Quán chân gà nướng của 3 cô gái có HIV
Các Website khác - 17/06/2012

Quán không tên nhưng được người dân địa phương ưu ái gọi là quán “ba cô nương”. Ở đó có tình người, có sự cảm thông và cả sự nỗ lực vượt qua số phận của 3 cô gái có HIV tuổi đời còn rất trẻ.

Quán “ba cô nương” nằm bên bờ cầu Thẫm, huyện Vũ Thư, TP. Thái Bình. Chủ quán là 3 cô gái trẻ đều có HIV. Dù biết chủ quán là người có H, người dân địa phương vẫn kéo đến quán nườm nượp hàng đêm. Ở đây không còn chỗ cho sự kỳ thị, người có H hòa nhập vào cộng đồng như bao người bình thường khác.

Quán chân gà nướng của 3 cô gái có HIV
Quán Ba cô nương nườm nượp khách.



Quán chân gà nướng của 3 cô gái có HIV
Ăn uống vui vẻ.



Quán chân gà nướng của 3 cô gái có HIV
Thương chị Th. quạt than vất vả, có người dân đã mang cho chị mượn bộ quạt acquy.



Quán chân gà nướng của 3 cô gái có HIV
Thấy “ba cô nương” đều bận, mọi người sẵn sàng tự phục vụ.

Bác Nguyễn Thị Hiền, một khách hàng của quán cho biết, tất cả mọi người quanh khu vực này đều biết hoàn cảnh của 3 cô gái nên thường xuyên đến quán ăn ủng hộ. Khi được hỏi lý do thường xuyên đến quán, bác Hiền chia sẻ: “Có gì đâu mà sợ, HIV không dễ lây vậy đâu, bằng chứng là tôi ăn suốt có sao đâu. Trước đây mọi người sợ chứ bây giờ ai cũng có hiểu biết nên bình thường hết rồi. Mà ba cô này chăm chỉ, làm sạch sẽ nên rất yên tâm”.

Tình cờ ghé qua quán nhân chuyến công tác từ Hà Nội về Vũ Thư, khi biết chuyện, anh Hải (Hoàng Mai, Hà Nội) khâm phục cách hành xử có văn hóa của người dân nơi đây. Anh chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi thấy người ta cởi mở và chia sẻ với người có H như thế này. Ở ngay Hà Nội thôi, khi nghe người nọ người kia có H, đến người thân của họ cũng rùng mình nói chi đến người xa lạ biết chuyện mà vẫn dám ngồi ăn vui vẻ đồ ăn do người có H làm”.


Quán chân gà nướng của 3 cô gái có HIV
Chị L. – một trong ba cô nương từng đoạt giải Á khôi trong cuộc thi
Dấu cộng duyên dáng (cuộc thi sắc đẹp dành cho người có H trên toàn quốc) năm 2011.


Sống ngày nào có ích ngày đó

Bằng sự nỗ lực vươn lên số phận, ba cô gái trẻ có H đã nhận được sự đồng cảm, sẻ chia của mọi người. Cả ba đều là thành viên cốt cán của CLB Hoa cỏ may – một CLB của người có HIV tỉnh Thái Bình. Cả ba đều là tuyên truyền viên tích cực, xuất sắc của dự án phòng chống HIV/AIDS do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Các chị sẵn sàng công khai danh tính trên truyền thông, nhưng nghĩ đến các con chị, người viết xin phép được giấu tên.


Quán chân gà nướng của 3 cô gái có HIV
Quán chân gà nướng ấm áp tình người của Ba cô nương có H.

Chị Th. – một trong ba cô nương, hiện là chủ nhiệm CLB Hoa cỏ may cho biết chồng của các chị đều đã mất do HIV, cả ba đều đang nuôi con nhỏ. Đồng cảnh ngộ nên 3 chị nương tựa vào nhau cùng mở quán mưu sinh.

“Người có H đã khổ lắm rồi. Nhưng người có H không có kinh tế, sống dựa vào người khác thì còn khổ hơn nữa. Không bị người khác kỳ thị thì cũng tự kỳ thị. Dù thế nào cũng phải tìm việc để làm”.

Ban ngày bán nước, bán chè, buổi tối bán thêm chân gà nướng đến tận 1 giờ đêm mới nghỉ, cuộc sống vất vả nhưng các chị luôn lạc quan.

“Chỉ đêm đông khách là cả 3 cùng bán, còn buổi sáng 8 giờ mở hàng thì chỉ một người trông còn 2 người về nhà giặt giũ, dọn dẹp và tranh thủ ngủ. Mọi người ở đây tốt bụng lắm, có anh thấy chúng mình dùng quạt nan khổ sở còn về nhà vác ra cho chúng mình mượn cái quạt máy chạy bằng acquy”, chị Th. nói.

Các chị là người có hoàn cảnh khó khăn, nhận được sự giúp đỡ của người khác, nhưng khi gặp người khó khăn hơn mình, các chị vẫn sẵn sàng giúp đỡ lại. Chị Th. bảo, chị vẫn thường tính rẻ, chỉ lấy vốn cho những công nhân nghèo đi làm thuê ở khu này.

Quán chân gà nướng của 3 cô gái có HIV
Quán rất đông khách.
 
“Sống ngày nào phải có ích ngày đó” - nghị lực phi thường của ba cô gái trẻ có H khiến ta không khỏi khâm phục. “Bình thường mình thi trượt hay làm hỏng một việc gì đó thôi là đã suy sụp lắm rồi. Đằng này họ mắc phải căn bệnh chưa có thuốc chữa, cuộc sống chưa biết thế nào mà vẫn lao động, vẫn lạc quan như thế này thật quá khâm phục”, anh Tâm – một khách hàng chia sẻ.

Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới. “Ba cô nương” đã vượt qua được ranh giới bệnh tật để sống có ích trong cuộc đời.

La Hoàn