Chữa trị, giáo dục, hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy, người bán dâm
Các Website khác - 03/11/2016
10 năm qua (từ năm 2006 đến nay), công tác chữa trị, giáo dục, hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy, người bán dâm đã được các lực lượng chức năng và các địa phương triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, triển khai thực hiện Nghị định số 56/2002/NĐ-CP ngày 15/5/2002 và Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 9/9/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng, Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, từ năm 2006 đến năm 2010, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp các ngành liên quan, đoàn thể, địa phương vận động người nghiện và gia đình họ khai báo tình trạng nghiện và đăng ký các hình thức cai nghiện phù hợp. Có 80.994 lượt người được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng (chiếm 32,4% tổng số người cai nghiện), trong đó các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo, số lượng người cai nghiện cao như Sơn La, Điện Biên, Quảng Nình, Lai Châu, Thái Nguyên, Lào Cai, Thái Bình, Tuyên Quang...

 

Một mô hình hỗ trợ nhóm phụ nữ yếu thế tại Phú Thọ. Ảnh Nhật Thy

 

Công tác quản lý, giáo dục, hỗ trợ người bán dâm trong giai đoạn này được thực hiện chủ yếu tại các Trung tâm- Chữa bệnh- Giáo dục- Lao động xã hội, các địa phương đã tổ chức chữa trị, giáo dục cho 30.550 lượt người bán dâm tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai…; tại cộng đồng cho 8.511 người bán dâm. Các hình thức giáo dục tại cộng đồng bao gồm giáo dục đồng đẳng, giáo dục trong sinh hoạt đoàn thể, tổ dân phố, thôn, xóm, làng, bản...

Giai đoạn 2006-2010, có 15.382 người được hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm; 56,54% số xã, phường thực hiện lồng ghép vay vốn, tạo việc làm cho người sau chữa trị và sau cai.

Giai đoạn 2011- 2015, có 50 tỉnh, thành phố đã xây dựng được 1.087 mô hình xã hội dựa vào cộng đồng. Các mô hình đã hỗ trợ, tư vấn cho 352.728 lượt người bán dâm. Hỗ trợ 6.862 người, trong đó dạy nghề 1.822 người, tạo việc làm 1.212 người, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng 2.601 người, hỗ trợ vay vốn sản xuất kinh doanh 1.227 người. Có 23 tỉnh, thành phố thành lập Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng với 35 điểm, đã tổ chức tư vấn điều trị cho 515 lượt người.

Công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy sau chữa trị, người bán dâm hoàn lương, người bị buôn bán trở về ổn định cuộc sống được lồng ghép trong xây dựng các mô hình hỗ trợ dựa vào cộng đồng như Câu lạc bộ, các nhóm, Đội Tự quản… của các Hội, đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên… hoặc từ sự hỗ trợ ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, các Sở, ngành.

Tại tỉnh Lâm Đồng, các cơ quan chức năng, địa phương, đoàn thể đã quản lý, giúp đỡ, hỗ trợ cho 4.319 lượt người nghiện ma túy tại cộng đồng. Trong đó, các ngành, tổ chức chính trị- xã hội, Đội tình nguyện tại cơ sở đã phối hợp, vận động, giúp đỡ cho 906 người nghiện tiếp cận với các nghề đơn giản để có thu nhập ổn định đời sống.

Thành phố Cần Thơ thực hiện phong trào “Tình nguyện viên giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và hòa nhập cộng đồng”, các tình nguyện viên tại 9/9 quận, huyện đã tiếp cận, tư vấn  cho 1.292 người nghiện ma túy, 645 người sau cai nghiện, 31 người cai nghiện tự nguyện tham gia 01 chương trình cai nghiện và 07 người được hỗ trợ vay vốn từ nguồn vận động tại địa phương.

Công an tỉnh Trà Vinh chỉ đạo Công an các đơn vị, huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các ngành, các cấp vận động đóng góp, gây quỹ để thành lập các Câu lạc bộ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng (đã xây dựng được 41 Câu lạc bộ với số vốn là 1.912.832.000 đồng) thực hiện tuyên truyền, vận động giúp đỡ, quản lý đối tượng chữa trị, cai nghiện ma túy nhằm tạo điều kiện ổn định cuộc sống, giảm bớt mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng.

Tại TPHCM, Thành đoàn Thanh niên Cộng sản phối hợp với đoàn thể địa phương duy trì sinh hoạt thường xuyên 279 Câu lạc bộ, đội nhóm tập hợp 3.750 người tái hòa nhập cộng đồng và thân nhân đến sinh hoạt. Các Câu lạc bộ, đội nhóm tạo nơi sinh hoạt lành mạnh cho người tái hòa nhập cộng đồng và giúp họ có điều kiện giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau trong cuộc sống, chống tái nghiện.

Thành phố Đà Nẵng, dưới sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền địa phương và ĐTN có 65 người sau cai nghiện được cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tiếp nhận vào học nghề và tạo việc làm, 210 người có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ vốn, 142 trường hợp được vay vốn, 26 người sau cai nghiện được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Hội Liên hiệp phụ nữ đã nhận giúp đỡ về việc làm cho 30 người sau cai nghiện ma túy.

Nhiều tỉnh, thành phố đã duy trì và triển khai nhiều mô hình quần chúng tự quản, tự phòng về an ninh trật tự như “Quản lý địa bàn tốt không để phát sinh tệ nạn ma túy, mại dâm tại 2 phường Ngọc Lâm, Đức Giang” và “Xứ họ đạo an toàn, dòng họ an toàn” tại thành phố Hà Nội; “Phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục, cải tạo người phạm tội tại các gia đình và cộng đồng dân cư”, “Khu dân cư phòng, chống tội phạm” tỉnh Quảng Nam; “Khu dân cư, tổ đoàn kết không có người vi phạm pháp luật, không có tệ nạn xã hội” tỉnh Quảng Ninh; “Dựa vào dân quản lý, kiểm soát địa bàn theo khu dân cư” tỉnh Khánh Hòa; “Tổ an ninh tự quản ngõ, xóm”; “phong trào 3 giảm, 4 giữ”; “Xây dựng cơ quan, trường học, doanh nghiệp, đơn vị không có tội phạm và TNXH” tỉnh Nam Định…

Các Câu lạc bộ (CLB) như CLB không ma túy, không bạo lực học đường và chấp hành tốt luật giao thông trong trường học, CLB phụ nữ với pháp luật, Phòng ngừa vi phạm pháp luật về an ninh trật tự trong học sinh, sinh viên, CLB hướng thiện, CLB tình thương và trách nhiệm, CLB tuổi trẻ với pháp luật, CLB gia đình hạnh phúc không có tội phạm và tệ nạn xã hội…được thành lập và nhân rộng ở các địa phương nhằm giáo dục nhân cách, kỹ năng sống cho thanh thiếu niên trên địa bàn nhằm nâng cao tinh thần phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.

Các mô hình, nhóm, CLB tại các tỉnh, thành phố với nhiều tên gọi khác nhau nhưng đã tuyên truyền vận động được các đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư gắn với việc thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước góp phần đảm bảo tốt an ninh trật tự ở địa bàn dân cư.

Bên cạnh đó, vẫn có nhiều địa phương còn gặp khó khăn về các dịch vụ hỗ trợ cho người sau cai nghiện, người bán dâm hoàn lương như vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo.... chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế do hầu hết họ không có nghề nghiệp, thường đi nơi khác sinh sống nên không quản lý được; cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tuyển dụng lao động là người nghiện sau cai, người hoàn lương chưa tạo được sức hút đối với họ, do vậy, các doanh nghiệp còn e ngại, né tránh.