Xin đừng từ chối
Các Website khác - 30/11/2001

Xin đừng từ chối


Ngọc Anh
Những cô gái đã từng lầm lỡ đều muốn được trở về với gia đình người thân, nhưng con đường trở về lại đầy nhọc nhằn và nước mắt. Xin đừng từ chối, đó là lời khẩn cầu của những cô gái ấy.

Xin hãy mở rộng vòng tay với cháu.
(Bé Thanh Hải bị nhiễm HIV
đang sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 2).

Đáng thương hay đáng giận?
Làm sao có thể tin cô gái đang đứng trước mặt tôi cách đây 3 năm là một sinh viên văn khoa. Được sinh ra trong gia đình khá giả, được bố mẹ nuôi cho ăn học tử tế cộng với tính lãng mạn sẵn có, cô gái này đã theo học đến năm thứ 3 khoa văn. Thế rồi những cám dỗ của xã hội đã mê hoặc cô. Lúc đầu chỉ là những điệu nhảy nơi vũ trường rồi hết mình với những cảm giác lạ từ chất bột trắng. Ngày càng lún sâu vào nghiện ngập, không có tiền để "phê", cô gái đã tự mang thân mình đi kiếm tiền. Nghiệp văn chương cũng từ đó rũ bỏ. Rồi cái ngày không mong đợi đã đến, cô đã bị "bắt" khi đang hành nghề và được "mời" đi an dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 2. Cũng chính ngày ấy, cô nhận được một tin sét đánh - nhiễm HIV. "Lúc ấy, em thấy bầu trời như sập xuống, em nghĩ ngay đến việc tự tử..." - cô gái kể. Những giọt nước mắt hối hận muộn mằn đã rơi khi tôi hỏi cô về ngày mai. "Em đã sống được 1 tháng 3 ngày sau khi biết mình mắc bệnh, tương lai của em sẽ như thế nào em chẳng dám nghĩ đến" - cô gái nói.

"Chị ơi, có thuốc nào để cứu con em không bị HIV?" - một cô gái trẻ chừng 24 tuổi đang mang thai đã hỏi tôi như vậy - Tôi đọc được sự đau khổ trên nét mặt của cô gái đang chuẩn bị làm mẹ. Lấy phải người chồng nghiện ngập, cô từ quê lên thành phố phải làm đủ mọi việc để có tiền cho chồng. Một hôm, có một người chị "tốt bụng" đã bày cho cô một cách làm tiền mà không cần vốn. Quá bức bách, cô đã theo chân người chị tối tối đứng ở góc phố rồi trèo lên xe khách tiến thẳng tới các nhà nghỉ ở Gia Lâm. Mặc dù biết mình đã có thai, sợ chồng đánh nếu không có tiền, cô đành liều. Rồi một đêm, cô đã được mời về công an phường và vài hôm sau cô trở thành học viên của Trung tâm Bảo trợ xã hội 2. Về đây, cô đã quá bất ngờ khi biết tin mình bị nhiễm HIV. Khi cán bộ hỏi cô bị lây nhiễm từ chồng hay từ khách làng chơi thì cô chỉ biết lắc đầu. Với cái thai 8 tháng, cô gái trẻ này đã gắng gượng sống với hy vọng mong manh đứa con sẽ thoát nạn.

Khác với cô gái có bầu 8 tháng, cô bé có thai 3 tháng lặng lẽ ngồi một góc. Khuôn mặt còn rất trẻ nhưng nặng trĩu ưu phiền. Em mới ngoài 20 mà đã có thâm niên 5 năm hoạt động ngoài xã hội. Chỉ đến khi vào Trung tâm Bảo trợ xã hội 2, em mới biết những ngày tháng "oanh liệt" ấy đã "trao tặng" cho em cái thai không rõ nguồn gốc và căn bệnh thế kỷ. Mới 10 ngày sau khi biết tin buồn đó nên cô bé vẫn chưa qua khỏi cơn sốc.

Băn khoăn nhất vẫn là ba mẹ con cùng nhiễm HIV. Lần đầu tiên vào trại, người mẹ với hai đứa con trên tay, một đứa 19 tháng, đứa 7 tháng ốm yếu, người lở loét. HIV đã rõ ràng. Hết hạn 1 năm, Trung tâm Bảo trợ xã hội 2 cho xe chở ba mẹ con ra bến xe. Tưởng rằng, lỡ bước một lần, ai ngờ một thời gian không lâu sau, ba mẹ con lại trở lại trung tâm với cùng một lý do - hành nghề mại dâm. Đáng thương cho hai đứa trẻ, chúng suy kiệt hoàn toàn. Tại sao lại đi bán dâm khi biết mình đã nhiễm HIV? Không làm thì lấy tiền đâu để nuôi con, người đàn bà 27 tuổi này đã trả lời như vậy.
Trung tâm Bảo trợ xã hội 2 ở Ba Vì - Hà Tây đã trở thành nơi "dừng chân" của những cô gái mại dâm, nghiện ma tuý. Mỗi năm có từ 250 - 400 đối tượng được đưa về đây thì có từ 40-50% đối tượng đã nhiễm HIV. Hàng tháng, có khi hàng tuần, công an Hà Nội lại "dông" các chị em tệ nạn xã hội lên đây. Góp mặt có đủ cả Bắc, Trung, Nam, nhưng số đông (khoảng 40%) là đang sống ở Hà Nội. Cùng một lý do có vẻ như rất "chính đáng", bức bách về kinh tế nên đành phải làm nghề này. Có ai ngờ rằng, trong số đó có tới 5% chị em mù chữ, còn ít học thì chiếm tới 80%. Đã có thời gian hành nghề nhiều năm, đã quen với lối sống buông thả nên sự hối hận của những cô gái nhiễm HIV đã quá muộn màng.

Hãy mở rộng vòng tay
Thật bất ngờ khi tôi biết được câu chuyện của một đôi vợ chồng trẻ nhiễm HIV ở Hà Nội. Tất cả những đau đớn, dằn vặt của đôi vợ chồng này đã qua, họ đã bình tĩnh để kể lại câu chuyện buồn ấy. Người vợ cách đây 3-4 năm là sinh viên của một trường nghệ thuật. Cô sinh viên trẻ ấy đã bỏ học theo bè bạn dùng ma tuý. Những sai lầm của tuổi trẻ rồi cũng qua, cô gái tu tỉnh và ngoan ngoãn làm lại cuộc đời. Mối tình với chàng sinh viên trường kinh tế đã đi đến hôn nhân. Khi có thai được 7 tháng, người mẹ đi khám thai và xét nghiệm máu thì thật bất ngờ: Bị nhiễm HIV. Người chồng kể: "Hôm ấy, sau 1 tuần vợ em đi khám về thì có điện thoại, vợ em nghe điện xong khóc rất lâu. Em gặng hỏi mãi vợ mới nói thật. Lúc ấy em chán nản lắm. Ngay ngày hôm sau, em tự đến trung tâm y tế thử máu, khủng khiếp quá, cả hai vợ chồng đều bị. Là người đàn ông, em đã cứng rắn hơn để an ủi vợ hãy nghĩ đến đứa con. Nhưng vợ em đã bị đối xử rất khổ sở. Khi thai đã được 8 tháng, Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng cho giấy giới thiệu vợ em đến Viện C (Viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh) để khám và đẻ ở đó thì Viện C nói phải đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội mới đúng tuyến. Khi vào Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thì họ không chịu nhận, họ bảo về Viện C. Quá chán nản vì bị đẩy đi đẩy lại, mà thai đã gần đến ngày sinh. Không còn cách nào khác, vợ em đã vào Hộ sinh B đẻ, không dám nói đã nhiễm HIV. Đến bây giờ con trai em đã được 14 tháng nhưng vẫn chưa xét nghiệm". Hy vọng đứa con sẽ sống khoẻ mạnh, an toàn là mục tiêu sống của đôi vợ chồng trẻ. Hôm nay họ vẫn khoẻ mạnh như người bình thường, người chồng đầy nghị lực với vai trò trụ cột gia đình và quan trọng hơn, họ vẫn yêu cuộc sống.

Người phụ nữ cùng hai đứa con nhiễm HIV đã hai lần vào "thăm" Trung tâm Bảo trợ xã hội 2 thì lo lắng không biết về đâu sau 10 tháng nữa. Với giọng chán nản, chị kể: "Lần trước khi ở đây về, em đưa con về nhà chồng thì bà mẹ chồng đuổi đi. Bà bảo "Nhà tao có một thằng HIV là đủ rồi, lại thêm 3 người nữa thì tao sống làm sao". Về nhà mẹ đẻ không được vì còn chị dâu. Ba mẹ con em phải thuê nhà trọ ở, em chẳng còn cách nào kiếm tiền nuôi con ngoài việc bán dâm". Tôi tin rằng lời kể của người phụ nữ này là thật, vì không người mẹ nào lại nỡ để con đói khát.

Trong câu chuyện với chị Nguyễn Thị Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội 2 - tôi mới hay, chính chị Phương đã tìm được những góc thiện ở những cô gái bị xã hội coi là xấu xa để khuyên bảo. Cái góc thiện ấy luôn có ở mỗi người. 6 tháng, 1 năm, những cô gái này mong muốn mang cái thiện ấy về với gia đình. Nhưng thật buồn, không phải ai cũng được về nhà trong sự chào đón, thương yêu của người thân. Vô tình, có gia đình đã một lần nữa đẩy con em mình vào con đường lầm lỡ. 30 cô gái đang ở lại trung tâm vì không có chỗ về đang là nỗi băn khoăn lớn, nhưng ở lại thì làm gì, sống bằng gì. Chị Phương kể: "Có cháu mới 19 - 20 tuổi nói với tôi, cháu sẽ chết chỉ trong vài năm nữa, xin cô cho cháu ở lại đây để được sống những ngày cuối đời có ý nghĩa".