Phóng sự ảnh: Trồng người tận Tây Côn Lĩnh
Các Website khác - 20/11/2008
Con đường từ trung tâm huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) vào xã Bản Phùng, xã của người La Chí, nằm trên sườn đỉnh Tây Côn Lĩnh khủng khiếp nhất huyện. Tôi và anh dẫn đường cứ vừa đi vừa đẩy xe máy từ sáng đến tối mới hết 30 km đường, chỗ toàn đá hộc, chỗ bùn lầy ngập bánh xe. Đường nhỏ, vực sâu, sểnh chân, trượt xe rơi xuống thung lũng là tan xương nát thịt.


Từ trung tâm xã Bản Phùng, tôi cuốc bộ từ sáng đến 3 giờ chiều mới đến điểm trường Phủng Cá. Tôi thấy mỗi cô giáo Nhung ngồi trong lớp. Nói là lớp học chứ cái đó trông giống chuồng trâu hơn. Cô giáo Nhung bảo, chờ mãi mà chẳng thấy em nào đến lớp. Lạnh quá, gió to, các em đều tự ý nghỉ học.

         

Hồi năm ngoái, thầy Lâm, cô Nhung, cô Hiệp xung phong lên đỉnh Tây Côn Lĩnh với khát vọng là những người đầu tiên kéo đồng bào La Chí nơi này ra khỏi cuộc sống rừng rú hoang rậm. Đi bộ tóe máu chân mới vào đến điểm trường, để rồi cô giáo Nhung và cô giáo Hiệp ôm nhau khóc nức nở. Lớp học của các cô gồm có 4 cái cột, vài thanh gỗ chắn ngang, không có tường, không có mái. Thực tế, nó là cái chuồng trâu, đã được cải tạo lại.           

 

Điểm trường hiện tại của cô giáo mới được làm lại, lợp Phibrô ximăng hẳn hoi. Tuy nhiên, mới chỉ có một chiếc bàn và mấy chiếc ghế. Cô giáo Nhung vừa dạy học được mấy buổi thì gió thổi bay mất cả bảng, bay mất 2 cái bàn và rách cả 4 vách liếp.

 

Hôm nào trời mưa, cô Nhung xắn quần lội nước giảng bài, học sinh cũng đứng giữa bùn lầy lõm bõm nước để học chữ. Cô giáo Nhung bảo, học hành khổ quá nên hôm nay các em không đi học nữa. Vậy là, chiều hôm đó, cô Nhung lại bắt đầu hành trình đến nhà từng em để vận động cha mẹ các em cho con đi học.

 

Tôi trèo lên đỉnh Lủng Cẩu cao gần 2.200m vào những ngày mà ở miền xuôi, hàng triệu học sinh và giáo viên đang chuẩn bị tưng bừng cho ngày lễ thiêng liêng 20-11. Thế nhưng, đối với các thầy cô dạy chữ ở vùng rừng núi khuất nẻo này, Ngày nhà giáo Việt Nam có lẽ là một cái ngày lễ gì đó và của ai đó, thật xa lạ!

 

 

Vừa đi vừa đẩy xe cả ngày mới hết đoạn đường 30km từ thị trấn Hoàng Su Phì đến xã Bản Phùng của người La Chí, và phải đi bộ gần một ngày mới đến điểm trường Lủng Cẩu, Phủng Cá nằm trên sườn dãy Tây Côn Lĩnh hùng vĩ.

Đường xa, nên học sinh phải ở nội trú. Bữa ăn quanh năm của các em chỉ có màu trắng của cơm và màu xanh của rau. Hôm nay, 25 học sinh của trường Bản Phùng có món cải thiện, đó là miếng bí.

Các em học sinh được sống trong những ngôi nhà nội trú dân nuôi.
Dù còn nghèo đói, song học sinh miền núi đều khao khát được học chữ.
Đây là lớp học của cô giáo Phạm Thị Hoa Lài. Lớp học ở đây đều phải làm bằng tường đất rất dày để chống rét.
Các em rất chăm chú nghe thầy giáo giảng bài.
Nơi ở của các thầy cô chỉ là những ngôi nhà tạm. Mùa đông, trên Tây Côn Lĩnh rất lạnh, tuyết rơi trắng trời, nước đóng băng dưới suối. Nhà liếp, gió lùa, chịu không thấu.
Cổng điểm trường Lủng Cẩu quanh năm chìm trong mây mù.
Gió rét căm căm. Tôi phải mặc áo len, áo da vẫn vẫn thấy lạnh, song các em học sinh vẫn phong phanh nô đùa trong mưa lạnh, gió buốt.
Tôi theo cô giáo Nhung cuốc bộ ròng rã mấy tiếng đồng hồ lên điểm trường Phủng Cá song chẳng thấy học sinh nào đến lớp. Gió trên Tây Côn Lĩnh lúc nào cũng như bão, đã thổi bay vách liếp, mái tôn, bàn ghế, bảng viết.
Kể cả nhà ở của giáo viên trường cấp 1, cấp 2 Bản Phùng cũng bị gió Tây Côn Lĩnh thổi bay mất mái tôn.
Rời đỉnh Lủng Cẩu, tôi còn nghe rõ tiếng hát trong veo của cô giáo Hiệp và những học sinh của cô: "Quê hương em biết bao tươi đẹp/ Đồng lúa xanh núi rừng ngàn cây/ Khi mùa xuân thắm tươi đang trở về/ Ngàn lời ca vui mừng chào đón... (Bài hát Quê hương tươi đẹp của tác giả Anh Hoàng).

Phạm Ngọc Dương