7 năm đi học trên lưng cha
Các Website khác - 14/06/2008

 

Anh Nguyên cõng con đi nhận học bổng. (Ảnh: Tường Vy)

Em gái đó là Phan Thị Kim Vân, học sinh lớp 7/4 Trường THCS Tam Lộc (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam). Để đến nhà em, chúng tôi đã phải vất vả vượt qua “con đường đau khổ” vô cùng lầy lội. Người dẫn đường là thầy Lê Minh Hương, hiệu trưởng trường Vân đang theo học. “7 năm trời hết cõng rồi chở con đi học trên con đường này thật là quá khổ và phải kiên trì lắm mới làm được như vậy”, thầy Hương nói.

 

Cha ốm yếu, hai con tật nguyền

 

Đi bộ đội đóng quân ở chiến trường Campuchia những năm 1980, xuất ngũ trở về, anh Phan Châu Nguyên lập gia đình với chị Lê Thị Thường và sinh sống tại thôn 5, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh. Vợ chồng anh sinh được bốn người con thì hai đứa không lành lặn.

 

Cậu con trai đầu lòng Phan Châu Văn chào đời năm 1987. Càng lớn, hai chân cậu bé càng teo tóp; đến tuổi biết đi, cậu chỉ có thể ngồi. Từ đó, mọi sự đi lại của Văn phải nhờ cậy vào chiếc xe lăn.

 

Cô con gái thứ hai lành lặn. Đến cô con gái thứ ba là Phan Thị Kim Vân thì tai họa lại trở lại: em bị teo cơ rồi liệt luôn cả hai chân ngay từ nhỏ. Cậu con trai út may mắn được khỏe mạnh bình thường.

 

Nhìn hai đứa con tật nguyền không tự đi đứng được trong, anh chị Nguyên - Thường không khỏi xót xa. Anh chị làm quần quật tối ngày: làm ruộng, chăn nuôi, làm thuê,… để có tiền nuôi và chữa bệnh cho con.

 

Mấy năm nay, sức khỏe của anh Nguyên không tốt do căn bệnh đường ruột hành hạ. Hết chữa ở Tam Kỳ lại ra Đà Nẵng nhưng không thuyên giảm. Công việc đồng áng anh đành giao hẳn cho vợ. Chị Thường lại tần tảo kiếm tiền nuôi cả con lẫn chồng. Hôm chúng tôi đến nhà, các con chị Thường cho biết mấy bữa nay xong mùa nên mẹ chúng chăn bò trên núi, qua trưa mới về.

 

Vượt qua số phận

 

Năm 1997, Phan Thị Kim Vân đến tuổi tới trường nhưng do tình trạng sức khỏe con không cho phép nên vợ chồng anh Nguyên bàn nhau để con ở nhà. “Chỉ mong cháu được mạnh khỏe là tốt rồi chứ làm răng mà đi học nổi. Hơn nữa, ở nhà có ba mẹ chăm sóc còn đến trường ai lo”, anh Nguyên tâm sự.

 

Bốn năm ngồi nhà, ngày hai buổi sáng chiều nhìn ra ngõ thấy chúng bạn cùng trang lứa tung tăng cắp sách đến trường, cô bé Vân lòng buồn vô tận. Không được đi học, ở nhà cũng chẳng giúp ích gì được cho ba mẹ, Vân càng thấy buồn hơn.

 

Một ngày, anh Nguyên bắt gặp ánh mắt thèm khát con chữ của đứa con gái bé bỏng, anh lại bàn với vợ cho con đi học. Nhưng làm sao đủ sức để cõng cả hai đứa con bệnh tật đến trường? Một lần nữa, vợ chồng lại phải bàn bạc và đi đến quyết định không mong muốn: Anh đầu Phan Châu Văn “hy sinh” cho em Kim Vân. Và Châu Văn phải nghỉ học để nhường lưng cha cho em gái.

 

Một buổi sáng tháng chín năm 2001, anh Nguyên cõng Vân đến trường tiểu học Tam Lộc để xin học. Nhìn đứa con gái tật nguyền lớn hơn bạn bè bốn tuổi, ngồi ngơ ngác giữa lớp, vợ chồng anh Nguyên không dám nghĩ rằng Vân sẽ học hết tiểu học. Thế nhưng, 5 năm trôi qua, đáp lại công ơn của ba mẹ, Vân không chỉ học hết tiểu học mà còn học rất giỏi, là một trong những học sinh tiêu biểu của trường.

 

Đến lúc này, không lý do nào để đứa con học giỏi chăm ngoan bỏ lửng giữa chừng, anh Nguyên lại quyết định tiếp tục cõng con đi học lên cấp 2. Trước đây, nỗi vất vả là một (trường tiểu học cách nhà 1km) thì nay tăng lên gấp năm. Con đường từ nhà anh đến trường được người dân nơi đây đặt tên “con đường đau khổ” bởi mùa mưa thì phải xắn quần lên tận gối mà lội bùn. Vì vậy, vào mùa nắng, anh Nguyên chở con đi học bằng xe đạp, mùa mưa, anh cõng con qua quãng đường lầy lội tới trường.

 

Thầy Lê Minh Hương tỏ ra rất khâm phục sự thông minh và ý chí của cô học trò. “Bị tật nguyền mà học như vậy là quá giỏi rồi. Ngay cả đứa con của mình học cũng “chiến” lắm nhưng hai năm qua vẫn không thể vượt qua Vân”.

 

Không chỉ xếp vị trí nhất khối (điểm trung bình cả năm lớp 7 là 8,9 điểm, trong đó Toán 9,6 điểm, Lý 9,4 điểm), Kim Vân còn đại diện cho trường tham gia kỳ thi học sinh giỏi huyện và đoạt giải khuyến khích.

 

Tuy giải không cao nhưng với một học sinh khuyết tật như Vân thì đó là một thành tích đáng khâm phục và tự hào. Với kết quả đó, Kim Vân đã được trao học bổng “Niềm hy vọng” năm 2008 do Báo Quảng Nam, Hội Khuyến học tỉnh và Công ty bia Huế trao tặng.

 

Khi được hỏi về ước mơ của mình trong tương lai, Vân cho biết sẽ cố gắng học giỏi và nếu có điều kiện trở thành cô giáo để có thể truyền kiến thức cho các học sinh nghèo, có hoàn cảnh éo le như mình. Mong rằng mơ ước giản dị và ý nghĩa đó của cô trò nhỏ tật nguyền sẽ sớm trở thành hiện thực.

Tường Vy