“Cô đồng nát” là cái tên thân thuộc mà bà con lối xóm đặt cho Nguyễn Thị Vững, sinh năm 1989, ở Mỹ Phú, Phong Chương (Phong Điền- Thừa Thiên Huế).
![]() |
Phải học vì nhà mình nghèo |
18 tuổi nhưng nhìn Vững rất già dặn bởi sớm truân chuyên mưu sinh, gánh vác việc gia đình. Là chị cả trong một gia đình có 6 người con, bố đau ốm thường xuyên, không lao động được, Vững phải cùng mẹ gánh vác mọi việc trong gia đình, cùng mẹ đi buôn đồng nát khắp làng.
Một nghề không phải cô thanh nữ 18 tuổi nào cũng dám làm. Năm lên lớp 9 vì hoàn cảnh gia đình khó khăn Vững phải nghỉ học, may thay cô được một người dì xa ở tận huyện miền núi A Lưới cưu mang cho đi học.
Năm 2007, Vững thi vào Đại học Huế. Oái ăm thay trước khi vào phòng thi, cô được tin mẹ đang ốm rất nặng phải nằm viện. Vững bước vào phòng thi với đôi mắt đỏ hoe và tâm lý không tốt, do vậy đã bị trượt trong kỳ thi này. Vững lại về làng cùng mẹ làm thuê bất cứ việc gì.
Với quyết tâm vào bằng được đại học, ban ngày cùng mẹ đi làm, ban đêm Vững cố gắng tự học. Cô kể: “Có nhiều hôm gánh hàng cùng mẹ tối đến mệt rã rời nhưng em phải học, chỉ có học mới giúp gia đình thoát cảnh nghèo. Vả lại cũng để thực hiện giấc mơ làm cô giáo của em.
Thấy các bạn tấp nập đi ôn thi em cũng muốn lắm nhưng tiền đâu ra để đi. Mà em đi thì việc nhà không ai lo”. Nỗ lực không mệt mỏi của Vững đã được đền đáp xứng đáng, trong kỳ tuyển sinh đại học vừa rồi cô đã đỗ vào ngành Sư phạm Văn, trường Đại học Sư phạm Huế với số điểm 21,5.
Bà Bé đang sắp lại đồng nát mới mua về |
Cánh cổng trường đại học mở ra trước mắt Vững nhưng đó vẫn là một hành trình dài vượt khó. Điều kiện kinh tế hiện nay của gia đình thì nuôi cô hết 4 năm đại học quả là một điều hết sức khó khăn.
Ngày lên đường nhập học, cầm trong tay 500.000 đồng, số tiền đi buôn đồng nát 2 tháng nay của mẹ, cô rưng rưng nước mắt. Vững tự nhủ vào thành phố sẽ kiếm việc làm thuê để cho mẹ bớt khổ, để mẹ dành tiền cho 5 đứa em ăn học.
Bà Nguyễn Thị Bé, mẹ Vững, người phụ nữ 40 tuổi nhưng trông già hơn nhiều so với tuổi. Đang sắp lại chỗ hàng mới mua chiều hôm qua, gạt vội giọt mồ hôi bà tâm sự: “Vững đậu đại học tui mừng lắm nhưng lo nhiều hơn mừng chú à!”.
Bà Bé cho biết mỗi ngày đi làm kiếm được khoảng từ 20.000 – 25.000 đồng, nhiều lắm cũng chỉ 40.000 đồng. Với số tiền đó lại phải lo cho 6 đứa con đi học nên gia đình bà luôn trong tình trạng “giật gấu vá vai”, lo chạy ăn từng bữa.
Những ngày này Vững đang sống rất eo hẹp, có nhiều bữa phải nhịn ăn vì không có tiền. Huế đang bước vào mùa lụt, cũng là lúc những sinh viên xa nhà thêm âu lo. Hôm chúng tôi đến thăm em tại phòng trọ cũng khi nước lụt vừa rút. Trong căn phòng, Vững vừa học bài vừa kể trong nghẹn ngào: “Mấy hôm ngập lụt, trong túi lại không còn tiền, em đành xin mì tôm các bạn trong xóm để ăn”. |
Nhìn quanh căn nhà cấp 4 ọp ẹp, trống hoác chưa được hoàn thiện, nổi bật nhất có lẽ là cái ti vi đen trắng. Tài sản giá trị nhất bây giờ là con trâu nhưng nó cũng đã được gọi người mua để lấy tiền cho Vững đi học. Bán trâu đi cũng có nghĩa nhà chẳng còn gì.
Bà Bé tâm sự: “Tui biết giờ tui nhiều bệnh lắm nhưng không dám đi khám vì nếu có bệnh thì lấy tiền mô mà chạy chữa. Để rứa đã khi mô nằm xuống rồi hay”.
Hoàng Sơn
Theo Tiền Phong Online
▪ 50% trẻ em bỏ học muốn được học tiếp (24/11/2008)
▪ Ngôi trường mang tên “hi vọng” (24/11/2008)
▪ Sinh viên “đại gia” ở trọ như thế nào? (24/11/2008)
▪ Tốt nghiệp THPT 2009: Mỗi thí sinh một đề riêng? (24/11/2008)
▪ Các chiêu "năng nhặt chặt bị" của du HS Việt Nam (22/11/2008)
▪ Vượt bẫy trắc nghiệm (22/11/2008)
▪ Xếp hạng đại học Việt Nam: Liệu có khách quan, đáng tin cậy? (22/11/2008)
▪ Xin cô cho em nghe giảng bài (22/11/2008)
▪ Con đi học, bố mẹ phải “khéo tay” (21/11/2008)
▪ Nghi vấn “gian lận” ở cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” (21/11/2008)