"Bốn không" và sự thay đổi tư duy người thầy
Các Website khác - 20/11/2008
 
Cô và trò tại một lớp mẫu giáo ở Hà Nội.
 Từ năm học 2006-2007, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã phát động cuộc vận động "Hai không" - "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục". Sang năm học 2007-2008, cuộc vận động "Hai không" được bổ sung thêm hai nội dung là: "Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không theo nhu cầu xã hội".

Và với năm học 2008 - 2009, năm thứ ba ngành giáo dục thực hiện cuộc vận động này cho thấy quyết tâm của Bộ GDĐT nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Trước một phong trào thi đua lớn của ngành, các thầy cô giáo có tâm tư gì?

* Thầy Nguyễn Văn Tấn - Hiệu trưởng Trường Nguyễn Thị Diệu (TPHCM): Phong trào đã có tác dụng, ít nhất ở tư duy giáo viên. Đã qua 3 năm, kể từ khi Phong trào nói không với bệnh thành tích trong giáo dục được Bộ GDĐT triển khai, từ thực tế của trường tôi cho rằng phong trào thi đua này đã có tác dụng, ít nhất ở tư duy của giáo viên.

Họ không còn căng thẳng với những "rào cản" như tỷ lệ phần trăm học sinh khá giỏi... để phân loại giáo viên, lớp giỏi... Chính vì thế, ngay tại trường tôi, một số giáo viên trẻ cũng đã mạnh dạn hơn khi áp dụng những sáng tạo trong từng tiết dạy, để mang lại những tiết học hào hứng cho HS.

Tuy nhiên, để giáo viên có thể phát huy hết tinh thần trách nhiệm cũng như hiệu quả giảng dạy của mình thì theo tôi, không chỉ có phong trào thi đua mà còn cần cả những hỗ trợ khác như những thay đổi thêm về giáo trình giảng dạy cho bớt nặng nề...

Giờ dạy môn lịch sử bằng giáo án điện tử tại Trường tiểu học Kim Liên (Hà Nội).

* Thầy Võ Anh Dũng - Hiệu trưởng Trường chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM): Chất lượng của những trường có truyền thống nghiêm túc được nổi bật hơn. Có thể quá tự hào, song vốn là trường nổi tiếng về chất lượng đào tạo nên phong trào này không ảnh hưởng lắm đến chuyên môn nhà trường. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể hơn, tôi cho rằng phong trào này đã làm nổi bật được những trường nghiêm túc.

Điều này thể hiện qua chất lượng học sinh vẫn được duy trì ổn định ở mức cao, đối với những trường đã có một bề dày về chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, tôi cũng bổ sung thêm, để thật sự hiệu quả trong công tác đào tạo thì cùng với các phong trào thi đua phải là những chính sách mới từ nhân lực, vật lực đến giáo trình giảng dạy... cũng phải thay đổi phù hợp. Như vậy, chất lượng giáo dục mới thực sự hiệu quả và bền vững...

* Cô Lê Thị Nhung - GV văn Trường THPT Lê Viết Tạo, Hoằng Hoá, Thanh Hoá: Học sinh ý thức được khả năng thực chất của mình, không ảo tưởng như trước đây. Không chỉ giáo viên trẻ mà ngay cả giáo viên lớn tuổi cũng ủng hộ các phong trào này.

Tuy nhiên, một số giáo viên đang phấn đấu hoặc có mục tiêu nhất định thì có phần e ngại bởi nếu làm thực chất lại ảnh hưởng đến mục tiêu phấn đấu. Có mâu thuẫn trong ngành là bắt đánh giá thực chất HS nhưng lại đề ra quy định cứng về chỉ tiêu đối với giáo viên, điều này thực sự khiến giáo viên nhiều lúc "khó xử".

* Thầy Vi Thanh Hải, giáo viên Trường THCS Võ Miếu, Thanh Sơn, Phú Thọ: Phải uốn từ từ. Đây là cuộc vận động cần phải làm trong thời điểm hiện tại. Đã qua ba năm nhưng tôi vẫn thường được nghe nhiều thầy cô trao đổi với nhau, biết là phải làm nhưng không phải nói là làm được luôn. Măng đã mọc thì không thể chặt ngay đi mà phải uốn từ từ. 

Ý thức HS trong học tập có chuyển biến phần nào nhưng chưa thật sự mạnh mẽ. Giáo viên còn chịu ràng buộc nhiều thứ, không phải đơn giản nói mà làm được ngay. Chẳng hạn như việc đăng ký chỉ tiêu HS giỏi, HS tiên tiến đầu năm học.

Việc đăng ký này có 2 mặt: mặt tích cực là để giáo viên tự điều chỉnh lại mình. Mặt tiêu cực là giáo viên sợ không hoàn thành được chỉ tiêu sẽ bị đánh giá nên có thầy cô vẫn sẽ tìm cách "khắc phục" vấn đề này.

Thể Uyên - Hạnh Ngân