Nơi công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS được quan tâm
Các Website khác - 12/11/2008

"Chúng cháu rất mừng là nhờ có báo, đài tuyên truyền hộ mà những người nhiễm HIV như chúng cháu vẫn còn có ích cho cộng đồng, vẫn được chia sẻ, cảm thông..."-Một bệnh nhân HIV tại Tân Châu, An Giang-

Từ con số đáng lo ngại...

Theo số liệu của Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS và Lao tỉnh An Giang thì, từ năm 1993, An Giang đã phát hiện 93 trường hợp nhiễm HIV/AIDS; bình quân mỗi năm kể từ 2002 đến nay, con số những ca nhiễm HIV/AIDS phát hiện mỗi năm là khoảng trên 1000 ca. Tính đến ngày 31/12/2007, tổng số các trường hợp nhiễm HIV/AIDS/ tử vong/luỹ tích từ năm 1993 đến nay được báo cáo trong toàn tỉnh An Giang là 6659 người nhiễm HIV, trong đó có 4380 trường hợp đã chuyển sang AIDS và 3535 trường hợp tử vong. Từ đầu năm 2007 đến 31/12/2007, toàn tỉnh phát hiện 1067 trường hợp nhiễm HIV mới, 412 bệnh nhân AIDS và 245 trường hợp tử vong. So với năm 2006, tỷ lệ các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện năm 2007 tăng 18,03%; số bệnh nhân AIDS được phát hiện giảm 26,82% và số trường hợp tử vong giảm 36,19%. Tính cả 5 tháng đầu năm 2008, đến nay An Giang đã phát hiện tổng số 7090 trường hợp nhiễm HIV tích luỹ, trong đó có 4511 ca chuyển sang AIDS và 3665 trường hợp tử vong do AIDS. 100% số quận, huyện và 98,73% xã, phường của tỉnh đều phát hiện người nhiễm HIV/AIDS. Điều đáng chú ý là phụ nữ nhiễm HIV/AIDS chiếm tới 34,49%, trong khi tỷ lệ này trong phạm vi cả nước là 17,51%. Tình hình diễn biến của dịch bệnh tại An Giang vẫn đáng lo ngại.

Nhìn thực trạng đội ngũ cán bộ y tế chuyên trách công tác phòng, chống HIV/AIDS tỉnh An Giang cho thấy, lực lượng chính thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn còn mỏng, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho khám, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị...còn thiếu, là những bất cập trong công tác này ở An Giang : tuyến tỉnh có 9 cán bộ, tuyến huyện có 11 cán bộ( mỗi huyện, thị có 01 chuyên trách nằm tại Khoa Kiểm soát dịch bệnh của Trung tâm Y tế dự phòng huyện) và tuyến xã, phường có 154 cán bộ phụ trách kiêm nhiệm( mỗi trạm 01 người). Ngoài ra, tham gia cộng tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn cả tỉnh có 139 đồng đẳng viên mại dâm; 32 đồng đẳng viên ma tuý; 14 cán bộ tiếp cận cộng đồng ma tuý; 32 người nhiễm HIV; 220 cộng tác viên HIV và 07 giáo dục viên sức khoẻ.

Thế nhưng, sau chuyến công tác tại An Giang, làm việc với một số cấp uỷ và đặc biệt gặp được nhiều nhóm bạn bị nhiễm HIV, được thấy rất nhiều hoàn cảnh éo le, được nghe rất nhiều tâm sự, tỏ bầy của những người trong cuộc - từ những người làm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống HIV/AIDS, những người tham gia ở nhiêù ngành, nhiều giới, cả những người hiện đang mang "cái chết từ từ" trong cơ thể, hàng ngày phải vật lộn với cuộc mưu sinh để tồn tại, để hy vọng, mong được cảm thông, chia sẻ từ cộng đồng, xã hội - chúng tôi vẫn ghi nhận một điều, rằng An Giang đã và đang cố gắng nhiều trong việc ứng phó với HIV/AIDS trên địa bàn, trong đó có công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS tại các địa bàn vẫn được chú ý quan tâm đầu tư.

Không thể buông "cái gậy truyền thông" của mình !

Đó là quyết tâm không chỉ của lãnh đạo tỉnh An Giang! Đó còn là tiếng nói đồng thuận từ các diễn đàn, là sự ủng hộ của nhiều ngành, nhiều giới, nhiều tổ chức chính trị- xã hội trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS, trong đó có giới truyền thông; rất nhiều cá nhân, cả những bệnh nhân HIV/AIDS đang cùng chung tay trong cuộc đấu tranh với HIV/AIDS.

Do đặc điểm địa lý gần biên giới CPC, là đầu mối giao thương với nhiều địa phương nên kinh tế, xã hội trên địa bàn khá phát triển, An Giang trở thành một địa bàn nhạy cảm, điều kiện thuận lợi cho các TNXH phát triển, là con đường cho HIV xâm nhập. Những năm gần đây, các cấp lãnh đạo tỉnh đã luôn coi nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của An Giang về mọi mặt. Thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là Luật phòng, chống HIV/AIDS, Chỉ thị 54-CP/TW của Ban Bí thư, Nghị định 108/ 2007/ NĐ-CP của Chính phủ, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh An Giang đã triển khai trong toàn tỉnh các Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị về tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS và Kế hoạch hành động của tỉnh trong công tác này mỗi năm và từ nay đến năm 2010. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, lãnh đạo An Giang xác định rõ vai trò quan trọng của công tác phòng, chống HIV/AIDS trong sự phát triển chung toàn tỉnh, đặc biệt thời kỳ CNH, HĐH đất nước, An Giang luôn thực hiện nghiêm việc sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm công tác tại các địa bàn, phát hiện những phát sinh mới và giải quyết dứt điểm. Đặc biệt, nhấn mạnh công tác thông tin- giáo dục- truyền thông thay đổi hành vi trong phòng, chống HIV/AIDS, coi đây là việc hàng ngày, hàng giờ; các tiếp cận khám và điều trị STI, ARV và Lao. Tỉnh thường xuyên phát văn bản hướng dẫn, nhắc nhở các cơ sở huyện, thị thực hiện công tác chuyên môn kỹ thuật theo đúng hướng dẫn của TW; giám sát và đánh giá thường xuyên các hoạt động tại tuyến cơ sở.

Trong công tác thông tin- giáo dục- truyền thông thay đổi hành vi, các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội đã vận dụng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thu hút các lực lượng trên địa bàn cùng tham gia. Các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí trong đó truyền hình đã tỏ rõ thế mạnh nhanh và hiệu quả tác động trực tiếp đến người xem;  nhiều hình thức được sử dụng đồng bộ như toạ đàm trên truyền hình, những spot truyền hình gây ấn tượng 96 lần/48 phút, quảng cáo 216/1080 phút với chủ đề phòng, chống HIV/AIDS; phát trên đài truyền thanh huyện, xã với thời lượng lớn ; chiếu băng video, đĩa hình, cassette 3.488 lần/58.905 phút; tuyên truyền lưu động  872 buổi; tổ chức 100 buổi  biểu diễn văn hoá văn nghệ; làm 1.311 cái pano-banrol, tổ chức 166 buổi mit tinh nhân ngày Thế giới phòng, chống AIDS, tổ chức thi tìm hiểu HIV/AIDS với 63.294 bài dự thi...Hệ thống báo in tại địa phương đã mở chuyên trang, chuyên mục truyền thông những kiến thức liên quan đến HIV/AIDS, thông tin thường xuyên tình hình diễn biến dịch và cách phòng tránh...

Các lực lượng làm công tác truyền thông đã sử dụng nhiều hình thức: Tập trung truyền thông trực tiếp tới các đối tượng: người nghiện chích ma tuý(NCMT), người bán dâm, tiếp viên nhà hàng, khách sạn, nhà trọ, quan hệ tình dục, quan hệ đồng giới, người nhiễm HIV, thành viên gia đình người nhiễm HIV, phụ nữ có thai, người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục và các đối tượng khác...Các cơ quan chức năng đã in ấn và phân phối hàng trăm ngàn tờ rơi, tranh lật, tranh tư vấn, sách mỏng, bản tin, băng đĩa hình, băng cassette, pano áp phích...và các tài liệu khác về chủ đề HIV/AIDS tại nhiều địa điểm đầu mối giao thông quan trọng, khu đông dân cư, tụ điểm đông người ...Chính vì vậy, nhiều đối tượng đã chủ động tới khám và xét nghiệm tại các cơ sở y tế, nhận thức người dân và cộng đồng về HIV/AIDS được nâng cao hơn những năm trước đây.     

Bên cạnh đó, các Chương trình can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV như phát bao cao su miễn phí, bơm kim tiêm sạch, tiếp thị xã hội bao cao su đã được quan tâm thực hiện. Đáng chú ý, hàng ngàn các đối tượng được tham gia gồm: nghiện chích ma tuý, người bán dâm được quản lý, người quan hệ tình dục đồng giới nam quản lý được, đồng đẳng viên cho các nhóm trên, nhân viên tiếp cận cộng đồng cho các nhóm này. Tổng số bao cao su đã cấp và tiếp thị đạt 553.441 chiếc. Chương trình tư vấn, chăm sóc và hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, tư vấn xét nghiệm tự nguyện, tiếp cận điều trị HIV/AIDS, chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, an toàn truyền máu, xét nghiệm sàng lọc HIV...đã có nền nếp, theo đúng quy định của ngành Y tế. Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hiến máu toàn tỉnh được 7937 người tham gia.  Trong chương trình tăng cường năng lực cán bộ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ( có sự tài trợ của UNDP và Sida ) đã tổ chức tập huấn 16 lớp phổ biến Chỉ thị 54/CT-TW và Chương trình hành động số 02 của Tỉnh ủy với với hơn 3000 người tham gia. HĐND tỉnh tổ chức tập huấn 03 buổi về Luật phòng, chống HIV/AIDS và tuyên truyền về dinh dưỡng cho gần 200 người dự. Trung tâm phòng, chống AIDS An Giang tập huấn 36 lớp cho 279 cán bộ y tế, 520 cán bộ các ban, ngành, 426 đối tượng khác. So với một số tỉnh khác trong khu vực, An Giang có thuận lợi hơn bởi có được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong công tác phòng, chống HIV/AIDS như tổ chức Sức khỏe gia đìnhQuốc tế(FHI), tổ chức Pathfinder International với việc chăm sóc tại nhà cho người nhiễm HIV/AIDS, tham gia Dự án 40232 của Ban TGTW do UNDP và Sida tài trợ. Nguồn lự cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của An Giang được bảo đảm từ nguồn ngân sách TW, ngân sách địa phương và nguồn tài trợ từ các dự án hợp tác quốc tế. So với năm 2006, nguồn kinh phí của TW năm 2007 tăng 1,95 lần, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh tăng 4,2 lần, chủ yếu tăng cường công tác thông tin- giáo dục- truyền thông cho Sở, Ban, ngành, MTTQ, đoàn thể CT-XH và lực lượng báo chí tại địa phương.

Tiếp tục phấn đấu không nghỉ...

Nhìn lai công tác phòng, chống HIV/AIDS của An Giang thời gian vừa qua, có thể thấy cần chú ý một điều: dịch ở đây vẫn tập trung ở nhóm có hành vi nguy cơ cao(>5%); nhóm nữ nghiện chích ma túy nhiễm cao( 30,43%) và chuyển sang hoạt động mại dâm. Đây là hình thái mới mà một số nước trong khu vực như CPC, Thái Lan không có; tuy nhiên phải khẳng định rằng, số phát hiện nhiễm HIV/AIDS và tử vong đã bắt đầu giảm. Việc tiếp cận điều trị ARV và nhiễm trùng cơ hội đem lại niềm tin cho bệnh nhân, làm giảm đi mặc cảm của họ, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử, ngày càng có nhiều người đến các phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện để tìm hiểu bệnh của mình. Công tác giảm hại đã được sự ủng hộ của các Ban, ngành sau khi có Chương trình hành động của Tỉnh uỷ và hướng dẫn của Ban TGTU; các nhóm nguy cơ cao ngày càng nhận thức tốt hơn về nguy cơ lây truyền HIV, có chiều hướng thay đổi hành vi tốt hơn, thông qua các chỉ số giám sát trọng điểm hàng năm nhận thấy tỷ lệ nhiễm HIV nhóm đối tượng nghiện chích ma tuý, mại dâm có chiều hướng giảm trong 3 năm liên tục. Đánh giá ban đầu có thể do tác động tích cực từ hoạt động các dự án. Trong truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, công tác phối hơp trong chỉ đạo thực hiện giữa các ban, ngành, đoàn thể MTTQ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội phòng, chống AIDS( hiện mới có An Giang thành lập được và hoạt động tới tận tuyến xã, phường) với ngành Y tế, với hệ thống thông tin đại chúng trên địa bàn khá nhuần, thể hiện tinh thần cộng đồng trách nhiệm. Ở đây cũng cần khẳng định rõ hơn về vai trò không thể thiếu của bản thân các nhóm nhiễm HIV đối với cộng đồng và xã hội. Họ là những tuyên truyên viên đắc lực nhất, dễ thuyết phục nhất đối với những bệnh nhân HIV/AIDS cùng cảnh ngộ; đồng thời là cộng tác viên đắc lực của ngành y tế trong việc làm giảm tác hại của HIV/AIDS thông qua những hoạt động rất phong phú, đa dạng của các CLB. Có một điều lưu ý trong truyền thông PC HIV/AIDS là cần lôi cuốn sự tham gia tích cực của hệ thống doanh nghiệp, công ty tư nhân và các tôn giáo vào các hoạt động PC HIV/AIDS, đa dạng hoá hình thức, biện pháp truyền thông giáo dục thay đổi hành vi, chú trọng truyền thông trực tiếp tạo hiệu quả tích cực.

An Giang  mong muốn Bộ Y tế quan tâm đào tạo, đào tạo lại, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh; đầu tư trang thiết bị cho công tác giám sát, theo dõi, đánh giá chương trình; ổn định đội ngũ làm công tác này vì cuộc đấu tranh với HIV/AIDS vẫn còn tiếp tục.

Ths. Thu Hiền