Mỗi người một hoàn cảnh xuất thân, song 1.556 học viên của Trung tâm giáo dục lao động xã hội số 5 (Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội) đều từng trải qua những cơn vật vã đói thuốc, gia đình kiệt quệ, ly tán vì ma túy. Họ đến đây với quyết tâm hoàn lương, nhưng con đường trở về còn rất mù mịt.
Đến hôm nay, sau 15 năm làm bạn với ma tuý, Đức (đề nghị được đổi tên), sinh năm 1961, ở phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội, vẫn không tin mình lại bị tụt dốc thảm hại. Sinh trưởng trong gia đình nề nếp, có truyền thống cách mạng, anh chị em đều giữ vị trí quan trọng trong xã hội, bản thân là giáo viên rất am hiểu luật pháp cũng như tác hại của ma tuý, nhưng Đức vẫn nghiện. "Trong 1001 lý do dẫn đến ma tuý thì lý do của tôi là vớ vẩn nhất và cũng buồn cười nhất", giọng Đức trở nên xót xa, đôi môi mỏng và thâm kịt nở một nụ cười buồn.
Đức bảo mình vốn thích nhậu, cứ ngoài giờ lên lớp là anh và bạn bè có mặt ở quán bia uống tới say xỉn, quên cả xe máy. Như thường lệ, một buổi trưa cuối năm 1987, Đức nhậu say mèm, trong khi buổi chiều phải tiếp ông khách người Nga. Không thể để mất thể diện với bạn bè quốc tế, Đức luống cuống tìm cách tỉnh rượu nhanh. Một anh bạn đã giúp Đức bằng cách chở thẳng đến ngõ Trung Tiền, đường Khâm Thiên, hút một cặp thuốc phiện. Và rồi sau đó, "ngựa quen đường cũ", người bạn đó đã dẫn dắt anh đến con đường nghiện ngập lúc nào không hay.
![]() |
Thể thao giúp học viên quên đi ma tuý. |
Lý do nghiện của "ông lão" Việt (ở phường Thạch Bàn, quận Long Biên) lại khác. Mới 46 tuổi, nhưng trông ông như gần 70, tóc bạc trắng, da đen sạm, nhăn nheo với vô số vết chân chim nơi khóe mắt. Trong lần chăm sóc bố nằm ở Bệnh viện Xanh Pôn, không có chỗ ngủ phải vạ vật ở hành lang, ghế đá, ông Việt được một nhóm người bán hàng rong quanh đó mời hút miễn phí heroin. Hơn 1 tháng trông bố, đưa cụ về nhà cũng là lúc ông phát hiện ra mình mắc nghiện nặng.
Hà Nội hiện có gần 16.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó có 2.500 đang ở trong các trại giam của công an. 5 trung tâm giáo dục lao động xã hội đang cai tập trung cho 6.700 người. Tỷ lệ tái nghiện, theo ông Nguyễn Vi Hùng, là 60% sau năm thứ nhất học viên trở về cộng đồng, 65% năm thứ hai. Còn năm thứ ba, tư và năm chưa thống kê được, nhưng chắc chắn tỷ lệ này rất cao. Theo ông Hùng, phải 5 năm liên tục các lý với tuý thì mới có thể yên tâm, tạm gọi là cai thành công. |
Còn ông Dũng, chủ cơ sở sản xuất săm lốp ôtô ở phường Thổ Quan, quận Đống Đa, Hà Nội, lại tìm đến bàn đèn thuốc phiện để giải sầu sau khi công việc làm ăn thua lỗ. Thấy bố cả ngày vật vờ với nàng tiên nâu, 4 đứa con của ông mặc cảm với bạn bè, đứa thứ hai tên Minh từng tuyên bố: "Nếu bố không cai thì con trai không dám lấy vợ, con gái không dám lấy chồng". Nhưng rồi đi bộ đội về, không việc làm, chán cảnh bố mẹ bỏ nhau, kinh tế gia đình kiệt quệ, Minh "noi gương" bố, thậm chí hơn hẳn bố là chơi heroin để đạt được cảm giác phê tức thì.
Trượt dốc
Thời những năm 1990, một điếu thuốc phiện chỉ 1.000-1.200 đồng, nên Đức cho rằng với tiền lương và các khoản thu nhập "lậu", anh có thể hút cả đời không hết, mà không hiểu nhu cầu dùng thuốc liên tục tăng. "Tôi cứ đưa cho chủ bàn đèn 100 USD thì hút khoảng 5 ngày là hết tiền. Ngày nhiều có thể dùng 200 điếu thuốc mà thấy vẫn không đủ", Đức kể. Khi biết mình đã nghiện nặng, Đức quyết tâm đi cai. Nói dối cơ quan vì nhà có việc, về nhà lại dối vợ là đi công tác, Đức dành hẳn một tuần đi cai tại nhà một lương y. Sau một tuần, ra khỏi nhà thày, anh dông thẳng đến bàn đèn, và sau này thì chuyển từ thuốc phiện sang "kết bạn" với heroin vì "nó tiện hơn".
Cuộc sống của Đức cũng trượt dần theo khói thuốc, từ một giảng viên ngành kiểm sát, rồi bị buộc thôi việc, chuyển sang Cục Hàng hải Việt Nam và đến năm 2000 thì nghỉ hẳn. Có ngày, Đức hít tới 1 triệu đồng tiền thuốc, của cải gia đình vì thế thay nhau đội nón ra đi. Chị vợ là bác sĩ cũng quyết định chia tay sau nhiều năm khuyên bảo chồng không thành. Tiền hết, tình tan, Đức lang thang vật vờ. Nhiều đêm không tiền, đành chích sái thuốc. Năm 2004 thì anh bị đưa đi cai nghiện bắt buộc tại trung tâm 5. Nhắc đến con trai 15 tuổi, đôi mắt Đức chợt đỏ hoe, giọng lạc đi: "Nó cao to, đẹp trai lắm. Nhưng tôi rất lo, cuộc sống quá phức tạp, bạn bè lôi kéo rủ rê, nó rất dễ nghiện ma tuý".
Còn "ông lão" Việt, nghiện ngập khiến kinh tế gia đình sa sút, ông buộc phải bán 200 m2 đất hương hỏa tổ tiên. Được 1,4 tỷ đồng, ông dành 300 triệu xây nhà, hơn 100 triệu mua sắm đồ dùng, còn lại bao nhiêu nướng hết vào heroin. Ngày cao điểm, ông tiêu 500.000 đồng tiền hút ma túy. Cái chất độc hại ấy đã tàn phá con người ông từ chỗ cao to, nặng đến 70 kg, bây giờ thì khẳng khiu như cây sậy, tóc bạc trắng.
Ông Dũng cũng chung hoàn cảnh như các bạn nghiện. Sau 10 năm vướng vào nàng tiên nâu, tiêu hết cả vốn làm ăn, ông thành thất nghiệp, suốt ngày chỉ hút, ngủ. Hô quyết tâm làm lại cuộc đời, ông đã đi cai ở các cơ sở tư nhân đến 4 lần, nhưng kết quả là liều lượng dùng ma tuý tiếp tục tăng, có ngày sài đến 400.000 đồng. Điều đau lòng nhất của ông Dũng là gia đình đã tan nát, người vợ đệ đơn ly hôn sau gần 40 năm chung sống, con cái mỗi người một nơi. "Nhiều đêm trằn trọc vì nhớ đến vợ con, nhất là thằng thứ hai bị nghiện, thấy xót xa quá. Không biết giờ nó đang say thuốc chỗ nào, có túng quá mà làm càn không", ông Dũng tâm sự.
Gập ghềnh con đường hoàn lương
Đức, ông Việt, ông Dũng đều thuộc diện phải đi cai nghiện bắt buộc và hơn 1 năm nữa mới hết thời gian ở trung tâm. Nhưng khi trả lời câu hỏi của VnExpress liệu sau khi ra khỏi trung tâm có đoạn tuyệt với ma tuý thì cả mấy người cùng nhìn nhau. Ông Dũng rụt rè: "Là thợ khá lành nghề trong sản xuất săm lốp, ra khỏi trại tôi sẽ bắt đầu lại với nghề này. Biết là gian nan lắm, nhưng tôi sẽ cố gắng". Còn ông Việt thở dài, đôi mắt mờ đục trở nên xa xăm: "Quyết tâm thì cố gắng thật đấy, song thực tế có được hay không thì chưa thể nói trước".
Đây cũng là tâm trạng chung của các học viên sau 2 năm cai nghiện. Trở về nhà thường xuyên tiếp xúc với bạn nghiện, bị mời mọc, lại quen lối sống lười lao động nên có đến 95% học viên bị tái nghiện trở lại, vấn đề chỉ là sớm hay muộn. Một số người tích cực hơn, cố gắng đi tìm việc làm, nhưng thường bị từ chối vì chủ cơ sở nghi ngờ khả năng dứt hẳn với ma túy của họ. Hiện ở Hà Nội có 97 câu lạc bộ B93 (mô hình giáo dục, quản lý, tư vấn, giúp đỡ người cai nghiện ma tuý hòa nhập cộng đồng).
Nhưng chỉ một số ít câu lạc bộ hoạt động hiệu quả, được Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội ghi nhận như: ở phường Kim Mã, quận Ba Đình; ở phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên; xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn. Những câu lạc bộ này đã tạo ra một sân chơi bổ ích thu hút người nghiện qua các hoạt động thể thao, dã ngoại, lao động tập thể và đặc biệt là tạo việc làm cho người cai nghiện như sữa chữa, rửa xe máy. Còn lại phần lớn hoạt động rất mờ nhạt, không thu hút được người cai nghiện.
![]() |
Xưởng cơ khí của Trung tâm số 5, xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây. |
Để tìm lối ra cho vấn đề này, ông Nguyễn Vi Hùng, Chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội, cho biết, đang xây dựng đề án tổ chức quản lý dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện, dự kiến triển khai vào năm 2006. Theo đó, sau 2 năm cai tập trung ở trung tâm, học viên nào có sức khoẻ sẽ được động viên ở lại lao động trong các xưởng mộc, cơ khí, may mặc 1-3 năm. Thu nhập của họ sẽ được chuyển vào các sổ tiết kiệm để sau khi ra khỏi trung tâm sẽ có một khoản vốn làm ăn.
Hiện nay trung tâm số 5 đã thí điểm mô hình này và đã tìm được nhiều hợp đồng đóng tàu của một số cơ sở tư nhân. Học viên từ tháng thứ chín, nếu có sức khoẻ sẽ được chuyển sang làm việc tại đây. "Lao động giúp học viên khỏe ra, quên đi ma tuý, lại có thu nhập nên tôi tin rằng đề án sẽ góp phần giảm tỷ lệ người tái nghiện ở Hà Nội", ông Hùng nói.
Như Trang
▪ Mái ấm của những người bị lừa bán sang Trung Quốc (23/06/2005)
▪ Virginia: Quỹ hỗ trợ trẻ em vô gia cư nhiễm HIV (21/06/2005)
▪ Trung Quốc: Dự thảo luật chống phân biệt đối xử với bệnh nhân HIV/AIDS (19/06/2005)
▪ Một cháu bé suýt bị đuổi khỏi làng vì nghi nhiễm HIV (07/06/2005)
▪ Cuộc sống của những em bé nhiễm HIV (04/06/2005)
▪ Triển lãm tranh chống kỳ thị người có HIV/AIDS (04/06/2005)
▪ Người bạn của những bệnh nhân AIDS (23/05/2005)
▪ Con trai tôi (07/05/2005)
▪ B93 - những người bạn (12/04/2005)
▪ Tăng cường hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng (01/04/2005)