Những việc làm của họ thực sự là “cầu nối” giữa chính quyền cơ sở với người sau cai và gia đình họ, góp phần quan trọng làm giảm tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố nói riêng và bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương nói chung.
Phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) có 156 người nghiện có hồ sơ quản lý, từ lâu được xác định là một trong những địa bàn phức tạp về tệ nạn xã hội bởi nơi đây có nhiều lao động từ các địa phương khác về tạm trú làm ăn, buôn bán. Để hỗ trợ chính quyền địa phương ổn định an ninh trật tự cũng như giúp những người nghiện sau cai làm lại cuộc đời, Đội công tác xã hội tình nguyện của phường đã "vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người".
Chủ nhiệm CLB B93 kiêm Đội trưởng Đội công tác xã hội tình nguyện phường Chương Dương Lê Hồng Hạnh cho biết: Các TNV của Đội đều có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, luôn tìm mọi biện pháp tiếp cận người nghiện và gia đình họ để giúp họ hiểu về tác hại của ma túy; đồng thời Đội luôn có các hoạt động thu hút người nghiện tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao để giúp người nghiện giảm mặc cảm, thêm tự tin và sẵn sàng chia sẻ mọi tâm tư, tình cảm và vướng mắc trong cuộc sống.
![]() |
Một buổi sinh hoạt đội công tác xã hội tình nguyện phường Quỳnh Lôi |
Ngoài việc giúp đỡ trực tiếp người nghiện ma túy, đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tình nguyện viên còn chủ động đề nghị với Ngân hàng Chính sách xã hội quận cho các gia đình này được vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống. Với những việc làm thiết thực, các tình nguyện viên đã giúp nhiều người nghiện ma túy sau cai của phường đoạn tuyệt với ma túy, làm lại cuộc đời.
Đội công tác xã hội tình nguyện của phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) có 20 thành viên, đã duy trì hoạt động được hơn 10 năm, là một trong những đơn vị dẫn đầu của thành phố trong việc giúp nhiều người nghiện sau cai từ bỏ ma túy, có việc làm ổn định. Đội trưởng kiêm Chủ nhiệm CLB B93 (CLB của những người sau cai nghiện) phường Ngọc Thụy, bác Lê Hồng Quân -vốn là giảng viên Học viện Hậu Cần - luôn trăn trở trước tình hình tệ nạn ma túy đang hàng ngày hàng giờ xâm nhập vào giới trẻ, trong đó có cả các con em đồng đội của bác. Là Đội trưởng CLB 93, bác thường xuyên gặp gỡ bạn bè, anh em họ hàng để tuyên truyền, vận động; giúp hàn gắn mối quan hệ giữa người nghiện với gia đình, họ hàng. Không chỉ vậy, bác còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể và các doanh nghiệp trên địa bàn để tìm việc làm cho người sau cai nghiện. Nhờ những việc làm thiết thực đó, bác Quân cùng các TNV trong Đội đã giúp 21 người từ bỏ ma túy trở thành công dân tốt, trong đó có 3 người trên 13 năm chưa tái nghiện.
Đã từng là giáo viên, sau khi nghỉ hưu (năm 1991), chị An Thị Hồng (Đội trưởng Đội công tác xã hội tình nguyện phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) tham gia công tác xã hội. Thời gian đầu chị sinh hoạt ở Hội Liên hiệp phụ nữ phường. Với sự nhiệt tình và tâm huyết với công việc, UBND phường đã giới thiệu chị tham gia Đội công tác xã hội tình nguyện.
Nhận thức rõ trách nhiệm của mình, chị Hồng đã cùng các thành viên trong đội tham gia nhiều lớp tập huấn về kỹ năng giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện và lây nhiễm HIV/AIDS. Chị đã tích cực phối hợp với cán bộ chuyên trách, cảnh sát khu vực thâm nhập thực tế từng hộ gia đình có con em sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, chia sẻ và động viên khi họ gặp khó khăn trong cuộc sống.
Chị Hồng tâm sự: "Dù bị nhiều gia đình lảng tránh, có lời lẽ chưa đúng khi tôi đến nhà vận động con em họ đi sinh hoạt Câu lạc bộ B93 nhưng với suy nghĩ người sau cai về địa phương thời gian đầu dễ bị xáo trộn tâm lý, bi quan, bị bạn xấu rủ rê, nếu không được sự giúp đỡ của gia đình và cộng đồng nguy cơ tái nghiện rất cao, tôi đã quyết tâm kiên trì thuyết phục các cháu và gia đình". Tấm lòng chân thành của chị Hồng đã khiến nhiều đối tượng nghiện sau cai và gia đình họ đã tin yêu, coi chị như người trong nhà.
Có thể nói, hình ảnh những TNV không kể tuổi tác, không quản nắng mưa đang hàng ngày, hàng giờ đến từng nhà người nghiện và gia đình họ để tuyên truyền, tư vấn, vận động đã trở nên quen thuộc ở các khu dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hình ảnh đẹp đó đã góp phần mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội của thành phố, được Bộ LĐTBXH biểu dương và ghi nhận.
Từ năm 2003 đến nay, thành phố Hà Nội đã nhiều lần kiện toàn mô hình đội công tác xã hội tình nguyện tại các xã, phường, thị trấn. Toàn thành phố hiện có 584 đội công tác xã hội tình nguyện với trên 5.000 TNV tham gia các hoạt động khá nền nếp. Đa số TNV đều là những người có uy tín với cộng đồng dân cư nên thuận lợi trong việc tiếp cận, quản lý, giúp đỡ người nghiện. Chính sự nhiệt huyết của họ đã giúp các hội, ngành, đoàn thể ở cơ sở ngày càng phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả hơn, hạn chế người nghiện mới phát sinh, số điểm, tụ điểm phức tạp về tệ nạn ma túy, mại dâm. Theo thống kê của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH), từ đầu năm đến nay, các Đội công tác xã hội tình nguyện đã tiếp cận, tư vấn trực tiếp cho hơn 35.000 lượt người nghiện và gia đình họ; vận động được 350 người đi cai nghiện tự nguyện tại các trung tâm; phân công quản lý, giúp hơn 600 người sau cai tại nơi cư trú; tham gia viết gần 700 tin, bài cung cấp cho ban văn hóa thông tin xã, phường, thị trấn tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh… |
▪ Những người kéo thân phận lầm lỡ hòa nhập cộng đồng (14/04/2016)
▪ Người phụ nữ 13 năm nâng đỡ những mảnh đời sa ngã (13/04/2016)
▪ Những câu chuyện khó tin ghi lại ở 'lò sida' (12/04/2016)
▪ Đừng để người nghiện là nỗi ám ảnh (11/04/2016)
▪ Sống với những mảnh đời bất hạnh (09/04/2016)
▪ Lễ cưới hạnh phúc ở Nha Trang của cặp đồng tính nam yêu nhau 18 năm (08/04/2016)
▪ Nhóm tứ tấu ra mắt MV động viên trẻ em nhiễm HIV/AIDS (08/04/2016)
▪ Người chuyển giới: Muôn nẻo gian nan tìm kiếm sự bình yên (07/04/2016)
▪ Câu chuyện về “Hải si-đa” làm... Trưởng thôn (06/04/2016)
▪ Cuộc đời buồn tủi của bà mẹ có con vừa nghiện ma túy, vừa nhiễm HIV (05/04/2016)