Khoảng lặng buồn ở Hòa An
Báo Tiếng chuông - 23/12/2016
“Tôi chấp nhận làm mọi việc, chấp nhận để dư luận đàm tiếm. Miễn sao con tôi được đi học như bao đứa trẻ khác”.

Mò cua bắt ốc để nuôi con

Hòa An chiều cuối năm, trời lạnh se sắt nhưng có người phụ nữ áo vẫn đẫm ướt mồ hôi. Chị đang ngồi sắp xếp lại những mảnh ván dăm phơi ra sân. Công việc không quá nặng nhọc nhưng chị chỉ được 50 nghìn một ngày công.

 


Chị Thới đang phơi gỗ-Ảnh:Bình Nguyên

 

Chị tâm sự, mấy ngày trước chị vào rừng kiếm củi, rồi đạp xe đi bán nhưng không đủ trang trải. Con chị đang học lớp một, cần nhiều khoản phí. Hiện tại, hai mẹ con, cứ kiếm được gì ăn nấy. Đi làm về, chị tranh thủ ra suối mò tôm cá, kiếm thêm rau ở bìa rừng.

Đã từng được trực tiếp lắng nghe nhiều câu chuyện từ người có H, nhưng tôi chưa thấy ai có hoàn cảnh đáng thương và vất vả như chị Hà Thị Thời (SN 1968) ở Hòa An, Cao Bằng. Ăn uống thiếu thốn, cùng với tác dụng phụ của ARV, mới ngoài 40 nhưng cuộc sống cơ cực khiến người phụ nữ trước mặt tôi trông già dặn hơn chục tuổi.

Chị kể, thời con gái vô tư, cũng có nhiều anh trai bản để ý nhưng lòng chị chỉ hướng về một người con trai duy nhất. Anh không bảnh bao, lãng mạn nhưng dành cho chị những tình cảm chân thành, tự nhiên. Một đám cưới giản dị được tổ chức với sự chúc phúc của hai họ. Cuộc sống gắn bó với nương rẫy nhưng ngôi nhà nhỏ luôn ngập tràn tiếng cười. Năm 2003, hạnh phúc nhân đôi khi anh chị đón cậu con trai đầu lòng trong bệnh viên. Chị thầm cám ơn may mắn mà trời đất cho mình. Hạnh phúc vẹn trò, viên mãn.

Tin dữ ở bệnh viện

Sau ngày chị sinh con, chồng chị bắt đầu có biểu hiện thất thường. Cái bụng không muốn ăn, cái chân không còn đi rừng được nhiều như trước. Nhiều đêm chị ôm đứa con đang thiu thiu ngủ, ngồi bên đống lửa trắng đêm chờ chồng. Anh về, đôi mắt vô hồn, cơ thể rệu rã. Những lời nói dối, lấp liếm ngày càng kéo anh đi xa mái ấm gia đình. Cũng trong thời gian này, một căn bệnh lạ khiến nhiều trai bản qua đời. Cả làng chìm trong tang tóc. Người già lo lắng. Phụ nữ sợ hãi. Mùa lúa chín, nương rẫy trắng màu khăn tang. Em chồng chị cũng ra đi vì một căn bệnh không rõ nguyên nhân.

Chị im lặng quan sát. Im lặng theo dõi. Sững người phát hiện ra anh đã nghiện ma túy. Cuối cùng, tin dữ dồn dập kéo đến nhà chị. Năm 2008, anh bị sốt bất ngờ, lở loét hết vùng lưng, sườn.

Hoảng sợ, chị đưa anh đến bà lang trong làng bốc thuốc nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm. Bệnh ngày càng trầm trọng, chị phải chạy vạy khắp làng mượn tiền đưa anh đi cấp cứu. Hai ngày ở viện trôi qua, dài như hai năm. Chị vẫn chưa nhận được kết luận nào từ phía bác sĩ. Lo lắng, chị tự tìm đến bác sĩ. Ông bác sĩ già nhìn chị, đôi mắt buồn bã: Chồng cháu bị Zona thần kinh, sốt virus và nghi ngờ dương tính với HIV.

Bình yên sau cơn bão

Tai chị như ù đi, mọi thứ như lớp sương mù trước mặt. Chị giận chồng lắm, nhưng tình yêu mạnh hơn mọi lý luận tranh cãi, mạnh hơn vũ khí trong cuộc chiến. Chị không xét hỏi anh nữa, chị im lặng chấp nhận.

Rồi anh cũng tỉnh táo hơn, húp được chút cháo loãng. Anh được xuất viện trở về nhà, vị bác sỹ già một lần nữa lại gặp chị. Vị bác sĩ đến dặn dò: Hai vợ chồng hãy cùng nhau mang con đến địa chỉ bác ghi trên giấy này để làm xét nghiệm nhé… Anh lặng về bản cùng chị, mặt cúi gằm xuống. Đường về làng, dài như một kiếp người. Lên bệnh viện lần nữa, chị như gục hẳn, hai vợ chồng đều dương tính với HIV. Đứa nhỏ ngơ ngác, ôm chặt mẹ gào thét khi thấy mẹ nó run rẩy nấc lên từng hồi. Ngôi nhà hạnh phúc giờ đây im ắng, hoang lạnh.

Một tia hy vọng lóe lên, con trai chị có kết quả âm tính. Gom hết số tiền trong nhà, chị và anh xuống Thái Nguyên để làm xét nghiệm CD4 (Cao Bằng năm đó chưa có máy đếm tế bào CD4). Anh có kết quả là 228TB còn chị là 225TB, cần được điều trị lập tức. Tháng 6 năm đó, anh nhập viện trong tình trạng nguy kịch, ho, nôn ra máu , khó thở. Kết quả xét nghiệm nhanh cho thấy anh bị tràn dịch màng phổi do lao. Cộng thêm tác dụng phụ thời kỳ đầu tiếp cận ARV, anh kiệt sức. Không một lời nhắn nhủ, anh bỏ lại chị và đứa con thơ. Anh ra đi trong một cơn đau vật vã. Bỏ lại những suy nghĩ bộn bề. Những viên ARV uống dở cùng bao bộn bề suy nghĩ.

Lo yên ổn mồ mả cho chồng, chị vội vã lao vào cuộc mưu sinh để lo miếng cơm manh áo cho con. Trước đây, chị sống trong một căn nhà cấp bốn ở rất xa trung tâm xã. Điện không có, con chị phải học bằng đèn dầu. Đường đến trường xa xôi, hiểm trở. Chị quyết định chuyển về ở cùng bố chồng để tạo điều kiện cho con học hành. Chị tâm sự, chị sẵn sàng cắn răng chịu đựng mọi tủi nhục miễn sao con trai chị được tới trường như bao đứa trẻ khác.