Cô giáo Đinh Thị Thủy |
Dạy những trẻ HIV là “duyên nợ”
Thời gian đầu khi được phân công tới dạy trẻ nhiễm HIV, chị Thủy rất hoang mang. Cô giáo Thủy gặp phải sự phản đối rất nhiều. Lúc bấy giờ, chị Thủy vừa là Đảng viên, tổ trưởng tổ nữ công trong Ban chấp hành Công đoàn, đồng thời là giáo viên giỏi được phụ huynh và học sinh yêu quý nên việc quyết định nhận lớp dạy các cháu “nhiễm HIV” rất khó chấp nhận với gia đình và học sinh của chị Thủy.
Nhưng rồi, những ánh mắt ngây thơ của con trẻ đã níu lòng chị. Chị thấy việc dạy trẻ HIV là cái “duyên nợ” đối với chị. “Lần đầu tiên tôi đến đây, các con nhìn thấy cô giáo đều chạy ra chào đón, ôm chầm lấy và đua nhau hỏi “con thưa cô, bao giờ con được đi học?”. Các con tranh nhau đòi cô giáo ôm và bế. Tình cảm của bọn trẻ dành cho khiến cho tôi bật khóc và có động lực để gắn bó với các con”, chị Thủy nói.
Sau đó, chị Thủy đã kiên trì thuyết phục các thành viên trong gia đình. Bây giờ chị không thấy lo lắng, hooang mang nữa. Thậm chí, những người thân yêu của chị còn cùng chị mang niềm vui và hạnh phúc đến cho các con.
Suốt quá trình dạy học, chị Thủy gặp phải một số khó khăn nhất định. Lý do là bởi, những đứa trẻ ở đây chưa qua một trường lớp mầm non nên nhận thức của con rất chậm do ảnh hưởng của bệnh tật.
Vì thế khi dạy những trẻ này, chị Thủy phải cầm tay giúp các con tô từng nét chữ, con số. Ngoài ra, chị luôn phải linh hoạt trong các tiết học sao cho phù hợp với sự nắm bắt, tâm sinh lý của những học sinh đặc biệt này mà không áp dụng theo chương trình của Bộ Giáo dục & Đào tạo.
“Dạy học cho những trẻ nhiễm HIV cần phải kiên trì, tâm huyết và phải dành rất nhiều thời gian cho các con, chấp nhận hy sinh thời gian đi sớm về muộn. Dạy các con không chỉ đứng trên bục giảng phải xuống tận nơi, ngồi cạnh các con để hướng dẫn, chỉ bảo các con từng li từng tý và liên hệ thực tế con mới hiểu bài được”, chị Thủy tâm sự.
Chị Thủy tâm sự, trẻ ở đây phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Hầu hết các bé không có bố mẹ bên cạnh và thường xuyên đau ốm. Vì vậy mỗi khi thời tiết thay đổi, những đứa trẻ này thường rất dễ mệt mỏi.
Là người theo sát các con hàng ngày, chị rất xúc động khi nghe các con tâm sự nhớ nhà, nhớ gia đình,… Những lúc đó chị Thủy lại cảm thấy thương con nhiều hơn.
“Những lúc các con buồn tôi phải động viên các con. Bởi có thể bố mẹ các con đã chết vì bệnh tật, ông bà già yếu không thể chăm sóc. Các con ở đây được các mẹ nuôi dưỡng và được cô yêu thương”, chị Thủy nói.
Không chỉ động viên các con, chị Thủy còn khơi dậy những ước mớ của các con. Động viên các con cố gắng để hoàn thành ước mơ của mình.
Những món quà từ sáp mầu
Trong quá trình dạy học chị Thủy gặp không ít những sự cố bất ngờ xảy ra. Nhiều người xì xào, kể cả những cán bộ y tế phát thuốc, những ngày đầu thấy cô giảng dạy tại Trung tâm nghĩ cô cũng bị mắc căn bệnh HIV/AIDS. Họ rụt rè khi tiếp xúc với cô. Những lúc như vậy chị chỉ biết lặng im, tiếp tục vì các con và tự dặn lòng rồi mọi người sẽ hiểu.
Nhớ lại lần đầu tiên được trực tiếp gần gũi với các cháu bị nhiễm HIV: “ Cháu thì bị sổ mũi, cháu bị xước khắp người do bị ngứa, cháu lại chảy máu cam...vì sức đề kháng của các cháu rất yếu nên rất nhiều bệnh ngoài da, nhìn vậy lại càng thương. Khi cầm tay các con dạy tập viết, thấy máu dính vào tay mình, tôi đã phát hoảng vì sợ” chị Thủy không khỏi giật mình.
Ban đầu chị Thủy rất hoang mang, sợ rằng mình không để đảm đương nhiệm vụ được lâu. Mỗi lần như vậy, chị Thủy chỉ biết chạy ra máy nước để rửa tay xà phòng cho sạch. Sau đó, chị được các bác sĩ, cán bộ y tế ở Trung tâm dạy cách phòng tránh, cách chăm sóc các con những lúc thay đổi thời tiết. Rồi chị Thủy quen dần với những tình huống và vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình.
Do thiếu thốn tình cảm nên cách thể hiện tình yêu thương của những trẻ nhiễm HIV khác với những trẻ bình thường khác. Khoảng cách giữa cô và trò dường như không còn một làn ranh giới nào. Chúng luôn gọi chị bằng “mẹ Thủy”.
Ngoài giờ học, chúng cứ tíu tít, sà vào lòng chị. Đứa thì hôn tay, đứa thì hít hà hơi ấm từ lồng ngực chị, thèm thuồng như muốn được mẹ bế. Chúng xuýt xoa khen: “Mẹ của con thơm quá”. Mỗi lần như thế, chị lại vuốt ve, chải lại mái tóc đang rối, buộc và tết tóc cho các con.
Vào dịp ngày nhà giáo, giáo viên nào cũng được học trò của mình tặng rất nhiều hoa và quà, nhưng cô Thủy thì khác. Những bông hoa, những món quà, những câu chúc từ học sinh đều được vẽ từ sáp màu. Những nét vẽ nguệch ngoạc, ngây ngô nhưng cũng rất màu mè tươi sáng.
“Với tôi những món quà đó đắt vô cùng, chỉ có tình cảm mới mua được và cũng chỉ có các học trò của tôi mới tạo ra được những ý nghĩa đằng sau món quà vô giá ấy” cô Thủy cho hay.
Không chỉ riêng ngày 20/11, những ngày lễ khác các con cũng đều tặng chị những món quà như vậy, chị vẫn luôn giữ tất cả những món quà ấy như một lời động viên mà không phải người giáo viên nào cũng có được.
Đối với trẻ nhiễm HIV tại Trung tâm, cái Tết của trẻ rất đặc biệt. Chúng tựa cửa lớp học, nhìn ra cổng Trung tâm, mong ngóng được người thân lên thăm. Gặp cô Thủy, chúng lại hồn nhiên bíu lấy tay: “Mẹ ơi! Con chả thấy gia đình đâu?” Lúc đó, vì thương bọn trẻ quá, chị Thủy ôm vội trẻ vào lòng động viên: “Các con yên tâm, mẹ xin các con về nhà mẹ ăn Tết, về nhà mẹ chơi”.
Cứ như vậy, đều đặn mỗi dịp Tết đến hay hè về, chị Thủy lại xin cho những trẻ nhiễm HIV về nhà chị chơi một ngày để trẻ hưởng thế không khí gia đình.
Thanh Trà
Tổng hợp
▪ Người chuyển giới vẫn đang phải sống và làm việc sau ánh sáng (12/04/2018)
▪ Công khai đồng tính với gia đình tại Việt Nam quá khó? (26/03/2018)
▪ Chuyện những đứa con tử tù (07/03/2018)
▪ Sinh kế cho người từng lầm lỡ (05/03/2018)
▪ Không để người nhiễm HIV bị bỏ lại phía sau (31/01/2018)
▪ Chuyện ít biết về người từng là đại ca giang hồ (09/01/2018)
▪ Vượt lên HIV (02/01/2018)
▪ Tăng cường giáo dục pháp luật cho người cai nghiện (29/12/2017)
▪ Dải băng đỏ 2017: “Không kỳ thị và phân biệt đối xử người sống với HIV” (29/11/2017)
▪ Vì cuộc sống tươi đẹp (27/11/2017)