Mới đây các chuyên gia của LHQ đã cảnh báo Trung Quốc về thực trạng nước này không nắm được số lượng trẻ em nhiễm HIV trong thực tế là bao nhiêu trong khi họ khẳng định, con số đó lớn hơn ước tính rất nhiều.
Từ thực tế ấy, các chuyên gia kêu gọi Trung Quốc hãy có một kế hoạch hành động gấp gáp và mạnh mẽ hơn trong công tác phòng chống HIV/AIDS, giúp đỡ những trẻ em phải chịu đựng những tác động mạnh mẽ của đại dịch này.
Tại hội thảo "Chăm sóc trẻ chịu sự tác động của HIV/AIDS" do UNICEF tổ chức, ông Peter McDermott, chủ nhiệm tiểu ban HIV/AIDS quỹ UNICEF cho rằng: "Chúng ta cần một cấp độ phân tích thực trạng này ở phạm vi nhỏ hơn cấp quốc gia tốt hơn, và điều này cần phải được tiến hành tại Trung Quốc".
Theo ước tính, ở Trung Quốc có khoảng 76,000 trẻ em mồ côi do hậu quả để lại của đại dịch thế kỷ, những em này có thể đã có bố hay mẹ hoặc cả hai chết bởi AIDS. Nhưng đây lại chỉ là những con số thống kê năm 2001, còn con số thực tiễn hiện nay vẫn chưa có. Người ta tin rằng, con số được ước tính đó là không chính xác.
Theo các chuyên gia, việc tìm kiếm xem có tất cả bao nhiêu trẻ em nhiễm bệnh là một vấn đề hết sức quan trọng bởi có rất nhiều em sống rải rác ở các vùng quê Trung Quốc đã nhiễm phải những căn bệnh chết người.
Ông McDermott cho rằng: "Trừ khi ta nắm được con số cụ thể có bao nhiêu đứa trẻ bị ốm, bị mồ côi và bị nhiễm HIV ngay từ khi sinh ra, nếu không thì mọi cố gắng của chúng ta sẽ vẫn là chưa đủ. Rõ ràng, đó là vấn đề mang tính khẩn cấp. Chúng ta cần phải dành thời gian, kể cả từ năm này sang năm khác để có thể triển khai những chính sách, những chương trình phòng chống và kiểm soát…".
Ông Gui Xien, bác sĩ người Trung Quốc đã từng tình nguyện tham gia điều trị cho những bệnh nhân nhiễm HIV do bán máu tại các làng ở miền trung Trung Quốc cho biết, kinh nghiệm làm việc đã khiến ông nhận ra rằng, hầu hết những trẻ nhiễm bệnh vẫn chưa được phát hiện. Ông nói: "Chúng ta thực sự cần phải chú ý hơn tới vấn đề này".
Ông cũng cho biết, có những trẻ nhiễm HIV từ chính mẹ chúng trong lúc mang thai và những số phận bất hạnh đó thực sự cần được trợ giúp về mặt y tế. Đó là còn chưa kể có những em bị hắt hủi khỏi trường học hay các trại trẻ mồ côi do nạn phân biệt đối xử vẫn còn ăn sâu trong tâm lý và cách thức hành xử của người dân Trung Quốc.
Tất nhiên, chính phủ Trung Quốc cũng đã có chính sách cấp phát miễn phí tiền thuốc men và chương trình giáo dục nhưng vẫn còn quá ít những chính sách khác cho bản thân các em nhiễm bệnh và gia đình.
Các chuyên gia LHQ khẳng định, đại dịch thế kỷ không chỉ tác động đến mặt sức khoẻ của các em nhỏ mà còn tác động lên nhiều khía cạnh khác trong đời sống của các em.
Ông Christian Voumard, đại diện của UNICEF tại Trung Quốc phát biểu tại diễn đàn: "Không chỉ riêng căn bệnh huỷ hoại cơ thể các em, mà chính những mất mát về tình cảm cũng tàn phá tâm hồn trẻ thơ khi chúng phải chịu đựng sự ghẻ lạnh, coi thường và lâm vào trạng thái tuyệt vọng".
Người ta hy vọng rằng, sau lần hội thảo này, Trung Quốc sẽ có thêm những chiến dịch và kế hoạch hành động để hỗ trợ tốt hơn nữa cho những em nhỏ bất hạnh, nạn nhân của đại dịch thế kỷ tại đất nước hơn một tỉ dân này.
Đỗ Dương theo http://news.yahoo.com
▪ Nghị sĩ thứ thiệt (21/07/2005)
▪ 7 cô gái và cuộc chiến chống đại dịch HIV/AIDS (21/07/2005)
▪ Nỗi đau của một phụ nữ bị chẩn đoán nhầm nhiễm HIV (20/07/2005)
▪ McDonald thua kiện vì buộc nguời nhiễm HIV thôi việc (20/07/2005)
▪ Bangladesh: Chống kỳ thị đối xử với người nhiễm HIV (17/07/2005)
▪ Nga: Nhiều kỳ thị đối xử với người nhiễm HIV (17/07/2005)
▪ Ấn Độ: Vi phạm trong bệnh viện phụ sản (05/07/2005)
▪ UNICEF kêu gọi bảo vệ trẻ em trước nguy cơ đại dịch HIV/AIDS (05/07/2005)
▪ Ấn Độ: Tổ chức đám cưới cho cặp vợ chồng nhiễm HIV (04/07/2005)
▪ Thay đổi quan trọng trong điều luật cấp visa cho người tạm trú ở Canada (01/07/2005)