Tình yêu trở thành sức mạnh chống Aids
Các Website khác - 29/06/2005

Tại Ấn Độ, những ông tơ bà nguyệt thời hiện đại đang tổ chức giúp đỡ những người chẳng may nhiễm HIV/AIDS tìm được bạn đời của mình bằng cách đăng thông tin về các cá nhân có nhu cầu kết hôn trên chuyên trang hôn nhân, gia đình của một tờ báo ra cuối tuần, hơn nữa, họ còn đứng ra tổ chức đám cưới cho các đôi uyên ương đó.

Nhiệm vụ của các ông bà mối là gì? Ông H. Raj, chủ nhiệm một văn phòng chuyên tổ chức các lễ cưới kiểu này tại Ahmedabad, trung tâm thương mại của bang Gujarat cho biết. Họ viết lời quảng cáo đăng báo, giữ bí mật những thông tin riêng biệt của các cá nhân tham gia và sắp xếp thời gian tư vấn với những cặp đôi sẽ phải cùng nhau đối mặt với căn bệnh chết người trong suốt thời gian còn lại.

Những người trong cuộc có suy nghĩ gì về thực trạng mới mẻ này. Một giáo viên 35 tuổi trông vườn trẻ cho biết: "Sau khi chồng tôi mất vì AIDS, tôi thực sự gặp rất nhiều khó khăn trong việc phải chăm lo cho đứa con gái nhỏ. Chính vì những nhu cầu về tài chính và cả về tình cảm, tôi muốn tìm cho mình người bạn đời cũng đang mang bệnh giống mình. Với người như vậy, chúng tôi sẽ cùng nhau biết chấp nhận sự thật để sống tốt với nhau và cảm thông với nhau nhiều hơn, ngay cả khi căn bệnh đó chính là cái án tử hình báo trước đối với bất cứ người nào".

Với suy nghĩ đó, cô đã kết hôn với một người đàn ông cô thấy phù hợp với bản thân thông qua mục tìm bạn đời trên báo. Một đám cưới đơn giản, nhẹ nhàng đã diễn ra tại nhà cha mẹ đẻ cô. Hiện nay hầu hết những đám cưới ở Ấn Độ vẫn thông qua sự sắp đặt từ trước, dù rằng vẫn dựa trên cơ sở có sự đồng thuận từ cả phía cô dâu và chú rể.

Nhưng có một điều khó khăn là ở Ấn Độ hiện nay vẫn tồn tại những định kiến phân biệt đối xử hết sức tàn tệ với những người nhiễm HIV/AIDS. Trong công việc họ bị sa thải, trong cuộc sống họ bị gia đình, bạn bè, hàng xóm láng giềng xa lánh, thậm chí đôi khi họ còn bị từ chối điều trị khi ốm đau.

Ở đất nước mà khi chồng mất, người phụ nữ bình thường cũng đã phải hứng chịu những đối xử bất công của cộng đồng, thì với người phụ nữ nhiễm HIV/AIDS, nỗi lo sợ khi chồng mất còn nhân đôi trước thái độ kỳ thị đó.

Và khó khăn làm sao cho những phụ nữ đáng thương đó khi muốn đề nghị được sống cùng ai đó lại băn khoăn vì nỗi cái chết đang chờ đón bất cứ lúc nào.

Một phụ nữ 32 tuổi đã kết hôn với một người cũng nhiễm HIV tâm sự: "Tôi cảm thấy thực sự áy náy khi tiến tới hôn nhân với một người khi tôi hiểu rằng, cuộc sống của mình không thể kéo dài được. Nhưng thực sự, tôi không muốn đánh mất hết hy vọng của mình".

Ông Raj cho biết, ông thường trò chuyện rất thẳng thắn với các cặp vợ chồng, chuẩn bị tâm lý cho họ về những điều sắp tới nếu chấp thuận đi tới hôn nhân. Đó là vấn đề tài chính, sức khoẻ và cả vấn đề nhạy cảm của việc nuôi nấng những đứa con riêng của cả hai người.

Bộ phận kiểm soát đại dịch AIDS của chính phủ Gujarat rất hoan nghênh việc làm của các ông bà mối trong lĩnh vực mang nhiều tính nhân đạo này. Theo họ, chính việc làm đó đã góp phần xoá bỏ dần rào cản của nạn phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

Bác sĩ Saxena nói: "Đó là một động thái hết sức tích cực, nó giúp cộng đồng hiểu và cảm thông với các bệnh nhân nhiễm căn bệnh thế kỷ. Họ cũng là những người bình thường và có những nhu cầu hết sức bình thường, họ muốn hưởng một mái ấm gia đình như bao người khác". Rõ ràng, sáng kiến này của Ấn Độ sẽ được các nước khác quan tâm và xem xét việc nhân rộng nhằm phát huy những tác dụng tích cực của nó, giảm thiểu việc lây nhiễm cũng như nạn phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS.

Dương Kim Thoa dịch từ

http://news.yahoo.com/s/nm/20050626/wl_nm/aids_india_matchmakers_dc%3b_ylt=A9FJqZz6lr5ClHgA8RXVJRIF%3b_ylu=X3oDMTBiMW04NW9mBHNlYwMlJVRPUCUl