“Hoạt động của câu lạc bộ rất hữu ích, người của câu lạc bộ không coi thường chúng tôi mà hướng dẫn và đưa chúng tôi đi khám. Mọi thứ tôi chia sẻ ở đây đều được giữ bí mật”.
Trên đây là chia sẻ của hai phụ nữ đang tham gia câu lạc bộ của chị em bán dâm thuộc dự án “Tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội của phụ nữ bán dâm” do Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam phối hợp với Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện.
Phụ nữ bán dâm chịu nhiều kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo lực
Tính đến cuối năm 2016, Việt Nam có 11.240 phụ nữ bán dâm. Mặc dù bán dâm là bất hợp pháp nhưng Chính phủ bắt đầu thay đổi cách xử lý vấn đề từ việc tập trung xóa bỏ mại dâm sang việc hỗ trợ giảm hại. Tuy vậy, phụ nữ bán dâm vẫn chịu nhiều kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo lực.
Việc nặng gánh trách nhiệm với gia đình cùng với thiếu sự lựa chọn về sinh kế (phụ nữ thường thu nhập ít hơn và có vị trí thấp hơn nam giới) đã khiến nhiều phụ nữ phải chọn mại dâm làm cách kiếm tiền để gửi về gia đình. Tại Việt Nam, phụ nữ bán dâm phải đối mặt với sự kiểm soát, phân biệt đối xử và kỳ thị do mại dâm là bất hợp pháp.
Người thi hành pháp luật, trong đó có công an, thường có thái độ tiêu cực với phụ nữ bán dâm vì họ cho rằng việc bán dâm là trái đạo đức. Phụ nữ bán dâm thường sống và làm việc trong một môi trường không an toàn và không thể tiếp cận các dịch vụ một cách công bằng bao gồm cả dịch vụ y tế, pháp lý. Bên cạnh đó, phụ nữ bán dâm thiếu kết nối với các mạng lưới hỗ trợ, thiếu tiếng nói tác động tới những quyết định có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
726 phụ nữ mại dâm được hỗ trợ giảm hại
Dự án “Tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội của phụ nữ bán dâm” kéo dài từ tháng 7 năm 2013 đến tháng 6 năm 2017 đã đem lại các kết quả khá khả quan cho nhóm thực sự yếu thế này tại Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh và Quảng Ninh. Dự án đã giải quyết các vấn đề quan tâm của phụ nữ bán dâm, bao gồm tăng cường tiếng nói trong quá trình xây dựng chính sách, tăng cường khả năng tiếp cận công bằng tới các dịch vụ. Việc này gắn liền với các can thiệp nhằm giải quyết sự kỳ thị từ cộng đồng, đồng thời giúp công an và chính quyền địa phương nhận ra trách nhiệm của mình trong việc thực thi các quyền cơ bản của phụ nữ bán dâm.
![]() |
Thông qua sinh hoạt câu lạc bộ, phụ nữ mại dâm được học các kỹ năng bảo vệ sức khỏe, tránh bị bạo lực. Ảnh Care |
Câu lạc bộ chị em bán dâm đã trở địa chỉ an toàn cho 726 phụ nữ bán dâm tìm kiếm hỗ trợ từ những chị em bán dâm khác và tìm hiểu về các quyền liên quan đến họ. Câu lạc bộ cũng là cầu nối giữa chị em bán dâm với các dịch vụ sức khỏe, pháp lý, vay vốn và đào tạo nghề. Thành viên của câu lạc bộ cũng thực hiện các buổi tiếp cận tại nơi làm việc của các chị em, trong đó họ có chia sẻ các vấn đề về bạo lực giới và cách phòng tránh, chia sẻ về quyền lao động, về cách phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục v.v...
Nhờ đó, ban chủ nhiệm và thành viên nòng cốt không những điều hành tốt các buổi họp thường kỳ của câu lạc bộ mà còn đại diện được tiếng nói của các chị em tại các buổi tham vấn với chính phủ về các chính sách liên quan đến phụ nữ dâm bao gồm cả chính sách về vấn đề bạo lực giới.
Những đối tác tích cực tạo nên sự thành công
Cục phòng, chống tệ nạn xã hội và các Chi cục đã tham gia xây dựng và thực hiện dự án từ những bước đầu tiên và luôn đảm bảo sẽ tiếp tục hỗ trợ để duy trì và nhân rộng hoạt động của câu lạc bộ. Cách thức xây dựng và vận hành câu lạc bộ dành cho chị em bán dâm có thể áp dụng một cách dễ dàng ở các địa bàn khác để hỗ trợ thêm nhiều chị em.
Trong thời gian thực hiện dự án, Quảng Ninh xây dựng được thêm 2 câu lạc bộ, TPHCM hỗ trợ xây dựng 1 câu lạc bộ tại Huế và Cần Thơ đã có kế hoạch xây dựng thêm 2 câu lạc bộ ở hai quận khác ngoài địa bàn dự án. Cục và các Chi cục PCTNXH là cơ quan nhà nước bảo đảm rằng phụ nữ bán dâm sẽ được lắng nghe, những ý kiến và nhu cầu của họ sẽ được lưu ý và họ sẽ được hỗ trợ. Để có được điều đó, CARE cùng với Cục và các Chi cục PCTNXH đã thực hiện các hội thảo về bạo lực và phân biệt đối xử với phụ nữ bán dâm, bàn luận về nguyên nhân và hậu quả của vấn đề này. Ngoài ra, cán bộ Cục và các Chi cục PCTNXH cũng được tham khảo các kỹ năng điều hành thảo luận về những vấn đề của phụ nữ bán dâm từ đó có thêm cách làm việc mới, dễ dàng tiếp cận và hỗ trợ chị em hơn.
CARE phối hợp cùng Cục Phòng, Chống Tệ nạn Xã hội và các bộ ngành liên quan đã thực hiện các hội thảo tập huấn với công an và chính quyền địa phương về bạo lực giới và khung pháp lý liên quan đến mại dâm. Bên cạnh đó, CARE cùng Cục và các Chi cục PCTNXH cũng tham khảo ý kiến các chuyên gia trong ngành để xây dựng các sổ tay chuyên biệt dành cho công an và cán bộ cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý nhằm cung cấp các kỹ năng và quy trình làm việc phù hợp với phụ nữ bán dâm.
Nhờ các hoạt động của Dự án, phụ nữ bán dâm đã tự nhận thấy những thay đổi của bản thân, họ tự tin hơn, coi trọng bản thân hơn và hiểu biết về quyền của mình hơn. Giờ đây họ biết cách tìm hiểu thông tin chăm sóc sức khỏe và phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Họ cũng được biết quy trình thực hiện các thủ tục hành chính khi đi làm lại chứng minh thư hoặc đăng ký hộ khẩu. Các chị em đã chia sẻ rằng họ hiểu hơn về quyền được tiếp cận với dịch vụ y tế và pháp lý. Họ cũng nói rằng hiện giờ họ đã biết cách để liên lạc với công an hoặc dịch vụ pháp lý khi cần thiết. Một số chị em khác thì được tiếp cận với các khóa dạy nghề, được vay vốn để làm kinh doanh. Một số chị em cho biết, điều họ học được nhiều nhất chính là các thông tin về phòng tránh bạo lực, đặc biệt là việc giảm các nguy cơ bạo lực và biết cách để đối phó với các tình huống bạo lực có thể sẽ xảy ra với họ.
Một tác động tích cực nhất là dự án mang lại là tăng cường các tác động chính sách nhằm đáp ứng mong đợi của phụ nữ bán dâm. Với sự hỗ trợ của Cục và các Chi Cục Phòng, Chống Tệ nạn Xã Hội, CARE tạo cơ hội để phụ nữ bán dâm đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng kế hoạch hành động về phòng chống mại dâm giai đoạn 2016–2020. Các ý kiến nhận được quan tâm bao gồm việc hỗ trợ và bảo vệ phụ nữ bán dâm trong phòng chống bạo lực, tiếp cận dịch vụ hỗ trợ pháp lý và tổ chức các cuộc đối thoại giữa phụ nữ bán dâm với các cơ quan ban ngành.
Ngoài ra, chương trình quốc gia cũng nhấn mạnh việc nhân rộng các câu lạc bộ của người bán dâm tại các địa bàn khác trên cả nước. Đây là lần đầu tiên tiếng nói của phụ nữ bán dâm về vấn đề bạo lực đã được nhà nước quan tâm và đưa vào chính sách. So sánh với chương trình quốc gia giai đoạn trước, còn có một sự thay đổi lớn nữa là chương trình giai đoạn này đã tập trung rất nhiều vào việc đảm bảo quyền cho người bán dâm.
Bên cạnh đó, thái độ và hành vi với phụ nữ bán dâm của công an và các nhà cung cấp dịch vụ pháp lý đã có thay đổi. Một số cán bộ công an đã ủng hộ quan điểm rằng, công an cần thể hiện trách nhiệm trong việc giải quyết bạo lực với phụ nữ bán dâm. Trong các cuộc đối thoại với phụ nữ bán dâm, các cán bộ công an đưa ra gợi ý và hướng dẫn chị em bán dâm cách trình báo các ca bạo lực. Các chị em cho biết họ thấy thái độ của công an cũng thay đổi mỗi khi họ phải tìm đến công an nhờ trợ giúp. Riêng trong năm 2016, đã có tới 88 trường hợp được hỗ trợ, đặc biệt nhiều trường hợp được giúp đỡ đăng ký hộ khẩu và làm lại chứng minh thư. Đây là hai giấy tờ rất quan trọng với chị em bởi thiếu chúng, chị em bán dâm và gia đình của họ không thể tiếp cận được các dịch vụ xã hội.
▪ Lai Châu: Xóa bỏ rào cản do phân biệt đối xử, kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS (08/06/2017)
▪ Trao tặng quà cho trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS ở Nam Định (06/06/2017)
▪ Tuyên truyền để cộng đồng không còn kỳ thị với người nghiện (03/06/2017)
▪ Nỗi niềm người phụ nữ vượt qua cơ ‘bĩ cực’ (31/05/2017)
▪ Đã yêu thì sẵn sàng dấn thân (30/05/2017)
▪ Giúp đỡ người mãn án tù vượt qua lầm lỗi (23/05/2017)
▪ Nâng cao kiến thức hỗ trợ người cai nghiện hòa nhập cộng đồng (18/05/2017)
▪ Hà Nam: Công tác cai nghiện còn nhiều khó khăn (17/05/2017)
▪ Thị trấn BUBU 2017: Tôn vinh sự đa dạng và bình đẳng (15/05/2017)
▪ 'Còn ngày về, còn có thể làm lại cuộc đời' (13/05/2017)