Cô bé nhiễm chất độc da cam muốn đến trường
Các Website khác - 17/11/2008
Di chứng chất độc da cam từ người cha đã để lại cho em một thân thể không lành lặn với đôi chân bị bại liệt teo tóp và không nói được. Vậy mà nhờ người thầy là anh ruột, em đã biết viết và làm toán thành thạo.

Mặc dù chưa một ngày được đi học nhưng với trí óc minh mẫn cùng với nghị lực và sự dạy dỗ của người anh ruột, em Ngô Thị Tâm (15 tuổi) ở thôn Diên Điền, xã Tịnh Hòa, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đã biết viết và làm toán thành thạo. Em rất ham học và luôn ước mơ được đến trường như nhiều bạn đồng trang lứa.

Hoàn cảnh khốn khó

 
Mong muốn đưa trẻ bị nhiễm chất độc da cam tới trường đã được nhiều tổ chức cố gắng thực hiện. Ảnh minh họa

Không may mắn như các bạn cùng trang lứa, năm nay 15 tuổi, nhưng em Ngô Thị Tâm chỉ như cô bé lên 10, chỉ có gương mặt xinh xắn và đôi mắt trong sáng, toát lên vẻ thông minh và lanh lợi.

Cha của Tâm là ông Ngô A, ông từng là thanh niên xung phong, tham gia dân công hoả tuyến chiến đấu ở chiến trường huyện Sơn Tịnh và Tư Nghĩa, nơi mà giặc Mỹ đã rải xuống chất độc hoá học dioxin. Chính trong thời gian này, ông đã nhiễm phải chất độc da cam mà không hay biết. Kết thúc chiến tranh trở về, ông luôn bị bệnh động kinh hành hạ do nhiễm chất độc hóa học mỗi khi trái gió trở trời. Và Tâm cùng một người em đã bị ảnh hưởng bởi di chứng chất độc da cam từ người cha truyền lại.

Năm 1997, một lần trên đường chèo ghe đi làm về cùng con trai, ông đã bị ngã sông chết khi lên cơn động kinh.

Từ khi chồng mất, bà Võ Thị Lại một mình tảo tần sớm hôm nuôi 4 anh chị em Tâm cùng với bà ngoại đã cao tuổi. Nhà chỉ có 3 sào ruộng khoán lại không có nghề phụ, cuộc sống gia đình đã khó khăn lại càng thêm chồng chất khó khăn. Do hoàn cảnh quá khốn khó, bà Lại cùng người con gái đầu dẫn em Ngô Văn Tính cũng bị tật nguyền vào thành phố Hồ Chí Minh kiếm kế mưu sinh bằng đủ thứ nghề. Bà làm công nhân may, bán kim chỉ, bán vé số và báo dạo, rong ruổi suốt ngày để tích cóp gửi tiền về cho anh em Tâm.

Em Ngô Đình Vinh (22 tuổi) - anh trai của Tâm cho biết: em chỉ học đến lớp 7 thôi, vì nhà nghèo phải nghỉ học giữa chừng để ở nhà phụ bà ngoại làm ruộng và hằng ngày tranh thủ kiếm việc làm thêm giúp mẹ chăm sóc em Tâm những ngày gian khó.

Ước mơ đến trường

Tật nguyền là vậy nhưng em Tâm tỏ ra rất thích học và khát khao được đến trường. Em Ngô Đình Vinh kể: Tâm thích được đi học lắm. Chiều nào em cũng ngồi trong nhà nhìn ra đầu ngõ xem những đứa trẻ ở trong xóm tung tăng vui đùa trên đường đi học về.

Thương em gái, Vinh không chỉ thay vai trò người cha, người mẹ chăm sóc Tâm từ những việc nhỏ nhất mà còn là người thầy dạy em gái mình biết cái chữ. Những lúc rảnh rỗi, Vinh dạy em nhận biết mặt chữ cái, ghép vần, rồi tập viết trong sách Tiếng Việt ở bậc Tiểu học, dạy làm toán cho Tâm đỡ buồn tủi.

Nhưng bất ngờ Tâm lại rất thích thú, học rất nhanh và chăm chỉ. Với nghị lực cùng sự dạy dỗ của người anh, hiện nay Tâm đã viết được nhiều bài thơ trong các cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt từ lớp 1-3 và làm thành thạo các phép toán cộng, trừ...

Dù không nói được nhưng Tâm nhớ như in những bài thơ mà mình yêu thích khi viết ra vở tập. Lật giở xem một cuốn vở dày trăm trang, Tâm đã viết những bài thơ mà em yêu thích với nét chữ rất đẹp, rõ ràng và sạch sẽ không thua kém gì những bạn cùng trang lứa. Nhìn em với đôi tay còn nguyên vẹn cặm cụi viết lên quyển vở được kê lên đầu gối đã bị teo tóp do di chứng của chất độc màu da cam để lại mới thấy nghị lực và khát khao được học tập của em.

Vinh tâm sự: Thương em lắm nhưng do hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, lại bị tật nguyền và không nói được, ước mơ đến trường đối với Tâm khó thành hiện thực.

Di chứng chất độc da cam đã để lại cho em Ngô Thị Tâm một tuổi thơ bất hạnh, một thân thể không lành lặn, nhưng em vẫn có một ước mơ đẹp- một ngày nào đó được đến trường để có tương lai tươi sáng.

Thiết nghĩ cấp có thẩm quyền, các đoàn thể xã hội, nhất là ngành giáo dục huyện Sơn Tịnh và tỉnh Quảng Ngãi quan tâm tạo điều kiện cho em Ngô Thị Tâm thực hiện ước mơ được đến trường để học cái chữ.

Theo TTXVN