Một phần do đặc trưng việc tuyển dụng là cũng không nêu rõ lý do từ chối mà thường chỉ chung chung là “không phù hợp với vị trí công việc.” Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, nhiều người trong cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT) cảm nhận rất rõ về lý do mình bị từ chối, đó là sự kỳ thị
Khó khăn khi xin việc
Chu Thanh Hà, 26 tuổi là một người chuyển giới nam. Hà công khai mình là người chuyển giới từ năm 2013. Là một cử nhân tốt nghiệp đại học, mặc dù có năng lực nhưng Hà đã bị từ chối ở nhiều nơi xin việc bởi lý lịch là con gái nhưng lại ăn mặc, cư xử như con trai.
“Có nơi, đến xin việc, người ta bảo phải cư xử mềm mại và mặc váy thì sẽ được nhận vào làm”, Hà chia sẻ. Tuy nhiên, Hà thà chấp nhận làm một việc chân tay lương thấp còn hơn là phải mặc váy đi làm công sở để kiếm tiến.
Nguyễn Minh Q., một người chuyển giới nữ nhưng chưa phẫu thuật mặc váy, sống như một người con gái suốt thời đại học. Tuy nhiên, đến khi đi xin việc lại khác. Mặc dù tốt nghiệp loại khá Đại học Kinh tế TP.HCM nhưng suốt 2 năm Q. không thể xin được việc.
“Tất cả những bài kiểm tra năng lực em đều vượt qua, nhưng người ta bảo em phải thay đổi bản thân vì hình dạng em khi đó không phù hợp với văn hóa công ty, không phù hợp với pháp luật”, Q kể lại.
Và để tìm việc làm, Q. đã bắt buộc mình phải thay đổi. Q. ép bản thân để nâng trọng lượng cơ thể từ 45 kg lên 75 kg và học cách cư xử như một người đàn ông. Và với việc giấu đi con người thật của mình, Q. được nhận làm giảng viên một trường đại học tại Đồng Nai.
Kết quả nghiên cứu “Có phải bởi vì tôi là LGBT” (Viện Nghiên cứu kinh tế, xã hội và môi trường iSee) trên 2.363 người LGBT tại 63 tỉnh thành Việt Nam cho thấy, gần 30% người từng bị từ chối việc làm vì là người LGBT. Đặc biệt, tỷ lệ người chuyển giới bị từ chối khi xin việc (59.0%) cao gấp ba lần so với nhóm đồng tính và song tính (19.6%). Người chuyển giới cũng bị phân biệt đối xử trong việc trả lương hay thăng tiến, khiến họ thường chỉ giữ các vị trí cấp thấp, cơ bản mà khó giữ các vị trí quản lý hoặc cao hơn.
Người LGBT đối mặt với những nhận xét, hành động tiêu cực từ cả đồng nghiệp, sếp và khách hàng, đối tác, với tỷ lệ cao từ 33% tới gần 50%. Các hành vi phân biệt đối xử khác mà người tham gia khảo sát báo cáo còn có: bị hỏi thường xuyên về đối tượng yêu đương, ghép đôi với đồng nghiệp khác giới...
Một lần nữa, vấn đề đồng phục với người chuyển giới lại nổi bật lên, cùng với người đồng tính, song tính nữ. Các lý do giải thích cho hành vi phân biệt đối xử thường không được công khai nói ra mà núp dưới các lý do khác, nhưng người LGBT đều có thể cảm nhận được rõ ràng “bởi vì mình là LGBT” mà có sự đối xử không công bằng.
“Cái mail viết bằng tiếng anh rất là dài nhưng mà em chỉ đọc được tới một cái đoạn là chúng tôi xin lỗi, phải trả lại cái hồ sơ cho bạn, vì lí do là giám đốc của chúng tôi không có chấp nhận một nhân viên mà có hình xăm trên tay. Em cũng mail lại cho chị là: “Thật ra vì hình xăm hay là vì chị kì thị với cái giới tính của em?” thì cũng không thấy trả lời lại. Tại vì lúc trước khi mà lên phỏng vấn thì em có để ý một anh ở dưới không biết làm bộ phận gì mà xăm kín tay luôn. Lúc đó cũng rất là cay cú, nói chung là cũng cảm thấy hơi tủi thân đấy. Tại vì tại sao mình mang cái giới tính này mà mình mất đi một cơ hội”, một chuyển giới nam tại TP. HCM chia sẻ.
Cũng có trường hợp người LGBT chọn ngay cách là công khai ngay từ đầu khi phỏng vấn để biết về thái độ của bên tuyển dụng, lấy đó làm cơ sở để chính bản thân cũng quyết định xem có tiếp tục cơ hội với công việc này không. Một trường hợp chuyển giới nam phỏng vấn sâu chia sẻ mình bị tưởng nhầm là người đồng tính nam vì trông giống nam mà hơi nữ tính, vậy là trong suốt thời gian làm việc cậu được tất cả mọi người coi là người đồng tính nam và có thái độ thoải mái. Lo sợ về công khai là người chuyển giới nam có thể khiến mọi người bất ngờ và thay đổi thái độ, nên người này cũng không đính chính gì.
Trong vấn đề việc làm, người chuyển giới (cả chuyển giới nam và chuyển giới nữ) là nhóm khó khăn nhất trong khâu xin việc, lần lượt 59% và 53% so với tỷ lệ chung là 30%). Con số này cũng phù hợp với một số nghiên cứu trước đây về người chuyển giới khi họ bị từ chối việc làm vì thể hiện bên ngoài, định kiến về năng lực cũng như nhân cách.
Có việc nhưng vẫn bị trở ngại
Với những hành vi phân biệt đối xử khác trong quá trình làm việc, thì 8,8% từng bị đuổi việc, 13,8% bị trả lương kém hơn so với người cùng vị trí, năng lực, 22,6% bị hạn chế thăng tiến, 13,5% bị buộc chuyển sang vị trí công việc khác, 3,7% không được giải quyết bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Tất cả những hành vi phân biệt đối xử này đều được người khảo sát đánh giá là dựa vào việc họ được/bị coi là LGBT, hoặc kết hợp với các yếu tố phân biệt đối xử đa chiều như “tác phong”, giới tính.
“Ngày đầu tôi xuống công trường làm việc sau một tháng học việc. Điều đầu tiên tôi nhận được là sự phân biệt giới tính của quản lí. Ông ấy nói nếu tôi mà sửa váy thành quần sọt sẽ cho tôi thôi việc và nói con gái phải ra con gái không có nửa này nửa kia. Gần đây nhất vì tôi quên báo dụng cụ hỗ trợ sản xuất bị hư mà ông ta chuyển công đoạn tôi làm việc, bắt tôi làm cam kết nếu tôi làm sai việc gì thì phải thôi việc. Tôi giận nhất là câu nói nhìn tác phong và bề ngoài của tôi là biết tôi không đàng hoàng. Ông ấy cứ quan sát và chú ý tôi mỗi ngày cứ như đợi tôi làm sai gì đó sẽ đuổi tôi ngay lập tức”, một người chuyển giới khác nói với Isee.
Chia sẻ về kinh nghiệm đi xin việc cũng như làm việc trong môi trường công sở, giảng viên đại học Q ở trên cho rằng, trước khi có ý định “come out” hãy tự trang bị cho mình một hành trang, kiến thức và công việc rồi “come out từ từ, nửa kín nửa mở” để tạo điều kiện cho người khác hiểu mình, khi đó mọi thứ sẽ dễ dàng hơn.
▪ Cô gái 2 lần bị chẩn đoán nhầm HIV và cái kết có hậu (13/08/2016)
▪ Lối về rộng mở cho những người hướng thiện (12/08/2016)
▪ Đừng khoét sâu nỗi đau kỳ thị (11/08/2016)
▪ Bỏ quá khứ "nhiễm HIV" lại phía sau để tiến về phía trước… (10/08/2016)
▪ Phản ứng trái chiều vì không nhận học sinh đồng tính vào nội trú (09/08/2016)
▪ Dùng nhân tâm để thu phục, cảm hóa phạm nhân (03/08/2016)
▪ Chuyện khó tin của chàng trai suýt tự tử khi biết mình là gay (02/08/2016)
▪ Mô hình điển hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về (01/08/2016)
▪ Thơm thảo những tấm lòng bên dòng sông Hương (30/07/2016)
▪ Vì một trường học cởi mở hơn cho LGBT (28/07/2016)