trách nhiệm vì đã không kiểm soát được nạn buôn bán ma túy ở nước này.
Chính phủ Mỹ cũng thờ ơ với tình hình buôn bán ma túy tại Afghanistan mặc dầu TT Bush đã nhiều lần cam kết chống mạng lưới buôn bán ma túy quốc tế kiên quyết như chống khủng bố “ngay từ sào huyệt của chúng”. Tuy nhiên, 18.000 lính Mỹ cũng như 9.000 lính NATO hiện nay ở Afghanistan hầu như vẫn đứng ngoài cuộc. Hạ nghị sĩ Henry Hyde, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ nghị viện Mỹ, biện bạch: “Tôi không muốn lực lượng quân sự chúng ta, đã phải căng sức làm nhiệm vụ chống khủng bố và ổn định tình hình, lại trở thành cảnh sát chống ma túy của Afghanistan”.
Hiện nay không chỉ có lực lượng tàn quân Taliban cầm đầu mạng lưới buôn lậu ma túy mà rất nhiều lãnh chúa đồng minh của ông Karzai và của cả người Mỹ ở các địa phương cũng tiếp tục lao vào kinh doanh ma túy để kiếm lời.
Đỗ Chuyên (Theo Reuters, Bangkok Post)
▪ Tỉ phú chân đất và những mối tình "em - ông" (18/10/2004)
▪ "Chợ người" miền biên ải (17/10/2004)
▪ Những ''lò đào'' ở Nha Trang (13/10/2004)
▪ Khi hoa anh túc nở... (10/10/2004)
▪ Hành trình bão tố của cô gái bị bán ra nước ngoài (09/10/2004)
▪ Thiếu gia quay phim sex (28/09/2004)
▪ Nhiều hình thức vận chuyển ma túy mới (28/09/2004)
▪ Ký sự về những người Việt trồng cần sa ở Canada: Vạt cỏ buồn (24/09/2004)
▪ Nữ cầu thủ Zimbabwe bị quấy rối tình dục (21/09/2004)
▪ Nanh vuốt bọn buôn người (16/09/2004)