Xinh xắn, thơ ngây, vậy mà các cháu lại bị cha mẹ ruột chối từ. Đau đớn hơn, các cháu phải mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Chính tình yêu thương vô bờ của những người cha, người mẹ ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội (BTXH) tỉnh Bắc Giang đã mang đến mái ấm gia đình, xoa dịu nỗi đau cho những số phận kém may mắn này.
Nỗi đau “2 trong 1”
Trung tâm BTXH tỉnh Bắc Giang nằm khiêm nhường trong một ngõ nhỏ trên đường Giáp Hải, TP Bắc Giang. Khác với vẻ ồn ào bên ngoài, nơi đây lúc nào cũng tĩnh lặng. Đây là ngôi nhà chung của những hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có nhiều trẻ vô thừa nhận lại nhiễm HIV/AIDS.
Dù được giới thiệu trước song chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy các cháu tuổi lên 5, lên 6 song gầy nhỏ như mới lên 3 đang xúm quanh cuốn truyện tranh ê a tập đọc. Đó là Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Thị Giang bị người lớn bỏ ở cổng trung tâm trong một đêm mưa gió hồi đầu năm. Nghiệt ngã thay, các cháu đang phải mang trong mình loại vi rút chết người. Đó là Hoàng Mai Linh, sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhưng chính cháu lại phải trả giá cho những sai lầm mà họ gây nên…
Trò chuyện cùng giám đốc Tá Quang Vĩnh, chúng tôi được biết mỗi cháu đến với trung tâm theo một con đường riêng nhưng có điểm chung là bị cha mẹ từ chối, nhiều cháu bị bỏ rơi khi mới lọt lòng. Trong 5-6 năm trở lại đây, trung tâm đã đón nhận hơn chục cháu nhiễm HIV/AIDS. Hầu hết trẻ sơ sinh bị bỏ rơi có hoàn cảnh hết sức éo le nên bị suy dinh dưỡng. Vì vậy, dù nhân viên của trung tâm rất cố gắng chăm sóc trong điều kiện tốt nhất có thể nhưng do sức đề kháng kém, cuộc sống các cháu không kéo dài được lâu. Hiện tại, trong số 18 trẻ đang được nuôi dưỡng có 3 trường hợp đã xác định dương tính với HIV; số trẻ nhỏ hơn chưa đủ điều kiện làm xét nghiệm nên chưa thể biết cháu nào bị nhiễm bệnh.
Lớn hơn cả là tình thương yêu
Có đến trung tâm, chứng kiến những người cha, người mẹ thứ hai đang nuôi dưỡng, bế ẵm trẻ mắc bệnh AIDS đã vào giai đoạn cuối, mới biết họ không chỉ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ mà đã dành cho các cháu tình yêu thương vô bờ, vì đây là môi trường có nguy cơ cao lây nhiễm căn bệnh mà y học hiện vẫn bó tay. Chị Nguyễn Thị Xuyên, người đã 11 năm gắn bó với công việc của một bảo mẫu chăm sóc trẻ thơ bị chối bỏ, nói: HIV/AIDS chỉ là một trong số những căn bệnh nguy hiểm chưa có thuốc chữa. Tuy nhiên, nếu có kiến thức và áp dụng tốt vào công việc thì không có gì phải lo lắng. Được biết tất cả nhân viên phục vụ tại trung tâm đều được trang bị kiến thức phòng chống lây nhiễm HIV.
Hàng ngày, chị Xuyên xoay như chong chóng cho con ăn, thay rửa rồi giặt giũ… Khi màn đêm buông, người bảo mẫu giàu lòng nhân ái lại vỗ về cho trẻ ngủ. Vất vả là thế nhưng chưa khi nào chị có ý nghĩ rời xa nơi đây. Chị nói: “Lũ trẻ non nớt nào có lỗi gì? Chúng phải chịu quá nhiều thiệt thòi nên bù đắp phần nào cho chúng là tâm nguyện của tất cả những ai ở trung tâm này”.
5 năm qua, chị Hà Thị Cam tình nguyện làm người mẹ thứ hai của những đứa trẻ bị bỏ rơi, trong đó nhiều trẻ nhiễm HIV. Chị tâm sự: “Mỗi khi trung tâm tiếp nhận trẻ nhiễm HIV, bọn mình lại thấy buồn. Nhưng đau lòng hơn là có bé qua đời trên tay mà bất lực, không làm gì được”. Chị nuôi bé Nguyễn Tâm Huyền từ khi mới lọt lòng, được gần 2 năm thì cháu yếu quá, liên tục sốt cao, khó thở, người lở loét. Điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh một thời gian không đỡ, chị “khăn gói quả mướp” đưa cháu ra Bệnh viện Nhi Trung ương chữa chạy hơn chục ngày mà bệnh tình không thuyên giảm. Những đêm bé lên cơn co giật tím tái, chính chị là người ôm ấp vỗ về. Đêm rằm tháng 8, bé ra đi trong vòng tay của chị. “Mỗi lần chứng kiến một bé lìa đời là một lần thấy mất mát như chính người thân của mình ra đi…” - chị
Không ít người biết đến trung tâm trìu mến gọi đây là “mái ấm tình thong”, “nơi hội tụ những tấm lòng nhân ái”. Quả vậy, từ khi trung tâm thành lập và đi vào hoạt động, cán bộ, nhân viên nơi đây không quản ngại nhọc nhằn, vất vả và cả những nguy cơ lây nhiễm HIV để cưu mang, đùm bọc lũ trẻ bằng tình thương và trách nhiệm. Trong số đó không thể không nói đến người chèo lái “con thuyền” trung tâm - giám đốc Tá Quang Vĩnh. Chính tình yêu thương lũ trẻ đã thôi thúc anh vượt khó khăn nhận nhiệm vụ ở đây, ngược xuôi vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ cho các cháu. Bởi thế, trong khi chế độ của mỗi cháu chỉ được 240.000 đồng/tháng, song từ các nguồn huy động được và tiết kiệm chi trong đơn vị, mức ăn của các cháu hiện đã đạt 700.000 - 800.000 đồng. Được biết tiền lương của các bảo mẫu chỉ ở mức 800.000 - 850.000 đồng/người/tháng, riêng những người trực tiếp nuôi dưỡng trẻ nhiễm HIV được nhận thêm 150.000 đồng/tháng. Vậy mà họ - những người như chị Xuyên, chị Cam, chị Dung, chị Bình… vẫn hàng ngày, hàng giờ đối mặt với nguy cơ lây nhiễm HIV, ân cần chăm sóc, xoa dịu nỗi đau để các cháu được hưởng quyền trẻ em, được sống trong tình yêu thương và hy vọng kéo dài cuộc sống.
THU HẰNG
▪ Trung tâm Bảo trợ trẻ em Vũng Tàu : Thầm lặng hy sinh vì những đứa trẻ có HIV (11/08/2009)
▪ Ba điều ước của một cô gái trẻ bị nhiễm HIV (31/07/2009)
▪ Chuyện cổ tích tình yêu của một tướng cướp nhiễm HIV (01/07/2009)
▪ Triển lãm ảnh “ HIV qua góc nhìn của bạn” (08/06/2009)
▪ Nhật ký phóng viên : “Trường của em, bạn của em” (07/06/2009)
▪ Lời trần tình từ thế giới thứ ba (07/05/2009)
▪ Chuyện tình cô gái khiếm thị và chàng trai ung thư (04/05/2009)
▪ Tay đi tìm thế giới, chân đi khắp thế gian (28/04/2009)
▪ Nơi đây ! Cuộc sống vẫn tiếp diễn (17/04/2009)
▪ Hội trại hiến máu tình nguyện (13/04/2009)