Có thể đó chưa phải là hòn đảo đặc biệt nhất Việt Nam, nhưng ở hòn đảo của những người nghiện ma túy giữa lòng hồ Thác Bà (Yên Bái), có nước mắt xen lẫn nụ cười, có nỗ lực để trở lại làm người.
Đường vào đảo cai nghiện |
Bài 1: Tìm lại cơ hội làm người
Đò đầy!
“Tuột” 27 bậc thang đá từ trên mặt đường dẫn vào TP Yên Bái theo ông Nguyễn Xuân Quản thì chạm mặt nước hồ Thác Bà. Tôi chẳng hiểu vì sao người ta lại dành 27 bậc đá cho những người luôn phải ra, vào cái đảo cai nghiện này. Chỉ nghe dân ở quanh lòng hồ giải thích, 27 bậc là tượng trưng cho kênh Tài-Lộc (2+7=9). Kênh 9 đó cũng là biểu hiện của lòng thanh thản, ai biết sẽ không bị lung lạc làm điều ác...
“Mài” bàn chân nhiều nhất trên những bậc đá này là ông Nguyễn Xuân Quản - cộng tác viên phòng chống ma túy ở hồ Thác Bà. Ông Quản là lái đò chuyên nghiệp trên lòng hồ, nhưng không phải để đánh cá, vây lưới, mà chỉ chuyên chở người từ đất liền ra đảo cai nghiện và ngược lại.
Ngày nào ông Quản cũng như thoi đưa, lúc chở cán bộ thay ca làm việc trên đảo, khi khác lại đưa cấp trên ra chỉ đạo, người thân của người nghiện ra thăm nom người nghiện, người nhiễm HIV/AIDS.
Trong 10 năm qua, gần như không có con nghiện nào trên đảo cai nghiện lại không rẽ sóng trên con đò ông Quản để cập đảo. Chở người nghiện ra đảo A để cắt cơn-tay ông cầm chèo; con nghiện hết giai đoạn cắt cơn, được chuyển sang đảo C để học tập chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cũng chính tay ông Quản đẩy đưa bánh lái.
Ông Quản làm nghề lái đò trên mặt hồ giữa núi rừng Tây Bắc này đã ngót nghét 16 năm. Trước khi ra đảo cai nghiện, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Yên Bái - Nguyễn Văn An ghé tai tôi: “Ông Quản là “mắt xích” quan trọng trong guồng máy phòng chống ma túy có hiệu quả ở đảo cai nghiện. Lãnh đạo Cục chỉ làm hợp đồng để ông chở đò, nhưng nếu thẩm lậu ma túy xảy ra thì ông Quản chắc chắn không tránh khỏi vòng lao lý...”.
Ở đảo cai nghiện trong 15 năm qua, chỉ có duy nhất 3 con đò mang số hiệu do ông Quản quản lý được tiếp cận đảo. Mọi con đò khác, lăm le đến đảo sẽ bị trục xuất ngay.
Duyên cớ gắn bó cuộc đời với nghiệp lái đò khiến ông Quản trở thành người biết nhiều, chứng kiến nhiều nước mắt, nụ cười của không ít người khi đứng bên lối rẽ của cuộc đời: ra đảo cai nghiện. Bây giờ, mỗi lần chở người nghiện mới ra đảo, ông Quản chỉ nhìn mặt thì đoán biết ngay được vì sao người đó nghiện, là con nhà giàu ăn chơi, đua đòi mà nghiện, hay chỉ là kẻ học đòi mà bị ma túy “bắt”...
Ông Quản kể, mùa thu năm 2007, mặt hồ Thác Bà như gương soi, một người đàn bà mặt hoa da phấn tiễn đứa con gương mặt tuấn tú ra đảo lần thứ hai để cai nghiện. Họ từ Hà Nội lên. Người đàn bà có vẻ vẫn kỳ vọng sự cố gắng vượt qua ma túy của con, bà thủ thỉ dặn dò cậu quý tử suốt từ lúc xuống đò. Giống như nhiều người giàu có, bà ít giao thiệp với người xung quanh và dường như đang cố gắng nín nhịn những cảm xúc khó tả trong lòng...
Phải chờ đến lúc con thuyền quay mũi, bà phải chia tay con lần thứ hai, lòng bà tan nát, những giọt nước mắt mới lã chã rơi, vỡ trên mặt hồ... Hóa ra, ở đời không phải ai có được giàu sang cũng sung sướng!
Thế nhưng, người nghèo thì ma túy cũng nào có tha. Một lần khác xuống thuyền, ông đưa người đàn ông ăn mặc tồi tàn ra đảo thăm con, tiếp tế chút quà. Không giống như nhiều người giàu có hay im lặng khác, ông bố của cậu con nghiện ngập ngồi trên chuyến đò chỉ kể chuyện khổ. Con ông có việc làm tử tế, nào ngờ đổ đốn nghiện ngập, ăn cắp hết tài sản của gia đình đem đi bán.
Ông Quản nghe người đàn ông than: “Nhiều lúc em chỉ muốn nó chết quách cho xong”, mà lòng quặn thắt. Nhẽ ra, những người nghèo như người đàn ông kia phải được đến hồ Thác Bà để thưởng ngoạn cảnh đẹp, vui chơi hưởng thụ chút cảnh sơn thủy hữu tình. Nào ngờ, họ lại phải đến đảo Lau (tên khác của đảo cai nghiện) để “chôn cất” những nỗi buồn, niềm vinh hạnh, tự hào khi sinh ra được đứa con trên trần gian ngày nào.
Trong muôn hình muôn vẻ của cuộc đời, ông Quản được chứng kiến trên những chuyến đò của mình, có không ít lần ông nghe thân nhân người nghiện kể mà thương xót.
Ông Quản tâm sự: “Chẳng có người nào làm cha, mẹ lại... thích cưỡi trên con đò của tôi. Họ cũng khổ tâm và cần sự thông cảm từ phía chúng ta nhiều lắm. Sau 15 năm như thoi đưa hết ra đảo ma lại vào đảo đời, tôi cũng muốn gác mái chèo. Nếu gác nghiệp đò mà bớt được số người mắc nghiện, tôi chẳng có gì tiếc nuối nghề...”.
Rẽ sóng ra đảo cai nghiện
Người nghiện đóng chuồng nuôi chim bồ câu |
Ng. Tr. Châu, sinh năm 1979, ở TP Yên Bái, bị nghiện từ rất sớm, nhưng mãi đến năm 2004, Châu mới “nếm mùi” đảo cai nghiện. Quá trình nghiện ngập của Châu là một bi kịch số phận tiêu biểu cho nhóm người trẻ tuổi dễ bị lung lạc.
Học hết lớp 12, Châu là một trong số ít bạn bè cùng trang lứa thi đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội. Vượt qua cuộc đời sinh viên, Châu được nhận vào làm việc tại một cơ quan nhà nước với công việc thiết kế báo.
Đi làm, Châu bắt đầu có thu nhập và cũng bắt đầu lao vào những cuộc chơi cùng bạn bè. Ma túy trở thành thứ xoa dịu nỗi buồn, kích thích niềm vui, lạc thú rồi kiểm soát Châu lúc nào không biết. Ma túy cũng làm Châu mất việc làm ở Hà Nội.
Trở lại Yên Bái, Châu phải kiếm tiền mua heroin. Và một ngày, công an buộc Châu phải ra đảo cai nghiện để cai nghiện. Ngày đi lao động vác đá, tối sinh hoạt văn hóa, học những bài học đơn giản vào loại bậc nhất để trở lại làm người. Những lúc như thế, Châu tự nhủ thấy tiếc những gì đã đánh mất.
Trước mặt Châu, hằng ngày vẫn là đồi cây xung quanh nước mênh mông. Sẽ chẳng có ngày trở lại sống đúng nghĩa tại quê hương nếu Châu không thanh lọc được bóng ma con nghiện trong chính cơ thể mình.
Cũng như Châu, Lương Hòa Phong những tưởng đã là trí thức sáng giá, thế mà hôm chúng tôi gặp Phong, gương mặt của anh xám xịt, nước da tối thui. Đảo cai nghiện có không khí trong lành tuyệt vời vẫn không cứu vãn được những gì mà ma túy đã cướp đi của Phong.
Năm 1992, Phong tự hào trở thành sinh viên Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Năm học thứ 3, Phong chơi đùa với bạn bè, bị ngã từ giường tầng, Phong phải vào bệnh viện mổ, dùng thuốc giảm đau - moóc phin. Từ đó, những cơn thèm chất ma túy cứ âm ỷ cháy trong người, Phong chủ động tìm đến những người bạn để có nguồn ma túy hút hít.
Làm bạn với ma tuý, Phong phải nghỉ học, xin bảo lưu kết quả 3 năm ở đại học để trở về Yên Bái nhập ngũ. Sống trong môi trường quân đội, Phong rèn luyện tốt và quên được ma tuý. Xuất ngũ, Phong kết hôn với người con gái cùng quê. Trong một lần đi chơi cùng bạn, Phong lại buông thả mình, trượt chân trở lại với thế giới ma tuý.
Bị cưỡng bức ra đảo cai nghiện, Phong là người luôn sống trong day dứt. Lúc tỉnh táo, thoát khỏi sức ma ám của nàng tiên nâu, Phong nhớ về gia đình bé nhỏ của mình, đứa con trai mới lên 5 tuổi; người vợ luôn động viên Phong từ bỏ ma túy... Trước mắt Phong, phía bên kia là thành phố, đầm ấm và đầy chất người. Vậy mà tất cả đã tuột khỏi cả tầm mắt.
Lê Ngọc Thu ra đảo được 8 tháng. Nỗi buồn của Thu sau khi ra đảo là cảm nhận sự có tuổi của chính mình. Con trai của Thu năm nay lên 10, đủ lớn để cảm nhận về sự nghiện ngập của Thu. Những lúc “li dị” được con nghiện, choàng dậy khỏi cơn mê, Thu nhớ đến vợ, con, lòng quặn thắt.
Giá như một thời không đến với Lục Yên, không có ham mê đá đỏ, huyễn hoặc về sự đổi đời..., giá như...
Những ngày tháng trẻ trai đó, không những Thu mà rất nhiều cuộc đời khác cũng lao như thiêu thân vào ma túy. Những chàng trai đá đỏ cũng đang chịu tan vỡ hạnh phúc, tương lai sụp đổ như chính Thu đang gồng mình vượt qua nghiện ngập...
Thu tự hứa với lòng mình phải cai nghiện thành công để trở lại với cộng đồng, trở lại với ước mơ được trở thành người thợ xây dựng, bình thường, chân chính.
Có bao nhiêu cuộc đời ra đảo Lau là có bấy nhiêu tan nát. Đảo cai nghiện- nơi dừng bước giang hồ của hàng trăm con người- không tường rào, dây thép gai nhưng điệp trùng lòng trắc ẩn với ma túy, hút chích... của người nghiện.
Dẫu thế, mỗi tháng qua đi, đảo lại tiếp nhận thêm nhiều số phận bị ma túy cướp mất hồn...
(Còn nữa)
Quyền Thành - Tiền Phong
▪ Đảo cai nghiện giữa lòng hồ Thác Bà - Bài 2 (04/09/2008)
▪ Cuộc đời sóng gió của cô gái nhiễm HIV (29/08/2008)
▪ Lời khẩn cầu của một người mẹ (23/08/2008)
▪ Vững tin vào cuộc sống (22/08/2008)
▪ Tủi phận trợ cấp cho trẻ mồ côi, tàn tật, nhiễm HIV (21/08/2008)
▪ Không còn tuyệt vọng (21/08/2008)
▪ Hành trình "xương thủy tinh" Kỳ cuối: Quà tặng của đời (19/08/2008)
▪ Nước mắt 9X trong trại cai (13/08/2008)
▪ Vượt qua chính tôi (11/08/2008)
▪ Tâm sự của miss đồng tính (09/08/2008)