Phú Thọ: Để người nghiện sớm hòa nhập cộng đồng
Báo Tiếng chuông - 18/01/2017
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, Phú Thọ phát hiện 1.182 người nghiện ma túy, trong đó có tới 1.131 người nghiện tại cộng đồng, số còn lại đang cai nghiện hoặc được quản lý sau cai nghiện tại các Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội và Quản lý sau cai nghiện ma túy của tỉnh.

Xưởng sản xuất gỗ ép xuất khẩu của Công ty CP Thái Thịnh (xã Yên Kiện- Đoan Hùng) thường xuyên tiếp nhận học viên của Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội vào học nghề

 

Hiện nay các đơn vị này đã và đang tiến hành đổi mới công tác cai nghiện, thực hiện đa dạng hóa việc cai nghiện bằng các hình thức: Điều trị nghiện bắt buộc, điều trị nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện và điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone... nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác cai nghiện, giúp người nghiện từ bỏ chất gây nghiện, sớm trở lại hòa nhập với cộng đồng, trở thành những công dân có ích.

Là một trong hai đơn vị tích cực triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện, thời gian qua Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh đã chủ động phối hợp với các huyện, thành, thị trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về: Luật phòng chống ma túy, Nghị quyết 98/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác, phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới; vận động các đối tượng nghiện ma túy đi cai nghiện tự nguyện. Đồng thời củng cố bộ máy hoạt động, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ bác sỹ, y tá... nhằm phát huy tốt vai trò của đơn vị trong việc thực hiện các chức năng: Cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện, cai nghiện bằng Methadone.

Từ năm 2014 trở về trước trung bình mỗi năm Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội quản lý, điều trị, dạy nghề, lao động trị liệu cho khoảng 500-600 lượt học  viên, trong đó tiếp nhận mới khoảng 250-300 người. Từ sau năm 2014 đến nay, thực hiện Nghị định 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy, số lượng học viên vào Trung tâm đã giảm mạnh so với trước, song đơn vị vẫn đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ tiếp nhận, chữa bệnh, chăm sóc cai nghiện phục hồi cho các đối tượng cai nghiện ma túy bắt buộc và tự nguyện.

Việc thực hiện công tác điều trị, cắt cơn, giải độc đảm bảo tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Ngoài ra, Trung tâm chú trọng công tác giáo dục dạy nghề cho học viên sau cai nghiện, với các nghề: Làm gạch, bóc gỗ, ván ép, chăn nuôi lợn... tạo cho họ tình yêu lao động, có kỹ năng làm nghề để mưu sinh sau khi tái nhập cộng đồng. Ngoài giờ lao động, học viên được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao, tạo không khí vui vẻ, thân thiện, gần gũi giữa học viên với cán bộ. Nhờ đó nhiều người sau cai nghiện đã nâng cao nhận thức, trở thành những công dân có ích, biết chăm lo phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái trưởng thành.

Ở Trung tâm Quản lý sau cai nghiện ma túy - nơi tiếp nhận những học viên có nguy cơ tái nghiện cao được chuyển tiếp từ Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội, tuy mới đi vào hoạt động hơn 4 năm nay song cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức tiếp nhận, quản lý, tư vấn điều trị, giúp đỡ người nghiện ma túy vào cai nghiện tự nguyện, tổ chức sản xuất, dạy nghề cho học viên, giúp họ sớm ổn định tâm lý, sức khỏe và thực hiện các biện pháp phòng, chống tái nghiện.

Trong năm 2016, các trung tâm đã tổ chức cai nghiện cho hơn 130 lượt học viên, trong đó Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội cai nghiện cho 100 lượt học viên, Trung tâm Quản lý sau cai nghiện ma túy quản lý giáo dục 31 học viên.

Dù đạt hiệu quả, song hoạt động của các trung tâm cai nghiện hiện nay vẫn rất nhiều khó khăn khi số lượng học viên giảm mạnh trong khi tình trạng tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, nguyên nhân số học viên cai nghiện bắt buộc giảm nhanh phần lớn do những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị định 221 của Chính phủ, một số quy trình, thủ tục lập hồ sơ và quyết định đưa người vào cai nghiện bắt buộc phức tạp hơn so với trước.

Thời gian tới để thực hiện có hiệu quả việc đổi mới hoạt động của các trung tâm cai nghiện ma túy sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền thuyết phục, vận động người nghiện ma túy tại cộng đồng tham gia chương trình điều trị tự nguyện ma túy hoặc điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật về điều trị cho các điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị cai nghiện tại cộng đồng; thực hiện  việc miễn giảm đóng góp cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, con em gia đình chính sách.

Đồng thời tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ nâng cấp cơ sở vật chất, làm tốt công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu điều trị bệnh nhân nghiện ma túy trong tình hình mới, giúp người bệnh yên tâm cai nghiện, sớm hòa nhập với cộng đồng.