Dâu chăm sóc một bệnh nhân -Ảnh: TR.C. |
Sương trắng sà là là mặt đất khuôn viên bệnh viện. Rùng mình se lạnh, Dâu rảo bước đi hết từng phòng bệnh. Một đêm trực quen thuộc của Dâu kể từ khi trở thành điều dưỡng của khoa săn sóc đặc biệt Bệnh viện Nhân Ái cách đây ba năm.
Bàn tay nắm níu sự sống
7g sáng. Từ các phòng bệnh, hàng chục bệnh nhân ngồi trên xe đẩy được đưa ra hành lang, khuôn viên bệnh viện phơi nắng. Một ngày làm việc mới với những công việc quá quen thuộc của y bác sĩ, điều dưỡng nơi đây. Lẫn trong không khí tất bật chăm sóc bệnh nhân, có một vóc người nhỏ nhắn nổi bật lên. Đó là Lê Thị Dâu, 22 tuổi, điều dưỡng viên của khoa.
Hằng ngày Dâu cận kề những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối. Trong số đó không ít người bị gia đình bỏ rơi. Tuyệt vọng, quẫn trí là điều khó tránh khỏi. Để vực dậy tinh thần, sức khỏe họ là cả một quá trình gian khó, giành giật ngày đêm. Chỗ dựa duy nhất của họ là tình thương và trách nhiệm của tập thể bệnh viện. 19 tuổi - tuổi trẻ nhất bệnh viện thời điểm nhận công tác - nhưng Dâu sớm nhận ra điều đó.
![]() |
"Tôi chỉ mong xã hội không kỳ thị và chung tay, chung sức giúp đỡ bệnh nhân AIDS", Điều dưỡng Lê Thị Dâu |
Bất lực là cảm giác của Dâu khi đón nhận tin H. mất. “Phải có cách chăm sóc, tư vấn riêng vì mỗi người mỗi cảnh” - Dâu nói sau những trải nghiệm.
Từ chối sự chăm sóc, bị chửi bới, cào cấu là những gì Dâu phải thường xuyên đối mặt. Có lẽ sự nín nhịn và lặng lẽ chăm sóc của Dâu đã lay động được nhiều bệnh nhân. Bàn tay Dâu tỉ mẩn trở mình, lau rửa, đút từng miếng cháo cho người bệnh. Bàn tay ấy đã nắm níu niềm tin, sự sống, xoa dịu tận cùng nỗi đau thể xác, tinh thần của những phận người chỉ đong đếm sự sống bằng giây phút. Chong mắt cả đêm với Dâu là chuyện thường.
Đôi khi Dâu còn hóa thân thành người mẹ, người con để an ủi phần nào người bệnh trong cái ranh giới mong manh của sự sống - chết. Cách đây mấy tháng, Dâu được phân công chăm sóc chị T., lây nhiễm HIV từ người chồng, rồi bị ruồng rẫy. Những ngày cuối đời lúc nào chị cũng nhớ đến con và mẹ. Một đêm trực, vừa bước vào cạnh giường bệnh, trong cơn tỉnh - mê, chị T. nắm chặt lấy tay Dâu gọi tên con gái. Để yên bàn tay, Dâu quay mặt đi, mắt rưng rưng. Đêm đó Dâu thức trắng bên chị T., Dâu biết đó là sự nắm níu cuối cùng của chị. Hai ngày sau chị T. mất.
Bệnh viện Nhân Ái trực thuộc Sở Y tế TP.HCM, thành lập tháng 10-2006 trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm trọng điểm cai nghiện ma túy TP.HCM tại xã Đức Hạnh, huyện Phước Long, Bình Phước. Từ năm 2005 đến nay, Dâu là điều dưỡng của khoa săn sóc đặc biệt. Như tên gọi của bệnh viện, Dâu gần gũi được người bệnh nhờ lòng nhân ái. Năm 2007, Dâu là một trong 12 cá nhân điển hình trong phong trào thi đua yêu nước của TP.HCM. |
Thấm thoắt ba năm, Dâu gắn bó với những người bệnh nơi vùng núi heo hút của huyện Phước Long, Bình Phước. Lần đầu lên đường nhận công tác, Dâu cứ tự hỏi: “Không biết những bệnh nhân AIDS thế nào, có dễ sợ không?”. Nghĩ là vậy, nhưng ngay từ những ngày đầu, Dâu tình nguyện xin về khoa săn sóc đặc biệt.
Ba tháng là thời gian ngắn nhất để một bệnh nhân hồi phục. Nhưng đó cũng là thử thách, giằng níu của đội ngũ y bác sĩ bệnh viện. Năm tháng qua, có những giây phút Dâu ngồi thẫn thờ tự trách mình: sao bệnh nhân không hợp tác trong điều trị? Vô tình ánh mắt Dâu lại đụng hình ảnh dựa tường nhích từng bước chân của một bệnh nhân. Phút nản lòng tan biến, Dâu nhổm người dứt khoát quay về công việc với bàn tay chăm chút, nhẹ nhàng hơn.
Đổi lại những vất vả là niềm vui khi bệnh nhân hồi phục. Niềm vui ấy đã giúp Dâu chịu thương chịu khó thêm. P., một bệnh nhân không được gia đình thừa nhận, đã vượt qua tâm lý cùng cực để thành cộng sự giúp đỡ Dâu trong việc chăm sóc các bệnh nhân khác yếu hơn.
Nhiều đêm trực, trong không gian tĩnh mịch giữa chập chùng núi đồi, có những phút giây Dâu chạnh lòng nhớ cảnh thị thành tấp nập. Ba năm qua, với những lý do khác nhau, một số đồng nghiệp đã rời bỏ công việc. Có bao giờ nghĩ đến thôi việc? Dâu lắc đầu cười và hỏi ngược: “Sao lại nghỉ khi các bạn khác - đồng nghiệp - ở thành phố cũng lên đây làm việc?”.
Những lúc rảnh rỗi hay trong ca trực, Dâu đến trò chuyện, an ủi bệnh nhân. Những giọt nước mắt khi bệnh nhân được trút gửi tâm tư thầm kín khiến Dâu thấy trách nhiệm của mình ngày càng nặng nề hơn.
Gần gũi với bệnh nhân, nguy cơ phơi nhiễm, việc lây nhiễm các bệnh cơ hội như lao, viêm gan siêu vi... rất cao nhưng đối với Dâu chỉ đơn giản là: “Mình không gần gũi họ thì còn ai nữa”.
Không nói về những thiệt thòi, thiếu thốn nhưng qua lời kể của nhiều người, chúng tôi biết có những hi sinh thầm lặng về vật chất, tinh thần và cả những tình cảm riêng tư của Dâu cũng như nhiều đồng nghiệp khác. Nói như anh Trần Kim Anh - phó giám đốc bệnh viện: sự hi sinh không thể nào đong đếm được.
TRUNG CƯỜNG
▪ Nỗi đau thầm lặng của người nữ pháo binh (18/09/2008)
▪ Chuyện của người đàn bà có 'ết' (18/09/2008)
▪ Chuyện của người đàn bà có "ết" (17/09/2008)
▪ Đội HIV tình nguyện vì ngày mai tươi sáng (17/09/2008)
▪ Tự sự của một cô gái nhiễm HIV (16/09/2008)
▪ Đâu chỉ là Cổ Tích ... (10/09/2008)
▪ Đảo cai nghiện giữa lòng hồ Thác Bà - Bài 2 (04/09/2008)
▪ Đảo cai nghiện giữa lòng hồ Thác Bà (04/09/2008)
▪ Cuộc đời sóng gió của cô gái nhiễm HIV (29/08/2008)
▪ Lời khẩn cầu của một người mẹ (23/08/2008)