Đấu tranh vì quyền bình đẳng của LGBT: Nhiều niềm vui, không thiếu nỗi buồn
Báo Tiếng chuông - 21/12/2016
Năm 2016 là năm có nhiều sự kiện nổi bật được coi là những dấu mốc lịch sử trong cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những vụ việc tiêu cực, đau lòng liên quan đến kỳ thị người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT).

Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết về LGBT

 

 

Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết về LGBT

 

 

Ngày 30/6, tại Kỳ họp 32 diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết về Bảo vệ chống lại bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên Xu hướng tính dục và Bản dạng giới. Nghị quyết mới được thông qua là một nỗ lực quan trọng của cộng đồng quốc tế nhằm thiết lập một chuyên gia độc lập về vấn đề bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới. Đây cũng là một bước tiến cần thiết sau Nghị quyết 27/32 vào năm 2014. Từ đó, các thảo luận và cơ hội chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia ngày càng rộng mở, góp phần hữu ích trong việc thúc đẩy quyền của người LGBT trên toàn thế giới.

Phó Tổng thống Mỹ làm chủ hôn đám cưới đồng tính

 

 

 

 

Brian Mosteller và Joe Mahshie, hai nhân viên lâu năm của Nhà Trắng, đã nhờ Phó tổng thống Mỹ Joe Biden làm chủ hôn cho đám cưới của mình diễn ra vào tháng 8. Chia sẻ trên Twitter, Joe Biden đã viết: "Tôi rất tự hào khi làm chủ hôn cho Brian và Joe tại nhà của mình, không thể hạnh phúc hơn. Đây là 2 nhân viên làm việc lâu năm tại Nhà Trắng, hai chàng trai tuyệt vời".

Colombia hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới

 

 

 

 

Tháng 4/2016, Colombia đã trở thành quốc gia thứ 4 ở châu Mỹ Latinh hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Mặc dù các cặp đôi đồng giới trước đó đã có thể đăng ký kết hợp dân sự nhưng luật mới đã mở rộng thêm quyền của họ tương đương với các cặp đôi dị tính.

Tình dục đồng giới được hợp pháp hóa ở Belize và Seychelles

Trên thế giới hiện còn 77 quốc gia tội phạm hóa hành vi quan hệ tình dục đồng giới. Chính vì vậy, hành động lần này của Belize và Seychelles, 2 quốc gia Châu Mỹ có dân số chưa tới 300.000 người, đã chứng minh rằng sự thay đổi lớn nhất luôn có thể hiện hữu ở những nơi nhỏ bé nhất.

Italia thông qua luật kết hợp dân sự

Tháng 5/2016, Italia đã chính thức thông qua luật kết hợp dân sự dành cho các cặp đôi đồng tính và là quốc gia Châu Âu cuối cùng thực hiện. Thủ tướng Matteo Renzi đã phải đấu tranh rất vất vả với sự chống đối từ các chính trị gia bảo thủ cũng như Giáo hội Công giáo. Kết quả, Hạ viện đã thông qua dự luật với 369 phiếu thuận và 193 phiếu chống.

 

 

Vụ nổ súng tại Orlando, Florida, Mỹ

Ngày 12/6 được coi là “Ngày đau buồn” của cộng đồng LGBT tại Mỹ khi một vụ xả súng xảy ra tại câu lạc bộ đồng tính ở thành phố Orlando, bang Florida khiến ít nhất 50 người thiệt mạng và 53 người bị thương. Và thái độ kỳ thị người đồng tính là động cơ cho tội ác man rợn của tay súng. 

 

 

Trong thời khắc đen tối ấy, rất nhiều người LGBT đã cùng xuống đường để phản đối hành vi vô nhân đạo và khẳng định lần nữa sự hiện diện của họ trong xã hội. Đó là chưa tính việc hàng ngàn người đã đến các trung tâm y tế ngay sau đó để hiến máu. Bên cạnh đó, vụ nổ súng cũng khiến cho nhiều người nhận ra cuộc chiến giành quyền bình đẳng cho cộng đồng LGBT vẫn còn rất dài, cho dù là ngay giữa lòng nước Mỹ.

Gia tăng phân biệt đối xử với LGBT tại Indonesia

 

Kể từ đầu năm nay, Chính phủ Indonesia đã banh hành nhiều lệnh cấm với cộng đồng LGBT, khiến cho cuộc sống của nhóm người này trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Đầu năm 2016, Bộ Thông tin Truyền thông Indonesia đã công bố lệnh cấm 80 website và các ứng dụng liên quan đến người LGBT dưới danh nghĩa "bảo vệ trẻ em" và "quản lý nội dung khiêu dâm".

 

Ngày 11/10, hai người đồng tính nam đã bị bắt tại thành phố Manado trên đảo Sulawesi vì đăng ảnh hôn nhau trên mạng xã hội. Mặc dù đồng tính không phải là hành vi bất hợp pháp tại quốc gia Hồi giáo này nhưng cảnh sát vẫn có thể bắt giữ đôi đồng tính nam trên dựa trên luật chống văn hóa phẩm khiêu dâm trên Internet.

 

Tuần trước, Bộ Thể thao và Thanh niên Indonesia đã đăng thông báo tuyển dụng đại sứ thanh niên nhưng cấm người LGBT tham gia.

Thủ tướng Canada đầu tiên tham dự diễu hành đồng tính

 

 

 

 

Tháng 8, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã hòa vào đoàn người tại lễ diễu hành tự hào đồng tính diễn ra ở thành phố Toronto. "Đây là thời khắc mà mọi gia đình, cộng đồng, cư dân thành phố nên cùng bước ra ngoài. Chúng ta ăn mừng sự bình đẳng, vốn là một phần sức mạnh của đất nước chúng ta. Thật tốt khi tôi có mặt ở đây", ông nói.

Malta trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu cấm "chữa bệnh đồng tính"

Mới đây, chính quyền Malta đã ban hành một đạo luật mới liên quan đến cộng đồng LGBT. Theo đó, bất kỳ ai sử dụng các "liệu pháp chữa bệnh đồng tính" sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 1.000 euro và 1 năm tù giam. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp mà hình phạt có thể được thẩm phán địa phương giảm nhẹ.

Đài Loan có thể trở thành nơi đầu tiên tại châu Á hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới

Trong năm nay, Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) cầm quyền đã đưa Luật hôn nhân đồng giới ra Nghị viện sau làn sóng phản đối của công chúng xung quanh cái chết của giáo sư Jacques Picoux - một giáo sư hàng đầu Đài Loan và là người đồng tính. Dự luật này được thông qua bước đầu vào tháng 11 cùng với sự ủng hộ của bà Tsai Ing-wen, Tổng thống Đài Loan. Hiện nay, các cặp đôi đồng tính chưa được hưởng đầy đủ quyền lợi. Luật mới sẽ khắc phục điều này. Không chỉ vậy, những người dị tính cũng được hưởng quyền lợi như những người khác, bao gồm quyền kết hôn, quyền làm cha mẹ và quyền được nhận con nuôi. Theo một cuộc khảo sát vào năm 2015, 71% người dân Đài Loan ủng hộ hôn nhân đồng giới.

 

 

Pháp bỏ yêu cầu triệt sản với người chuyển giới

 

Vào tháng 10, nước Pháp ban hành luật mới cho phép người chuyển giới - cả người trưởng thành và trẻ em - có quyền thay đổi tư cách pháp nhân của mình trước tòa mà không cần triệt sản. Trước đây, thay đổi này yêu cầu người chuyển giới phải trình bằng chứng cho thấy đã triệt sản vĩnh viễn.