Để tạo ra những “sản phẩm” chất lượng quốc tế như trên, các trường cần được trang bị một môi trường hoạt động chất lượng quốc tế bao gồm các thành tố chính yếu sau:
Đội ngũ giảng viên quốc tế. Đội ngũ giảng viên quốc tế không nhất thiết là thuộc nhiều quốc tịch khác nhau mà điều quan trọng là họ phải có bằng cấp quốc tế và kinh nghiệm làm việc trong môi trường đa văn hóa. Đội ngũ này phải sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính, ở trình độ cao, trong học thuật và sinh hoạt.
Để hình thành được một đội ngũ giảng viên quốc tế người Việt, cần có sự chuẩn bị về đội ngũ mà nổi bật là các chính sách về đào tạo (học bổng), đãi ngộ, giao lưu học thuật quốc tế, điều kiện làm việc, chính sách mở trong tuyển dụng giảng viên, và thỉnh giảng các giảng viên nước ngoài.
Đầu vào của đội ngũ sinh viên. Cần có những cải cách triệt để trong công tác tuyển sinh đầu vào như áp dụng phương pháp đánh giá quá trình (kết quả học tập trong quá khứ, điểm thi tốt nghiệp THPT, thành tích thể thao và công tác xã hội) kết hợp thư giới thiệu của các thầy giáo cũ, bài tự luận của ứng viên, và điểm thi các bài thi chuẩn hóa như SAT, TOEFL, GMAT.
Trong những năm gần đây hệ thống các trường phổ thông dân lập quốc tế đã hình thành và hoạt động tốt, đây chính là một trong những nguồn cung cấp đầu vào chất lượng cao cho các trường đại học quốc tế. Mặt khác cần xây dựng cơ chế giao lưu quốc tế để có thể định kỳ trao đổi sinh viên giữa các trường trong khu vực và trên thế giới.
Đội ngũ quản lý giáo dục chuyên nghiệp. Đội ngũ này chính là những nhà hoạch định, tổ chức và lãnh đạo các trường. Cần đưa đi đào tạo và sử dụng hiệu quả các chuyên gia quản lý giáo dục chuyên nghiệp.
Trên thế giới đây là một lĩnh vực chuyên nghiệp và cần những người chuyên nghiệp chứ không đơn thuần đưa các giáo sư/nhà giáo có uy tín chuyên môn lên làm quản lý - một việc có khi còn làm giảm hiệu quả hoạt động của nhà trường.
Cơ chế quản lý hiện đại. Cần có những cải cách mạnh mẽ để tạo điều kiện cho các trường phát triển, trong đó tập trung trao quyền tự chủ về đào tạo, cấp bằng, chuyên môn, tài chính, lương, đãi ngộ, tuyển sinh, hợp tác quốc tế cho nhà trường, chính sách học phí, chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Bên cạnh đó cũng cho phép các trường áp dụng cơ chế quản lý nhân sự mở với việc trao đổi giảng viên - sinh viên định kỳ với các trường nước ngoài, cũng như cơ chế giao lưu học thuật và liên kết với các trường đại học quốc tế khác.
Hệ thống đảm bảo chất lượng. Một trường chỉ trở thành một trường quốc tế đúng nghĩa khi nó được cộng đồng quốc tế (cộng đồng học thuật, cộng đồng sử dụng lao động) công nhận. Trong yêu cầu này, việc được công nhận bởi các tổ chức quốc tế có uy tín như AACSB của Mỹ chuyên công nhận chất lượng cho các trường kinh doanh trên thế giới là một chỉ số chất lượng hết sức quan trọng.
Để được công nhận, các trường phải xây dựng được bộ tiêu chuẩn chất lượng của mình và triệt để tuân thủ các tiêu chuẩn đó, cũng như phải thường xuyên tự đánh giá, nhận các phản hồi chất lượng từ các yếu tố bên ngoài hệ thống (như phản hồi của doanh nghiệp về chất lượng sinh viên, phản hồi của các cộng đồng khoa học về chất lượng nghiên cứu khoa học…).
Cơ sở vật chất. Đối với các trường kinh doanh hiện nay, trang thiết bị thường không quá đắt tiền vì không phải đầu tư vào các phòng thí nghiệm như các ngành học khác. Trang bị chủ yếu là máy tính với các phần mềm tiện ích - mô phỏng, Internet, máy chiếu projector, thư viện, thư viện điện tử. Bên cạnh các trang thiết bị phục vụ trực tiếp quá trình dạy và học là phần phục vụ nhu cầu giải trí và thể thao như phòng tập thể dục, hồ bơi, sân tennis, và các ký túc xá tiêu chuẩn. Chính những tiện nghi này giúp hình thành một thế hệ những nhà quản lý toàn diện với đầy đủ trí lực và thể lực.
Chương trình đào tạo. Yêu cầu tất yếu là thay đổi căn bản chương trình đào tạo.
Đầu tiên tránh việc sao chép nguyên xi các chương trình đào tạo của các nước mà phải thể hiện được yếu tố hoàn cảnh của VN. Cần nghiên cứu và hình thành quan điểm chung về quá trình phát triển, quốc tế hóa của VN để từ đó xây dựng chương trình đào tạo.
Thứ hai, cần giảm thiểu khối lượng các môn học không thật sự cần thiết. Chú trọng mối quan hệ giữa đào tạo phương pháp và đào tạo nội dung, trong đó tập trung nhiều cho việc đào tạo phương pháp (phương pháp nghiên cứu, phương pháp giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo, phương pháp tự đào tạo, tự hoàn thiện...).
Thứ ba, ứng dụng các phương pháp đào tạo và đánh giá hiện đại đang được sử dụng tại hầu hết các trường kinh doanh trên thế giới như giảng dạy theo nhóm, phương pháp tương tác (giảng viên với người học, người học với nhau, người học với môi trường, người học và máy móc...), phương pháp tình huống (case study), phương pháp mô phỏng, game…
Thứ tư, chương trình đào tạo cần đảm bảo tính đa ngành, đa lĩnh vực, và đa văn hóa. Các môn học phải có tính tương tác, hỗ trợ và bổ sung cho nhau, tránh các kiến thức đơn lẻ, trùng lặp, gây lãng phí.
Thứ năm, lâu nay các trường kinh doanh (cả trên thế giới) đều mạnh trong đào tạohoạch định (planning), nhưng lại yếu trong đào tạo thực hiện, tổ chức, triển khai (implementation) các kế hoạch. Cần có các chương trình cụ thể để cải tiến vấn đề này, trong đó việc đưa sinh viên về thực tập một cách có thực chất ở các doanh nghiệp là một trong những giải pháp tốt.
Thứ sáu, chú trọng hơn nữa tính toàn diện của chương trình đào tạo, trong đó có vai trò của các kỹ năng quản lý như ra quyết định, làm việc nhóm, nói chuyện trước công chúng, thuyết phục, thương lượng, kỹ năng tìm và xử lý thông tin, kỹ năng giao tiếp - xử lý tình huống, kỹ năng sử dụng các thiết bị hiện đại, kỹ năng trang phục - thẩm mỹ...
Nghiên cứu khoa học. Hiện nay rất hiếm các công trình nghiên cứu về kinh tế, quản lý, kinh doanh trong nước được đăng tải trên các tạp chí khoa học uy tín của thế giới. Quan sát sơ bộ trên các diễn đàn khoa học trong nước có thể thấy lý do chính là cách tiếp cận rất khác nhau trong nghiên cứu khoa học.
Ở VN, chúng ta có thể thấy phổ biến các “nghiên cứu hiện trạng và đề xuất giải pháp” với hàng loạt kiến nghị “cần, phải, nên…”. Đây là điển hình của thể loại nghiên cứu chuẩn tắc (normative), nghiên cứu cái phải làm.
Ngược lại các nhà khoa học trên thế giới chủ yếu tập trung nghiên cứu theo thể loại thực chứng (positive), nghiên cứu cái thực tế đang diễn ra, nghiên cứu các mối quan hệ khách quan giữa các sự vật và hiện tượng.
Họ phát triển các phương pháp nghiên cứu, đo lường, lượng hóa các hiện tượng, khái niệm trong kinh tế và quản lý với quan điểm phải đo lường được mới quản lý được, và phải thực chứng tốt mới có chuẩn tắc tốt.
Để hội nhập với thế giới trên phương diện nghiên cứu khoa học, các trường kinh doanh có lẽ phải đầu tư nhiều hơn cho các nghiên cứu thực chứng, trong đó cần chú ý hai mối liên kết: (1) với cộng đồng doanh nghiệp, và (2) với các cộng đồng nghiên cứu của thế giới.
VŨ THẾ DŨNG
▪ ĐH Y Dược Cần Thơ công bố điểm chuẩn (14/08/2005)
▪ 33 trường đã công bố điểm chuẩn (13/08/2005)
▪ Điểm chuẩn 73 ngành của ĐH Huế (13/08/2005)
▪ Học sử minh hoạ hứng thú hơn? (13/08/2005)
▪ ĐH Đà Lạt, Công nghệ Sài Gòn thông báo điểm chuẩn, NV2 (14/08/2005)
▪ Những trường nào tuyển đợt 2, 3? (13/08/2005)
▪ ĐH Cần Thơ công bố điểm chuẩn, xét tuyển NV2 (14/08/2005)
▪ Không thèm đến trường vẫn học tốt? (14/08/2005)
▪ Điểm chuẩn, danh sách trúng tuyển CĐ bán công Hoa Sen, CĐ Tài chính kế toán 4 (12/08/2005)
▪ Học bổng trưởng Bosworth và Brooke House (12/08/2005)