50% trẻ em bỏ học muốn được học tiếp
Các Website khác - 24/11/2008

 

Quyền của mọi trẻ em là được giáo dục.

Việt Nam hiện nay có khoảng 26% trẻ khuyết tật (tương đương với gần 300 nghìn em) đến trường; khoảng 95% trẻ em lang thanh trong độ tuổi từ 6 đến 16 tuổi được đi học ở các loại hình trường lớp khác nhau; 50% trong tổng só trẻ em lang thang bỏ học có mong muốn được tiếp tục học trở lại.

Giáo dục hoà nhập là xu hướng chung của hầu hết các nước trên thế giới và đã được Bộ GD-ĐT xác định là con đường chủ yếu để thực hiện những quyền cơ bản của mọi trẻ em, đặc biệt là quyền được giáo dục. Giáo dục hoà nhập là cơ hội để mọi trẻ em, trong đó đặc biệt chú trọng trẻ khó khăn được tiếp cận giáo dục bình đẳng, có chất lượng.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ GD-ĐT, giáo dục hoà nhập ở Việt Nam hiện nay còn khá yếu. Các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập hiện chưa có đủ về số lượng và năng lực thực hiện chức năng hõ trợ giáo dục hoà nhập, mới chỉ tập trung không đồng đều ở một số tỉnh thành trong cả nước. Hệ thống nguồn nhân lực hỗ trợ giáo dục hoà nhập thiếu và yếu. Cơ sở vật chất cho giáo dục hoà nhập còn rất hạn chế. Mặc dù nguồn ngân sách cho phát triển giáo dục đạt 20% vào năm 2007, 2008 nhưng không có ngân sách cho chính thức cho giáo dục hoà nhập.

Các văn bản pháp quy về bảo vệ, chăm sóc cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn chưa đề cập đầy đủ, rõ nét, chưa mang tính hướng dẫn cụ thế, chưa được phổ biến rộng, chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả, hệ thống thống kê, dự báo về số lượng và đánh giá chất lượng giáo dục cho trẻ em còn yếu kém và chưa thông nhất…

Chính vì thế, chiến lược giáo dục nhoà nhập giai đoạn 2008-2020 sẽ xác định đầy đủ các mục tiêu, các giải pháp mang tính chiến lược cho từng giai đoạn và cho cả giai đoạn đến năm 2020. Mục tiêu là nhằm đưa giáo dục hoà nhập phát triển cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo mọi trẻ khó khăn đều được đến trường và học tập có hiệu quả.

Theo sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Ban điều phối Dự án Giáo dục Tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đã phối hợp với Vụ Giáo dục tiểu học, một số cán bộ nghiên cứu của Viện KHGD Việt Nam và cán bộ giảng dạy trường ĐHSP Hà Nội hình thành nhóm chủ chốt xây dựng 3 văn bản về giáo dục hoà nhập: Chính sách giao dục hoà nhập; Chiến lược phát triển giáo dục hoà nhập giai đoạn 2008-2020; Kế hoạch hành động quốc gia về giáo dục hoà nhập

Chính sách giáo dục hoà nhập bao gồm những điều khoản qui định thực hiện giáo dục hoà nhập một cách có hệ thống và đạt hiệu quả cao. Nội dung cơ bản của chính sách gồm 5 phần: - Mọi trẻ em đều được tiếp cận giáo dục; - Nguồn lực; - Chất lượng giáo dục; - Dịch vụ hỗ trợ; và Trách nhiệm của các Bộ, ngành

Chiến lược giáo dục hoà nhập khái quát, định hướng những nội dung cơ bản, nhấn mạnh vai trò của chiến lược trong quá trình thực hiện chính sách, đảm bảo các chỉ tiêu đặt ra có thể đạt được. Tầm nhìn của Chiến lược giáo dục hoà nhập đến năm 2020 mọi trẻ em, bao gồm cả những em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận giáo dục có chất lượng.

Chiến lược giáo dục hoà nhập gồm 6 phần: - Thực trạng giáo dục hoà nhập hiện nay; - Bối cảnh giáo dục hoà nhập trong nước, cũng như quốc tế; - Các quan điểm chỉ đạo giáo dục hoà nhập giai đoạn 2008-2010; - Mục tiêu chiến lược đến năm 2020; - Các giải pháp phát triển giáo dục hoà nhập; và Tổ chức thực hiện.

Kế hoạch hành động quốc gia về giáo dục hoà nhập bao gồm các giải pháp được thực hiện bằng các chương trình hành động phù hợp với từng mục tiêu đặt ra cho từng giai đoạn phát triển giáo dục hoà nhập.

M.M