Ở tỉnh An Giang, vùng giáp với Campuchia mấy năm gần đây rộ lên tình trạng nông dân bỏ ruộng sang bên kia biên giới tìm kế sinh nhai. Qua hành trình nhọc nhằn ở xứ người, nhiều nông dân khi về quê mang theo căn bệnh thế kỷ.
Những căn nhà ở xã Lương An Trà đóng cửa vì gia chủ đi làm mướn |
Nghịch lý khai hoang
Trưa tháng tư, nắng vùng biên như nung như đốt. Dọc con đường giữa huyện Tri Tôn (An Giang), những hàng thốt nốt đứng im lìm.
Phía dưới đất trơ phèn đỏ loét, cây cỏ ngả nghiêng cháy sém. Ngang qua một cánh đồng lúa vừa gặt ở xã Lương An Trà, tôi gặp ông nông dân Bảy Thơm gần 60 tuổi đang lúi húi nhặt những bông lúa còn sót lại.
Nghe tôi hỏi chuyện, ông ngẩng lên trả lời: “Năm nay lúa được mùa nhưng dân không được ăn rồi chú ơi”. Ông giải thích: “Ruộng này là của mấy người giàu trong xã, nông dân chỉ làm thuê ăn công nhật thôi”.
Ông kể hồi trước ruộng đất là của nông dân nhưng cằn cỗi, làm ăn thất bát nên bán lại cho người khác thì đất bỗng tốt lên. Ông trời trêu ngươi, chỉ giúp người giàu.
Xã Lương An Trà là vùng đất kinh tế mới và được tách ra từ xã Lương Phi từ năm 1995. Toàn xã có 1.421 hộ với 6.508 nhân khẩu và có khoảng 7.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Phần lớn diện tích đất trước đây của xã bị nhiễm phèn rất nặng nên chỉ trồng tràm hoặc bỏ hoang.
Bà Huỳnh Thị Kim Thùy, Phó Chủ tịch UBND xã Lương An Trà, cho biết: “Lương An Trà thuần nông nhưng có đến 2/3 số hộ dân không có đất sản xuất.
Nguyên do, phần lớn diện tích của xã là vùng kinh tế mới, mỗi hộ dân được cấp 3- 4 ha đất nhưng đất chưa thuần hóa nên lúa mất mùa, người nông dân bị lỗ nặng liên tục. Nhiều nông dân phải bán đất”.
Bà Thùy kể: Thời kỳ đầu khai hoang, nhiều hộ được ngân hàng cho vay vốn hỗ trợ sản xuất, do đất chưa thuần thục nên liên tục mất mùa, từ đó nợ nần tăng chóng mặt.
Nhiều hộ thế chấp sổ đỏ để vay vốn nhưng không trả nổi vốn nên mất luôn cả đất sản xuất. “Hiện xã còn dư nợ trên 3 tỷ đồng không có khả năng trả, vì vậy, giờ có muốn xin vay thêm thì ngân hàng cũng không giải quyết” - bà Thùy nói.
Hiện Lương An Trà có 1.421 hộ thì đến 505 hộ nghèo (35,5%). Hàng năm xã đề ra chỉ tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống 3-5%. Năm nào cũng đạt chỉ tiêu, như năm 2007, số hộ nghèo giảm 7,21%, tuy nhiên số hộ tái nghèo của xã lại tăng lên trên 3%. Cái vòng luẩn quẩn bám lấy nông dân không thoát ra được.
Tha hương kiếm sống
Theo số liệu từ UBND xã Lương An Trà, từ đầu năm 2008 đến nay đã có khoảng 3.000 lao động của xã xin đi nơi khác làm ăn. Đa phần trong số đó là học sinh bỏ học.
Tỷ lệ học sinh bỏ học của xã là 17%. Học sinh bỏ học để đi cắt mướn khi chưa đến tuổi lao động, lớn hơn chút nữa thì đi lên thành phố, sang Campuchia làm thuê.
Ông Trần Văn Tốt, Trưởng ấp Ninh Phước. Ảnh: KG |
Tôi đến ấp Ninh Phước, một ấp nghèo điển hình của xã. Dọc hai bên con đường đất lồi lõm là những căn nhà đóng cửa kín mít. Ấp vắng hoe, chỉ thỉnh thoảng thấy người già và trẻ con trên con đường hun hút.
Ông Trần Văn Tốt, Trưởng ấp Ninh Phước, cho biết: Ấp có 277 hộ, phần lớn là hộ nghèo, đã bán đất nay dắt díu nhau đi làm mướn hết, chỉ còn người già và trẻ con ở lại.
Nhiều cặp vợ chồng cắt lúa mướn có con nhỏ thì gửi ông bà nội, ngoại hoặc dẫn con theo rồi dựng lều giữa đồng ruộng ở tạm. Cắt hết đồng lúa này chuyển qua đồng khác, cứ thế sống cảnh du cư.
Mỗi năm, vào dịp Tết ấp mới có nhiều người trở về, sau Tết lại đi, thành ra ấp vắng vẻ, nhiều nhà đóng cửa.
Vài năm trở lại đây, trong xã dậy lên phong trào sang Campuchia làm ăn. “Đa phần người sang Campuchia là người trẻ, có sức vóc làm phụ hồ, cửu vạn, thanh nữ thì đi làm tại các quán.
Nhiều người trở về với căn bệnh thế kỷ” - Trưởng ấp Tốt nói giọng buồn bã. Ông thở dài rồi kể tôi nghe chuyện anh T.T.H 22 tuổi sang Campuchia làm phụ hồ, được hai năm về thì đã nhiễm HIV/AIDS, thân tàn ma dại rồi chết để lại vợ trẻ con thơ cù bơ cù bất.
Chuyện cô T.D mới 16 tuổi bỏ học sang Campuchia bán cà phê mướn, bị bắt ép bán dâm. Ba năm tủi nhục nơi đất khách, T.D trốn chạy được về quê thì đã mang bệnh AIDS trong người.
Nhiều trường hợp đi phiêu bạt qua biên giới làm thuê về không biết mình đã mang trong mình căn bệnh thế kỷ nên lây sang cho chồng, cho vợ. Đến khi vỡ chuyện thì quá muộn.
Trưởng ấp Tốt tâm sự: “Xã có mấy chục người nhiễm HIV/AIDS rồi nhưng đó là số đã được phát hiện còn số giấu giếm hoặc không biết thì khó nói.
Những người khác không hay biết nên vẫn lần lượt sang Campuchia làm ăn ngày một nhiều, cũng không có sự lựa chọn nào khác. Nghèo thì phải tha hương kiếm sống, dù phải chịu rủi ro”.
Tôi rời xã Lương An Trà mang theo câu nói của ông trưởng ấp Trần Văn Tốt: “Trời vẫn chưa thương người nghèo”!
Kiến Giang
▪ Cuộc sống... không bình thường của những con nghiện “sex” (29/05/2008)
▪ 11 tuổi, chơi trò "bia ôm" (28/05/2008)
▪ Tảng băng chìm trong "thế giới thứ ba" (28/05/2008)
▪ Đêm “nóng” ở vũ trường tuổi teen (28/05/2008)
▪ Cuộc "săn người" trường kỳ của cô gái HIV (26/05/2008)
▪ Gái bán dâm và những cảnh đời thương – giận (26/05/2008)
▪ Nguy cơ từ quan hệ qua hậu môn (26/05/2008)
▪ Những cô gái "tình cho không biếu không" (24/05/2008)
▪ Mở quán cafe để bán… heroin (24/05/2008)
▪ Cơ cực...kiếp gái biển (23/05/2008)