(VietNamNet) - "Đảm bảo giờ giấc học tập: Tốt", "Trình độ giảng viên: Không có ý kiến", "Hiệu quả sử dụng các phương tiện phục vụ giảng dạy: Khá", "Khả năng truyền đạt niềm say mê cho sinh viên: Trung bình"... Những bảng nhận xét như thế này đã trở thành một kênh thông tin về tình hình dạy - học tại các trường ĐH Thăng Long, Phương Đông, Quản lý kinh doanh hay trung tâm Aptech...
Cho đến nay, nhanh nhẹn và chủ động nhất trong việc triển khai áp dụng phương pháp "trò chấm điểm thầy" là những trường ĐH dân lập và các trung tâm đào tạo liên kết.
Cải cách có điều kiện
Aptech Việt Nam, một hệ thống trung tâm đào tạo khá lớn sử dụng biện pháp này như một công cụ đánh giá chất lượng giảng viên hữu hiệu. Cuối mỗi môn học, học viên sẽ điền vào phiếu đánh giá (không cần ghi tên) theo 5 tiêu chí: Tuân thủ giờ giấc, tiếp xúc học viên, chương trình giảng dạy, trình độ lý thuyết và hỗ trợ thực hành... với 4 mức điểm. Sau khi thu thập ý kiến của ít nhất 65% học viên, số liệu sẽ được tổng hợp để quy thành điểm cụ thể.
Là trường ĐH dân lập đầu tiên của Việt Nam (thành lập năm 1989), ĐHDL Thăng Long cũng là một trong những cơ sở đào tạo đi tiên phong trong việc thử nghiệm các hình thức dạy và học.
Đều đặn mỗi học kỳ, các SV trường lại nhận được một phiếu "Nhận xét giảng viên" cho mỗi môn học. Mỗi phiếu có đến 20-30 đề mục với đủ các tiêu chí và thang điểm để SV thể hiện vai trò người đánh giá.
Thời gian đầu, công việc này chủ yếu được tiến hành với các giảng viên cơ hữu (nằm trong biên chế của nhà trường). Con số này là 100 người. Hiện tại, nhà trường đã mở rộng phạm vi và lấy ý kiến của SV đối với giảng viên thỉnh giảng ở một số môn. SV của trường cho biết, đa số các thầy đều ủng hộ hình thức này. Thậm chí, nhiều giảng viên chưa được đánh giá còn xin ban Giám hiệu nhanh chóng áp dụng với mình.
Trường ĐHDL Phương Đông lại trao quyền tự quyết cho các khoa. Mỗi khoa, dựa trên tình hình giảng viên và công tác giảng dạy của mình tự phác thảo những tiêu chí cần đánh giá. Các khoa Tài chính và Quản trị kinh doanh đã duy trì chế tài này từ vài năm học. Tuy nhiên, có những đơn vị như khoa Ngoại ngữ vẫn còn tranh luận lên xuống.
Trường ĐH Quản lý kinh doanh, SV thậm chí còn được yêu cầu khoa đổi giảng viên khi họ thấy không đáp ứng được nhu cầu về chất lượng.
Hào hứng với "đặc quyền"
Phận học trò, từ xưa đến nay, đi học hầu như chỉ được (hay bị) thầy cô cho điểm và nhận xét, nếu có những hành động tương tự ở chiều ngược lại cũng chủ yếu được khoanh vùng trong ranh giới những trao đổi ngoài lề. Việc SV bộc lộ thái độ khen chê đối với thầy cô hay bài giảng thường dừng ở những cuộc thì thầm trên lớp hay những buổi trà nước ngoài quán. Thế nên, không lạ khi hình thức mới mẻ này gây ngạc nhiên cho khá nhiều bạn.
Trần Thu Trang, lớp AJ17 (Anh Nhật doanh nghiệp - ĐH Thăng Long) rất hào hứng khi nói về "đặc quyền" này. Theo Trang, việc này giúp giảng viên và SV hiểu nhau hơn. "Nhiều môn học, thầy dạy có kiến thức rất tốt nhưng cách truyền đạt lại chưa được phù hợp lắm. Việc nhà trường cho chúng em được góp ý thông qua hình thức chấm điểm này vừa dân chủ lại dễ dàng hơn là nói trực tiếp với các thầy cô".
"Hình thức này tạo cho SV cảm giác tự chủ, không còn phải chấp nhận việc cho gì nhận nấy" - Nguyễn Văn Chiến, đang học tại ĐH Tôn Trung Sơn, Đài Loan nói về cảm giác của mình khi còn là cựu SV trường ĐH Quản lý kinh doanh. Sơn cho rằng việc chấm điểm mang lại hiệu quả thiết thực, vì các giảng viên sẽ phải luôn nỗ lực cải tiến chất lượng giảng dạy của mình nếu không muốn bị chấm điểm kém. Và đó là động lực để giảng viên dạy tốt hơn.
Việc "chấm điểm" này không chỉ đơn thuần thoả mãn cái mác "dân chủ hoá" bằng việc cho SV lên tiếng.
Ít nhiều, ở những nơi đã triển khai, nó đã có tác động đến việc sử dụng giảng viên. Nếu không đạt yêu cầu về năng lực sẽ điều chỉnh hợp đồng. Có những trường hợp không đủ tiêu chuẩn để đứng lớp, nhà trường sẽ có biện pháp xử lý phù hợp.
Ở trường Phương Đông và Thăng Long, trong các phiếu cho điểm còn có mục để ngỏ phía cuối: Có bức xúc gì thì phản ánh. Đã có trường hợp hai giảng viên phải "dứt áo ra đi" sau khi "được" nêu tên trong một bản đánh giá về việc đã từng nhận tiền của SV.
"Trường không muốn...bày vẽ"
Thầy cô đến lớp muộn, nghe điện thoại trong giờ học, thậm chí cả chuyện "đi chùa thầy" vào mỗi kỳ thi học kỳ... ở nhiều trường ĐH đã dần được giới SV mặc nhiên coi là "chuyện không có gì mà ầm ĩ". Vẫn có thể ấm ức và phàn nàn với nhau ở đâu đó, nhưng để phản ánh hoặc kiến nghị lên khoa, hay lên ban Giám hiệu nhà trường thì không nhiều người sẵn sàng. Tâm lý ngại va chạm hay nhiều khi là sợ bị trù dập... đã dần hình thành thói quen dĩ hoà vi quý: "ôi, phải thông cảm cho các thầy" hoặc "có nói cũng chẳng cải thiện gì mấy".
Ở một khía cạnh nhất định, việc để SV chấm điểm giảng viên là một động thái tích cực. Chí ít, nó cũng làm động đậy cái mặt ao thụ động trong tâm lý tiếp nhận hình thức giảng dạy.
Nhưng, nếu như việc chấm điểm giảng viên chỉ toàn những mặt hữu ích như thế, chắc không phải đến bây giờ nó mới được đưa ra thành chuyện bàn luận "nên chăng".
Một giảng viên khoa Ngoại ngữ, ĐH Phương Đông băn khoăn: "Để SV đánh giá cũng chưa phải chính xác. Có những em kém, nếu mình nghiêm khắc thì có khi nó chẳng thích, lại chấm điểm thấp đi. Hơn nữa, việc được đưa lên bàn cân để mổ xẻ về trình độ, thái độ... sẽ khiến nhiều giảng viên cảm thấy mất tự tin".
Đôi khi, kể cả trong trường hợp SV phản ánh đúng, nhưng lại chạm vào vấn đề tế nhị, thì sẽ ảnh hưởng khá tiêu cực đến thầy cô. Ngay cả việc công khai những nhận xét chưa hài lòng về trình độ, về phương pháp... nếu không khéo cũng gây ra tác dụng ngược.
ĐH Bách khoa TP.HCM đã từng thử nghiệm cách làm này từ khá lâu, nhưng sau một thời gian thì "dừng lại".
Hiệu trưởng một trường ĐH dân lập đang triển khai hình thức này, thành thật "Đổi mới theo hình thức này là bắt buộc, vì trường triển khai hình thức học theo tín chỉ. Mà học tín chỉ thì SV được quyền chọn lớp, chọn thày... thày giỏi thì nhiều em theo. Thế nên mới phải làm đánh giá. Chứ thực lòng, chả ai muốn bày vẽ làm gì, mệt lắm".
SV chấm điểm: Tạo cạnh tranh lành mạnh cho GV
"Không biết có phải do đặc thù nghề nghiệp hay quản lý kiểu tư nhân hay cả hai lý do đó mà tôi hoàn toàn tán thành ý kiến để học sinh chấm điểm thầy giáo. Điều này giúp cho những người đứng trên bục giảng có ý thức trau dồi kiến thức của mình. Trình độ và đòi hỏi của SV ngày càng cao, và người thày phải luôn tự làm mới mình để đáp ứng". Anh Nguyễn Quang Vinh, giảng dạy kỹ thuật tại một trường dân lập chia sẻ.
Cô Đặng Kim Nhung, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thăng Long, người chủ nhiệm đề tài "đánh giá giảng viên" cho biết: Căn cứ vào những phản hồi này, nhà trường sẽ nắm được phần nào công tác nghiên cứu và giảng dạy của các giáo viên. Đây là một kênh tham khảo đối tượng được phục vụ để lượng hoá sự đóng góp của các thành phần tham gia giảng dạy. Và hơn hết, nó tạo cơ hội cạnh tranh lành mạnh giữa các giảng viên.
PGS.TS Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng ĐH Phương Đông cũng khẳng định "Việc đánh giá giáo viên rất khó, và không thể chính xác hoàn toàn, nhưng đây là một tiêu chí không thể bỏ qua".
"Cũng xin chia xẻ ý kiến với một số bạn cho rằng cần có thời gian để giảng viên quen với việc này. Với Aptech - chấp nhận đứng lớp tức là chấp nhận để SV đánh giá" - Tiến sỹ Lê Trường Tùng, Giám đốc TT đào tạo Aptech Việt Nam nhận định.
Ý kiến của bạn:
▪ Trao học bổng cho các đại học xuất sắc châu Á (14/11/2005)
▪ Ưu đãi diện nhập di cư có tay nghề (12/11/2005)
▪ Tranh cãi về phân quyền trong GD (12/11/2005)
▪ Học trò đông thì giáo viên... buồn (13/11/2005)
▪ Tuyên dương học sinh đoạt giải các kỳ Olympic quốc tế (11/11/2005)
▪ "Làm quen với trắc nghiệm" để nhận nhiều giải thưởng hấp dẫn (12/11/2005)
▪ TP.HCM: mừng thọ 35 nhà giáo hưu trí (12/11/2005)
▪ Học bổng trường Nghệ thuật LASALLE-SIA Singapore (11/11/2005)
▪ Du HS ở Ireland không muốn về nước (11/11/2005)
▪ Thưởng 219 triệu đồng cho HS đạt giải quốc tế (11/11/2005)