Tết buồn của trẻ em LGBT đường phố
Các Website khác - 24/01/2017
Cuộc sống đường phố khiến các em phải đối diện với nhiều khó khăn như: bị bạo hành thường xuyên, nguy cơ bị lạm dụng tình dục cao, không có khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế…

Bỏ nhà đi bụi vì bị kỳ thị                    

Tết đã đến cận kề, khắp nơi người người hối hả về với mái ấm gia đình. Nhưng với nhiều trẻ đường phố, đó là ước mơ xa xỉ. Các em chính là các thành viên LGBT bị gia đình kỳ thị, đối mặt với không ít định kiến từ phía xã hội.

 

Ảnh minh họa

 

Qua giới thiệu của một đồng đẳng viên của tổ chức bảo vệ quyền cho cộng đồng LGBT, chúng tôi có dịp nói chuyện với Mysa- một người chuyển giới nữ đang “trú” tại công viên Lê Thị Riêng-TP.HCM. Mysa cho biết, gia đình em ở đường Tân Kỳ Tân Quý-Bình Tân nhưng em ít khi về nhà, kể cả dịp Tết. Ban ngày em đi hát đám ma, khi rảnh thì đi bán kẹo kéo ở các tụ điểm giải trí… Tối thì vào công viên ngủ, mưa thì trú tạm ở các mái hiên. Nhưng thấp thỏm ngủ dưới mái hiên cũng không được yên giấc, vì dân phòng họ qua hỏi han giấy tờ này nọ. Còn công viên thì dễ “đạp” nhầm kim tiêm của đám thanh niên “chơi hàng” xong, vứt bừa ra đấy.

Mysa tâm sự, nghe mấy chị trong nhóm nói giờ buổi tối nhóm nào tụ tập nơi công cộng đều bị công an hỏi giấy tờ tùy thân. Người nào không có chứng minh là đưa về đồn. Lên đó, họ sẽ hỏi về thân nhân, xác minh quê quán để bảo lãnh. Tuy nhiên, từ lâu nhà cô chẳng còn đoái hoài đến cuộc sống nhuốm đầy bụi đường của cô gái trẻ. Khi được hỏi sao không thuê phòng trọ dài hạn cho yên ổn, Mysa cười: giấy tờ đâu mà thuê. Với lại việc làm bấp bênh, bữa đói bữa no nên ngủ công viên, mái hiên là lựa chọn tốt nhất rồi.

Cũng có những ngày, dân phòng họ đi “dẹp” căng quá, cả đám hùn tiền vào quán café gọi đồ, rồi tranh thủ buôn chuyện cả đêm, mệt quá chợp mắt chốc lát đợi trời sáng. Mặt trời lên, người ta đi tập thể dục, Mysa đi dò tìm ghế đá trống, rồi canh cho nhau ngủ.

Mysa kể, từ khi biết về giới tính thật của con, ba Mysa suốt ngày say xỉn, ông uống về kiếm chuyện với má con. Ông nói, sinh ra mày là thân nam nhi, tao lo cho mày như bao nhiêu đứa khác, mà sao mày ăn chơi, đua đòi rồi đổ đốn ra vậy. Giờ người không giống người, quỷ không giống quỷ. Mày muốn đi đâu thì đi! Cô đơn, tuyệt vọng quá, em bỏ nhà đi bụi cùng đứa bạn tên July có hoàn cảnh y chang ở quận 12. Từ ngày đó đến nay hơn 3 năm rồi!

Mysa cho hay, cuộc sống đường phố nay đây mai đó, lang bạt đủ khắp mọi xó xỉnh nếu không có sự đùm bọc của các chị đi trước thì em chắc không tồn tại đến ngày hôm nay. Có những hôm mưa dầm, ế ẩm, cả bọn “mốc miệng” ngồi trụ đói với nhau. Đến bát hủ tiếu, trái bắp luộc 5 nghìn cũng không dám mua. Được cái, anh chị em thương nhau lắm: cùng kiếm tiền, ăn chung, ngủ chung. Cô kể, nhiều bạn ở các tỉnh miền Tây đổ lên, miền Trung đổ vào cũng dạt lên Sài Gòn. Dẫu biết cuộc sống đường phố cơ cực, nhưng chỉ có “đi bụi” thì mới được sống với chính bản dạng giới của mình. Với lại, ở Sài Gòn người ta “thoáng” hơn, đỡ bị kỳ thị nên dân tứ xứ mới đổ về đây nhiều thế.

Nguy cơ xâm hại tình dục cao

Mysa cười buồn: cộng đồng thì thương nhau lắm, nhưng tụi em cũng hay bị lạm dụng bởi chính những bạn trong nhóm. Có đêm, cô đang say giấc thì bị nhóm trai thanh niên dị tính (trai thẳng) lạm dụng. Nhỏ bạn cùng nhóm hát đám ma của Mysa thường bị những người đàn ông trung niên tìm cách tiếp cận, gạ gẫm tình trạng quấy rối nhiều đến nỗi, các bạn nữ phải chia nhau ra để canh gác. Bên cạnh đó, theo lời Mysa thì một số  “trai thẳng” nghĩ người các bạn đồng tính nữ chỉ có quan hệ đồng giới, nên còn trinh trắng nên thường xuyên kiếm chuyện để thực hiện mục đích đen tối của mình.

Không có giấy tờ tùy thân, sống xa người thân, với cách ăn mặt khác biệt, công an và lực lượng dân phòng thường liệt họ vào đối tượng tình nghi. Mysa kể tiếp, trong nhóm có một bạn “làm gà” (từ lóng chỉ nghề mại dâm), không ai “nhập nha” (ăn trộm) kể. Bữa nọ, có nhỏ 98 bị bệnh tình dục, muốn đi khám. Bệnh viện công thì không giấy tờ nên sợ, đến phòng khám tư không có tiền nên cả bọn kéo nhau về. Nhỏ đau quá, âm thầm tự chịu một mình. Mãi đến khi được một tình nguyện viên kết nối đến khám miễn phí thì nhỏ mới được điều trị.

Khi được hỏi, Tết có về nhà không, Mysa cười buồn: em chỉ đứng ngoài ngõ nhìn vô  nhà tầm 15 phút rồi đi luôn. Mấy lần trước về, thấy ba vẫn say xỉn, mắng mẹ xối xả nên em không vô. Lang bạt ngoài đường, thấy pháo bông người ta bắn quá trời cũng thấy tủi. Thèm một đêm giao thừa ấm áp nhưng đành chịu. Kiếp đường phố mà. Ở dưới mái hiên, gầm cầu dù không có gia đình, họ hàng thân quen, không được đi học nhưng ít ra được tôn trọng và có người cùng giới thấu hiểu, được sống là chính mình.