Bị nhiễm HIV, song Thu Thủy (9 tuổi) trông xinh xắn, thông minh như bất kỳ đứa trẻ bình thường khác. Những bức tranh của mình, Thuỷ chỉ vẽ về mẹ. Thuỷ nghĩ, mẹ luôn là người thương yêu nhất.
Gương mặt phảng phất nỗi buồn, Thuỷ thu mình một góc, im lặng nhìn các em nhỏ tuổi hơn nô đùa. Môn học yêu thích của Thủy là vẽ, bé có thể ngồi cả ngày cặm cụi bên bức vẽ.
Người mẹ và ngôi nhà là tâm điểm xuất hiện nhiều trong bức tranh của bé bởi cháu luôn nhớ về mẹ. Người mẹ đã bỏ cháu ra đi vì chính căn bệnh HIV oan nghiệt.
Thuỷ ra đời mà không được biết mặt cha. Ngay từ khi lên 7 tuổi, Thuỷ đã phải chăm sóc người mẹ bước vào giai đoạn cuối của HIV/AIDS. Hằng ngày ăn ngủ cùng mẹ, Thuỷ đã bị lây bệnh căn bệnh hiểm nghèo từ lúc nào không hay.
Sau khi mẹ mất, cháu được người bác họ đưa vào mái nhà dành riêng cho trẻ nhiễm HIV. "Cháu chỉ muốn về nhà, về trường học với các bạn", Thuỷ ngân ngấn nước mắt. Nói về ước mơ sau này, em muốn được là bác sĩ để cứu chữa những người bệnh như mẹ và tìm được người cha đã bỏ rơi 2 mẹ con trong vòng khốn khó.
Thuỷ là đứa trẻ lớn nhất trong 18 cháu nhỏ nhiễm HIV bị bỏ rơi và được nuôi dưỡng tại Trung tâm giáo dục lao động số 2 Hà Nội.
Nhỏ nhất là cháu Nguyễn Thị Thanh, mới 2 tháng tuổi. Bé bị bỏ tại Bệnh viện Nhi Thuỵ Điển chỉ sau vài ngày chào đời và được đưa vào Trung tâm. Gương mặt bé xinh xắn, đôi mắt to tròn thơ ngây như bất cứ đứa trẻ nào khác. Thanh là tên bé được các mẹ đặt.
Được các mẹ ở trung tâm nuôi dưỡng song, trong tiềm thức của bọn trẻ, chúng vẫn muốn có cha mẹ và có phản xạ tìm cha. Thậm chí, khi thấy người lạ, chúng cất tiếng gọi "bố" - những tiếng gọi như có từ tâm thức.
Theo chị Nguyễn Thị Minh, cán bộ y tế, các bé được khám bệnh, chăm sóc, học vẽ, múa hát, học chữ theo phương pháp đặc biệt, được phát triển tự nhiên theo khả năng, theo sự tiếp thu của từng cháu. Tuy nhiên, việc chăm sóc được quan tâm hơn cả vì mầm bệnh trong người các cháu có thể phát bất cứ lúc nào, ngay trong lúc chơi cũng có bé đột quỵ
4 năm qua, đã có 8 cháu qua đời tại trung tâm này.
Chị Minh kể, những đứa trẻ đã mất luôn ám ảnh trong đầu, khi hấp hối, chúng chỉ còn da bọc xương. Lúc qua đời, bé gọi tên chị, đòi về nhà với các mẹ. "Khoảng khắc đó rất thương tâm. Biết trước với các cháu cái chết là điều không tránh khỏi, nhưng tôi vẫn mang cảm giác bất lực mỗi khi phải chứng kiến bệnh tật gặm nhấm dần từng đứa trẻ" chị Minh nghẹn ngào nói.
Góc phòng, gương mặt những con trẻ đã ra đi được lưu lại qua những tấm ảnh. Những đôi mắt mở to, ngác ngơ như còn vương câu hỏi làm nhói lòng người lớn: Vì sao con không được sống?
▪ Triển lãm tranh chống kỳ thị người có HIV/AIDS (04/06/2005)
▪ Người bạn của những bệnh nhân AIDS (23/05/2005)
▪ Con trai tôi (07/05/2005)
▪ B93 - những người bạn (12/04/2005)
▪ Tăng cường hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng (01/04/2005)
▪ TNXP “áo trắng” (28/03/2005)
▪ Cứu tinh của người nghiện (28/03/2005)
▪ Người thầy của những phạm nhân AIDS giai đoạn cuối. (24/03/2005)
▪ Ngôi nhà của "ngày mai tươi sáng" (23/03/2005)
▪ Vượt qua nỗi đau, làm lại cuộc đời (20/03/2005)