Trong một số môn học, do giáo viên đưa ra những đề tài thực hành vượt quá khả năng của học sinh nên đã dẫn đến tình trạng cha mẹ phải làm thay con. Biết làm vậy là không tốt, nhưng đa số phụ huynh đều phải làm nếu không muốn con mình bị điểm kém, mất danh hiệu học sinh giỏi. Cô giáo ra đề, phụ huynh thực hiện  | Gìơ học vẽ của HS Trường Tiểu học Việt Mỹ. Ảnh: Quế Anh | Đang là học sinh lớp 5, con chị Ngô Kim Tuyền (Tân Định, quận 1) được cô giáo yêu cầu làm một chiếc áo gối để nộp chấm điểm. Thế là chị ra chợ mua vải rồi nhờ tiệm may đầu chợ. Chị cũng không quên nhắc cô thợ cứ may… ẩu và xấu một chút để cô giáo tin chính con chị làm ra sản phẩm đó. Chị nói: “Tui chưa biết may áo gối, cũng chẳng biết bao nhiêu vải thì đủ. Cứ mua đại 1m, thừa còn hơn thiếu”. Thân gà trống nuôi con, mỗi lần hai cô con gái đưa bài tập thực hành kỹ thuật về nhà là anh Nguyễn Văn Cường (Gò Vấp) toát mồ hôi. Không hề biết đến kim chỉ, nhưng không làm giúp thì các con không chịu đi học. Không đành để con bị điểm kém, anh phải làm phiền mấy cô bạn ĐH cũ. Anh Cường vừa mua cho mỗi đứa con một hộp “đồ nghề” kim chỉ và khung thêu. Anh cho biết thêm, nam sinh cũng phải thêu thùa may vá như nữ sinh. Năm học vừa rồi, mỗi lần con trai có bài thực hành vẽ, tô màu, chị Ngọc Điệp (quận Bình Thạnh) lại dẫn con qua phòng trọ của một nhóm SV gần nhà chị nhờ làm giúp. Năm nay cũng vậy, chị vừa nhờ một SV kiến trúc làm bài thay con. "Làm phiền người ta cũng ngại lắm, nhưng không thể để con mình bị điểm kém”, chị tâm sự. Còn chị Anh Thoa (Võ Văn Tần, quận 3) nói rằng ngày 20/10 vừa qua là một ngày “đáng nhớ” của chị và con trai khi phải thực hiện yêu cầu của cô giáo. Khoảng 10h tối, con trai chị, đang học lớp 6, cho biết: “Cô ra bài thực hành là trang trí màu cho một bông cúc trắng”. Thế là chị phải chạy ra chợ Tân Định, rồi vòng lên chợ Vườn Chuối để tìm hoa cúc trắng nhưng không có. Sau đó phải chạy ra chợ Bến Thành thì mới mua được 1 bông cúc với giá 15.000 đồng. Hơn 11h đêm, chị mới bắt đầu pha màu và tô điểm lên cánh hoa với 3 màu khác nhau để sáng mai con chị mang vào lớp. Phụ huynh đua… điểm số Tuấn Khải, con trai chị Ngọc Điệp, buồn buồn: “Năm ngoái, điểm kỹ thuật của con chỉ đạt 7-8. Nhưng cô giáo không hỏi con là bài này ai làm. Năm nay thì điểm của con toàn được 9, nhưng cô hỏi có phải con tự làm không. Con trả lời cô là mẹ hướng dẫn rồi con tự làm”. Khải cho biết trong lớp có bạn Mai Thi toàn bị điểm thấp môn kỹ thuật vì ba bạn làm không đẹp. Còn đa số các bạn khác đều giống con, được điểm cao vì có người nhà biết làm. Chị Bảo Vân, có con gái đang học lớp 9 vui vẻ kể thành tích của hai mẹ con khi cô bé mới học lớp 3. Bài vẽ và tô màu đầu tiên chị để cháu tự làm, kết quả là bị điểm 4. Từ đó trở đi, đến bài tập vẽ và tô màu là chị làm giúp con, chỉ cần sửa đổi nét vẽ một chút là thành nét vẽ trẻ con. Và cũng từ đó, lúc nào điểm các môn mỹ thuật, kỹ thuật của con chị cũng 9 - 10. Biết làm vậy là không tốt. Nhưng phụ huynh nào cũng làm và con họ được điểm cao. Nếu mình không làm, con mình bị điểm thấp và mất danh hiệu học sinh giỏi”. Cùng suy nghĩ, anh Cường phân trần "nếu phụ huynh không giúp thì con mình thua thiệt so với các bạn trong lớp. Chỉ vì điểm những môn này thấp mà không được là học sinh giỏi thì oan uổng lắm”. Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều phụ huynh chung nhận xét: hầu hết HS đều không thể tự thực hiện được những đề tài thực hành của các môn kỹ thuật, nữ công, mỹ thuật và dinh dưỡng. Do đó, không còn cách nào khác là phụ huynh phải làm thay hoặc nhờ người khác làm để con mình không bị điểm kém. |