Những nẻo đường ma túy
Các Website khác - 02/06/2008
Được xem là trại lớn nhất miền Bắc, được thành lập từ quá nửa thế kỷ nay để giam giữ, quản lý đối tượng phạm nhân loại I, án dài, nhiều tiền án tiền sự, đối tượng cầm đầu của các vụ án lớn, các đối tượng phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia được dư luận xã hội quan tâm như “bà giám đốc” Lã Thị Kim Oanh, những tay “anh chị” cộm cán trong giới giang hồ như Phúc bồ, Dung Hà... Trong số 4.450 phạm nhân mà Trại giam số 5 thuộc Cục V26 đang quản lý, có già nửa là phạm các tội về ma túy, trong đó gần 2.300 đối tượng thụ án về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán, chiếm đoạt các chất ma túy. Ở đây có gần như đủ mặt “anh tài” trong các đường dây buôn bán ma túy lớn nhỏ từ xưa đến nay, từ “Hoa hậu Điện Biên” Nguyễn Thị Hoa, người đẹp Tạ Thị Hiển trong đường dây buôn bán ma túy đầu tiên, lớn nhất những năm 90 do Xiêng Phênh - Vũ Xuân Trường cầm đầu đến những tay chân đắc lực của “ông trùm” - chủ trang trại sản xuất ma túy Trịnh Nguyên Thủy... Tiếp xúc với những kẻ đang mòn mỏi “bóc lịch” từng ngày, từng giờ mà với họ sẽ là “tương lai” trong suốt phần đời còn lại, thậm chí đó còn là điều quá ư may mắn vì đã được Chủ tịch nước ân giảm, cho thoát án tử hình, mới thấy có muôn nẻo đường dẫn đến phạm tội ma túy. Với Sồng Khuổi Dạ (người dân tộc Mông, SN 1958, ở xã Chiềng Khôn, huyện Sông Mã, Sơn La) thì
Đinh Thị Dung
cái án tử hình như từ trên trời rơi xuống. Bằng cái giọng bập bẹ tiếng Kinh, ngô nghê trong cách diễn tả, y kể rằng quanh năm chỉ biết trồng nhãn, trồng cà phê. Nhưng nuôi đến 6 đứa con ở cái vùng rừng núi heo hút chả biết kiếm đâu ra tiền, cũng không biết rằng mang ma túy là sẽ bị công an bắt, cho nên thấy người ta bảo xách hộ cái can đựng nhựa thuốc phiện về nhà bán rồi cho tiền, y lạch bạch vác về nhà. Sồng Khuổi Dạ bị kết án vận chuyển 13kg thuốc phiện và năm 1997 bị TAND tỉnh Sơn La tuyên xử tử hình. May mắn cho y vì xét các tình tiết, y được Chủ tịch nước ân giảm xuống thụ án chung thân. Còn Hà Văn Thơ (SN 1959, ở Bản Trại, xã Hiền Chung, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) thì bị bắt vì trong nhà cất giấu 3 chỉ heroin. Thơ kể rằng, trong một chuyến xe ôm chở 2 vị khách người Mông từ thị trấn Quan Hóa lên tận Mường Lát, thay vì phải trả 300.000 đồng tiền công thì chúng lại lôi ra cục heroin, bảo rằng chỉ có cái này thôi. Cầm về giấu kỹ trong nhà, Thơ cắt đem đi bán cho một tay thu mua lâm sản từ miền xuôi lên 3 phân heroin lấy 240.000 đồng và “được” xử 11 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy...

Hà Văn thư
Không giống như những kẻ “hồn nhiên” phạm tội trên, Đinh Thị Dung (SN 1970, ở Xuân Tiến, Xuân Trường, Nam Định) thì biết rất rõ về cái chất chết người ấy. Xuân Tiến là một xã hiếm hoi ở vùng quê nghèo đồng bằng Bắc Bộ có nghề cơ khí, có thể kiếm khá tiền nếu chí thú làm ăn. Nhưng gã chồng chơi bời cờ bạc của chị ta thì chẳng muốn chui vào cái xưởng rèn nóng hừng hực mà quai, mà bễ cho ra tiền, tất nhiên càng không thể lội bùn, cuốc đất để cấy cày. Rồi cả anh trai, em trai anh ta cũng thế, rủ nhau làm cái nghề vừa nhàn vừa nhiều tiền, ấy là đi buôn ma túy với chú cháu ông trùm Nguyễn Văn Tám - Nguyễn Văn Quyết. Dăm bảy lần thấy chồng mang “hàng” về nhà bảo cất, Dung lẳng lặng đem giấu. Khi cả đường dây buôn bán “cái chết trắng” này bị lôi ra vành móng ngựa, chồng Dung là Ngô Văn Ngọc cùng hai anh em trai là Ngô Văn Đoàn, Ngô Văn Tỉnh đều lãnh án tử hình, bản thân Dung cũng bị tuyên phạt chung thân về tội buôn bán 28 bánh heroin... Còn Phí Văn Thưởng, nguyên là cán bộ công tác tại một ngành nội chính tỉnh Lai Châu thì lại bị cuốn vào ma túy trên con đường khác. Gia đình Thưởng có cả bố mẹ, 3 anh em, rồi chú, cậu ruột đều công tác trong các ngành nội chính tỉnh. Bản thân Thưởng cũng có nhiều thành tích trong đấu tranh chống các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy. Giải thích cho hoàn cảnh dẫn đến phạm tội của mình, anh ta cho rằng do va chạm với tội phạm nhiều thì ranh giới sẽ mờ dần đi, xích lại phía chúng lúc nào không biết và sức đề kháng không còn, đến khi giật mình thì đã muộn mất rồi. Khi đã ở bên này chiến tuyến chống tội phạm ma túy
Phí Văn Thưởng
được hơn chục năm, anh ta lại bị bắt vì tội buôn bán trái phép chất ma túy. Trong một lần truy đuổi hai đối tượng buôn bán ma túy, Thưởng cùng đồng đội thu được 1 bánh heroin, nhưng khi quay lại hiện trường, anh ta nhặt được 1 bánh nữa, liền giấu đi vì nghĩ rằng chẳng có ai biết được ngoài mình. Nhưng anh ta đâu biết rằng, những đối tượng bị bắt đã khai ra bánh heroin bị “hô biến” kia. Khá lâu sau, tang vật vụ án lẽ ra phải nộp cho cơ quan điều tra được anh ta yên tâm đem đi tiêu thụ thì bị CAQ Đống Đa, Hà Nội bắt quả tang. Kết quả, anh ta phải lãnh án chung thân khi mới 25 tuổi. Không hề oán trách hay kêu oan, anh ta cho rằng những ngày tháng sống đằng đẵng trong tù âu cũng là cái giá tất yếu phải trả cho bản lĩnh còn non kém, dễ sa ngã của mình, chỉ tiếc là mình đã tự tay chôn vùi tất cả những ước mơ, hoài bão tuổi trẻ còn đang ấp ủ, trong khi ở ngoài kia, cuộc sống tấp nập biết bao nhiêu. Và điều làm anh ta tiếc nhất là đã làm phương hại đến nhiều người thân yêu của mình: từ anh em đến họ hàng đều phải ra khỏi ngành vì có người thân phạm tội ma túy; trong đó nhiều người đang giữ những vị trí, chức vụ nhất định; cha mẹ già đã nghỉ hưu cũng không được yên hưởng tuổi già, luôn day dứt, buồn đau vì đứa con đầy kỳ vọng rốt cuộc lại sống cả đời trong tù tội.

Những nẻo đường ma túy, dù đơn giản, hay ngoắt ngoéo, dù xa hay gần và dù người ta có lý giải thế nào khi sa chân trên con đường ấy, thì chung quy lại cũng chỉ vì hám lợi, vì không cưỡng được sức hút ghê gớm của đồng tiền dễ dàng có được khi đi gieo rắc “cái chết trắng” cho đồng loại, thậm chí chính người thân của mình.
T.Hòa - H.Lưu