Nhật ký phóng viên : “Trường của em, bạn của em”
Các Website khác - 07/06/2009

Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng kể: mới đây khi đến thăm một cơ sở nuôi dưỡng trẻ bị nhiễm HIV có gặp một em bé 9 tuổi đang sống tại đây. Sau một lúc nói chuyện, ông hỏi cháu có mong muốn gì không. Chẳng ngại ngần, em bé nhìn vị phó thủ tướng và nói: điều mong muốn duy nhất của cháu lúc này là được đến trường học chung với các bạn. Ông bảo: nghe mà xót lòng!

Những thiên thần nhỏ có HIV hồn nhiên trong một điệu múa -Ảnh: Q.L.

Tôi gặp hai bà cháu bé K.T. ở huyện Cần Giờ (TP.HCM) khi đến Nhà Thiếu nhi TP.HCM chơi nhân Ngày quốc tế thiếu nhi. Cô bé đã lên 9 nhưng không nhớ hết tên mình. Nhận được món quà là chú thỏ bông cũ do những bạn khác tặng lại trong chương trình “Búp bê dễ thương”, cô bé ôm khư khư như lo bị lấy mất. Căn bệnh AIDS đã lần lượt mang cha mẹ cô bé đi. Cô bé ở với ngoại đã già yếu. Giọng bà cụ buồn buồn: “Hết hè cháu sẽ vô lớp 1. Thôi kệ, ráng cho cháu đến trường để biết không khí đi học như người ta. Chỉ lo bạn bè, phụ huynh của các cháu khác biết bệnh tình con bé...”.

Một cô bé đang sống trong trung tâm nuôi dưỡng trẻ HIV tại TP.HCM cho biết vì đang uống thuốc ARV dành cho người nhiễm HIV nên khi đi học, tới giờ phải uống thuốc bạn bè hỏi uống thuốc gì vậy và em thú thật không biết phải trả lời sao! Chị Kim Định - phó giám đốc Nhà Thiếu nhi TP.HCM - đã phải nói dối rằng “bệnh của con sẽ hết” khi một cô bé đến dự hội trại dành riêng cho những trẻ bị nhiễm HIV cứ đinh ninh “bệnh của con chữa hết mà phải không cô!”. Và một bạn nhỏ nhiễm HIV khác dũng cảm xuất hiện trên truyền hình chỉ để nói một điều thôi: “Em nhớ thầy cô, nhớ các bạn, em không muốn chuyển trường khác vì học trường này em quen rồi, có bạn chơi với em, em muốn được đến trường...”.

Có lẽ đó là ước mơ lớn nhất của nhiều thiên thần nhỏ đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Nỗi đau ấy còn lan sang những bạn nhỏ không hề mang trong mình căn bệnh ấy, mà chỉ là con em của những người, trong những gia đình có người thân nhiễm HIV. Câu chuyện về sự xa lánh, thái độ kỳ thị của cộng đồng xung quanh, của xã hội khiến con đường đến trường của những cuộc đời ấy đã xa lại càng xa. Và đó cũng là lý do để Hội Phòng chống HIV và Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM vào cuộc bằng một chiến dịch truyền thông lớn “Trường của em, bạn của em”.

Dù giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM Huỳnh Công Minh khẳng định chắc chắn trường học luôn mở rộng cửa cho tất cả học sinh, không phân biệt trẻ bình thường hay có HIV, thậm chí còn là sự chuẩn bị tốt nhất các điều kiện chăm sóc y tế trong những trường có học sinh có HIV đang theo học; hay cam kết sẵn sàng đối thoại với bất kỳ ai thắc mắc, từ chối hoặc tìm lý do trì hoãn việc đến trường của những học sinh nhiễm HIV như bao đứa trẻ bình thường của bà Nguyễn Thị Hoài Thu (Hội Phòng chống HIV TP.HCM) thì thực tế tâm lý lo âu, cái nhìn kỳ thị của cộng đồng với những học sinh đang mang bệnh AIDS là khoảng cách không dễ gì thay đổi...

Bao giờ những em bé tuổi học trò của chúng ta nhận được một cái nhìn bao dung hơn của những người xung quanh, một sự sẻ chia thật sự của cộng đồng chứ không chỉ là những kêu gọi, khẩu hiệu tuyên truyền hay một vài chiến dịch truyền thông rầm rộ; để mỗi ngôi trường trở thành “trường của em”, mỗi người bạn trở thành “bạn của em” với những học trò có HIV...

QUỐC LINH