Chuyện của người đàn bà có 'ết'
Các Website khác - 18/09/2008

Nguyễn Thị Thành (Tiên Lương, Cẩm Khê, Phú Thọ) là người đàn bà nhiễm HIV anh hùng, giản dị, có tình thương vô chừng với những kẻ “đồng tật tương lân”.

>> Tự sự của cô gái nhiễm HIV

Nguyễn Thị Thành tại CLB Hoa Tím của những người nhiễm HIV

Bể trầm luân đời Thành

Còn nhớ, khi Thành dũng cảm "cõng" con bước lên trang báo rộng lớn và có sức lan tỏa khủng khiếp của chúng tôi, khi ấy, ngay ở xóm của Thành, tôi đưa đạo diễn Lê Hồng Chương, Giám đốc Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương lên làm phim về HIV, cả đoàn vẫn bị “đuổi đánh” chí mạng.

Anh Chương phải lục tục, người ngựa ngậm tăm, dẫn đoàn tùy tùng ra huyện lỵ Cẩm Khê, tìm gặp lãnh đạo kêu cứu. Khi ấy, anh chàng bị nhiễm HIV từ “tập đoàn than thổ phỉ” Nguyễn Văn Bình vẫn cầm dao bầu đứng trước cổng, tuyên bố, “đứa nào bảo tao bị HIV, tao chém. Đứa nào xông vào nhà tao mà lấy máu của vợ tao, với 3 đứa con gái của tao đi xét nghiệm, tao chém. Tao chém thật. Tao không đời nào bị “ếch” đâu mà chúng mày cứ… tưởng bở”. Giờ thì anh chàng xù lông nhím ương bướng ấy đã chết vì AIDS.

Giữa bối cảnh căng thẳng, kỳ thị rát ruột vì HIV như thế, Thành vẫn giản dị đi nhổ lạc, làm cỏ lúa thuê cho hàng xóm kiếm ăn lần hồi. Em vẫn thật thà hy vọng vào một ngày nào đó, thế giới sẽ sản xuất được thứ thuốc điều trị khỏi tiệt cái bệnh “ết” để cứu mẹ con em.

Em là người làng, là "bờ xôi ruộng mật" với các cái người nhiễm HIV mà cán bộ, mà người xóm khác coi như ngáo ộp kia, em lại cũng bị HIV “cả nhà”, nên Thành chẳng thấy có bất cứ khoảng cách nào với các bệnh nhân AIDS của Tiên Lương. Em dạy từng người đàn bà trong gia đình có chồng bị HIV cách đeo bao cao su, em trầy trật lôi cái người đàn ông gấu biển khắp Bắc Nam của làng mình ra mà mắng, mà túm áo dúi vào bờ giậu, rằng anh không chịu nghe lời tôi anh chỉ có chết, cả nhà anh chết theo, thì phỏng anh có nhắm được mắt không.

Anh là đàn ông được ăn học, mà anh sống như cầm thú thế được sao? "Thương cho roi cho vọt", đúng là thật khó để có người nào đi vận động cho câu lạc bộ đồng đẳng của người nhiễm HIV hiệu quả như Thành. Câu lạc bộ được vay tiền làm kinh tế, được thành lập nhóm giúp bạn, rồi tiến tới Câu lạc bộ Hoa Sim Tím có trụ sở tại nhà riêng của Thành. Thành làm việc với huyện, tỉnh, với Thủ đô và nhiều tổ chức quốc tế về HIV/AIDS.

Chồng Thành chết, cái chết vì HIV gần như là đầu tiên ở Tiên Lương. Một đám tang huyền thoại, với đầy rẫy kỳ thị, xa lánh, hãi hùng, quái dị. Người ta tránh xa, người ta rắc vôi bột và đám đông đùn đẩy nhau không ai chịu khiêng quan tài. Người Sơn lở lói, nước tanh tưởi rỉ ra ròng ròng. Chồng chết, bố chồng đuổi mẹ con Thành (cả hai đều đã nhiễm HIV) ra đầu chái căn nhà phên tre lợp cọ mà ở, rồi đuổi cô về nhà bố mẹ đẻ.

Con trai chết khi mới 4 tuổi đầu, không được thờ con trên bàn thờ, 49 ngày cúng cơm cho con ở trên phên giường rách ngoài đầu chái nhà, Thành không còn nước mắt để khóc. Cái chết của bé Lương đã thật sự ám ảnh tôi. Cháu gầy quắt queo, cái đầu to ngất nghểu, mắt nó tròn, trắng dã, như lồi hẳn ra, Lương nhìn tôi thăm thẳm. Xa thăm thẳm, tối thăm thẳm, tử thần đã đến sát sàn sạt bên thằng bé.

Khó khăn lắm cháu mới ngồi khom khom được, vày vò cái quạt cắt bằng lá cọ để chơi, nó im lặng từ lúc tôi có mặt cho đến khi tôi không bao giờ nhìn thấy nó nữa. Chỉ có tiếng ho mãi vọng lại, ho liên tiếp, ho thất thanh. Căn bệnh suy giảm miễn dịch HIV đã “ăn” vào đến phổi của Lương, nó khò khè, ho hàng vạn tiếng một ngày. Không có thứ đường sữa nào, không một tí thuốc thang nào, bé Lương cứ bám lấy mẹ như một con chẽo ôm vào gộc măng.

Cháu bé đã bị nhiễm HIV, bởi cháu là con của một cặp vợ chồng đều nhiễm HIV. Bố cháu đã chết. Mẹ ở vậy, chiến đấu với bệnh tật trong khốn khó. Nhờ có Thành, họ đã gượng dậy, cháu bé đi học, mẹ cháu có nghề nghiệp, vui sống. Nhưng, nhìn đôi mắt vô tội của cháu, người ta vẫn thấy xót xa oán trách người lớn. Bé thơ có tội tình gì mà phải bị "kiếp đọa đày" như thế?

Trước khi bị lòng tham của người lớn giết chết, bé Lương hầu như đã bị hỏng phổi. Cơ thể nó nóng rực, nó hờ lên thiêm thiếp, nó đòi ăn kem, bởi ruột nó rát như có ai đang bào. Thành đi bón cơm cho con. Vừa lúc đó ông Sâm, bố chồng Thành hằm hằm bước vào, ông chửi Thành, là mày chết đi. Mày lấy phải thằng “ết” là con trai tao, mày dại cho mày chết. Nay nó chết rồi, nhà tao toàn đứa “ếch”, thì mày cút khỏi nhà tao, tiền người ta đem cho tao để thờ cúng các con tao, nuôi cháu của tao, tao phải đi lĩnh tất, ai cho mày đi lĩnh, hả! Ông Sâm đòi lĩnh tiền, trong khi tiền của các tổ chức cá nhân cứu trợ mấy chục triệu đồng là để cho Thành, cô gái cùng cực khổ, lại đang nuôi con thơ nhiễm HIV với nghị lực sống phi thường. Thành cãi lại. Ông Sâm tức khí vác dép vả vào mặt Thành.

Thành sợ quá, đánh rơi bé Lương xuống bậc thềm, bé trai 4 tuổi đã chết. Thành ôm bé Lương nhẽo nhèo, lạnh ngắt từ ngoài trạm xá về, em đi một mình, những bước chân cuối cùng em được đi bên đứa con trai ruột rà. Nó đã lạnh, Thành ngửa mặt lên trời, trời đất đảo điên, xoay vần, em đi như giông bão lần lối bờ ruộng về nhà ông Sâm. Những tưởng em đã phát điên, nhưng rồi vẫn phải tỉnh. Người làng bảo, không nên rớt nước mắt quá nhiều vào thi thể người chết, “hồn ma” sẽ ám mãi để rồi sớm gọi mình đi. Thành mặc kệ, nếu đi được với con thì đã tốt.

Lúc đó, Thành tin chỉ vài ngày nữa là bệnh AIDS sẽ cõng em đi, như chồng Thành, con Thành đều đã chết. Nhà bố chồng Thành có tới 9 người bị HIV cơ mà. Cái xã Tiên Lương lúc đó điên đảo, lời đồn, sự kỳ thị đáng sợ gấp nghìn lần HIV, họ gọi quê Thành là làng “ếch”, em gái Thành chỉ nằng nặc lo không lấy được chồng vì tai tiếng. Cả làng có nguy cơ trai ế vợ, gái ế chồng.

Khát khao cống hiến của một người đã mắc án “tử hình”

Em thành thục tổ chức ngôi nhà của mình thành Câu lạc bộ Hoa Sim Tím (thuộc mạng lưới của Trung tâm Nghiên cứu sức khoẻ cộng đồng và phát triển - COHED) của chị em bị HIV, nuôi chồng, nuôi con HIV. Em lấy số liệu, nghiên cứu thực tế, quan sát các bệnh nhân đặc biệt là làng xóm chị em của mình, để gửi thông số về các tổ chức quốc tế nghiên cứu chăm sóc người HIV. Thành đi lại như con thoi giữa Tiên Lương và Hà Nội, cách nhau 150 km để làm “nhiệm vụ quốc tế”. Em bắt đầu học nói tiếng Anh, bắt đầu có mối liên lạc, trao đổi kinh nghiệm với các “thủ lĩnh HIV” ở nhiều tỉnh thành như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình...

Hai đứa con của một cặp vợ chồng HIV, bố của các cháu đã chết, một trong hai cháu dương tính với HIV

Em muốn cống hiến, muốn làm một cái gì đó cho xã hội hiểu hơn về những người nhiễm HIV, nhất là những người đàn bà hiền ngoan, suốt đời sống sau lũy tre làng, đã bị lây nhiễm HIV từ chồng. Đừng đi giết chết hết cái món đàn ông bằng cách đem nhan sắc của mình ra dụ dỗ giống đực rồi nhây bệnh cho họ như chị Sơn.

Chị Sơn đẹp nức nở, chị đi làm cave, rồi về làng lộng lẫy, bao nhiêu gã trọc phú tiền tỷ đòi cưới chị Sơn làm vợ. Về nhà thăm bát nhang chồng Sơn, thăm con Sơn đã nhiễm HIV, mà họ chả biết gì, vẫn nằng nặc đòi cưới, vẫn tình dục không bao cao su với Sơn. Sơn bảo Thành còn đẹp và trẻ quá, chị ta hí hửng rủ Thành đi làm điếm. Rằng là sung sướng đủ đường, lên xe xuống ngựa, thiên hạ nó "chiều như chiều vong". Tất nhiên là Thành không đi. Chị ấy phá đời. Gạ gẫm Thành đi được vài hôm thì chị Sơn chết. Một tuần sau, đứa con tội nghiệp của chị cũng chết.

Tiên Lương có ít nhất 31 người bị HIV, cả chục cặp vợ chồng trẻ, mỗi người một số phận rách giời rơi xuống. Có chị chồng chết, ở nhà làm ruộng, cặp kè suýt cướp chồng người khác, có người ăn nằm thường xuyên với anh đồ tể làng bên, có người bén duyên với anh bạn làm nghề cho thuê loa đài phông bạt đám cưới.

Hai đứa con của một cặp vợ chồng HIV, bố của các cháu đã chết, một trong hai cháu dương tính với HIV; nhưng hai cháu vẫn chăm ngoan, học giỏi. Rồi đây, các cháu sẽ đi về đâu?

Tại Tiên Lương, có ngót chục người đàn bà nhiễm HIV, ở góa thờ chồng trẻ măng, nuôi đàn con đứa nhiễm HIV, đứa thoát án “tử hình”. Có đứa trẻ bị HIV, học rất giỏi, giấy khen dán đỏ các bức vách trát đất đỏ, nhà cháu hổng hoác, ngồi trong nhà phải mặc áo tơi khi mưa xuống, trông tỏ mây trắng trời xanh khi nắng về. Họ quá nghèo, quá tuyệt vọng, và thật sự thiếu thốn tình cảm.

Nhưng, Thành đã thoát khỏi làng, đã làm một cuộc cách mạng trong nhận thức của người địa phương về HIV. Thành vận động nhà hảo tâm giúp chị em, chị em đóng góp, xin “lương” của các tổ chức trong và ngoài nước, cùng các nhà hảo tâm để tạo điều kiện cho trẻ em nhiễm HIV đi học. Thành vận động chính các thành viên của CLB Hoa Sim Tím đóng góp quỹ giúp đỡ chị em dặm nhà, sửa vách, giống má, cưu mang nhau khi hoạn nạn đau ốm. Nhiều người đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn của Câu lạc bộ.

Thế là con quỷ HIV, bóng ma kỳ thị quái đản và giết chóc mang tên AIDS đã dần biến khỏi Tiên Lương. Vùng đất chết đã bén rễ xanh cây. Người Tiên Lương đã thực sự chung sống yên lành được với cái rủi ro tội nghiệp mang tên tử thần HIV. Người có công đầu trong thành quả đó, là Nguyễn Thị Thành, người đàn bà góa 20 tuổi, đã biết tìm cho mình một lẽ sống đẹp từ trong đau thương tột cùng của AIDS.

Theo Vietimes