Học trò đông thì giáo viên... buồn
Các Website khác - 13/11/2005

"Giá mà..." là hai từ chúng tôi được nghe nhiều nhất khi tiếp xúc với các học sinh tại Trường Giáo dưỡng số 3 - một trong 4 trường giáo dưỡng thuộc Cục V26 - Bộ Công an (đặt tại xã Hoà Phú, huyện Hoà Vang, Đà Nẵng).

Nơi đây, các giáo viên mặc sắc phục công an đang ngày đêm "giành" lại các em từ cạm bẫy, tội ác. Mấy năm trước, số học sinh của trường chỉ vào khoảng 200 em/năm, thế nhưng năm 2004 - 2005 con số này tăng lên gần 2 - 3 lần. Hàng trăm lý do đã đưa các em đến nơi này.

Soạn: AM 617643 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Học sinh thuộc đội 9 trong giờ lao động chiều

Học trò đông thì giáo viên... buồn

Chúng tôi đến Trường Giáo dưỡng số 3, con đường ven núi có vẻ dài hơn giữa trưa nắng. Mới 10 giờ 30 phút nhưng khi đề nghị được gặp học sinh, thầy hiệu trưởng phì cười: "Giờ này, học sinh nghỉ rồi, các em học từ  6 giờ 30 nên đến giờ này là hết giờ. Nếu những buổi lao động, rèn luyện mà làm theo giờ hành chánh thì nắng lắm, vất vả cho các em". Đến đầu giờ chiều, sau cuộc trò chuyện, chúng tôi được thầy hiệu trưởng dẫn một vòng gặp những em "cá biệt" này.

Thượng tá Nguyễn Tiến Hoạt - hiệu trưởng nhà trường, người đã 17 năm gắn bó với công tác này, vừa dẫn chúng tôi "tham quan" vừa tâm sự: "Trong một lớp học có 1 đến 2 em cá biệt là giáo viên đã vất vả như thế nào huống hồ những lớp học ở đây 100% các em là cá biệt. Các em vào đây có độ tuổi từ 12 đến dưới 18 với các lỗi như: Lang thang, trộm cắp, sử dụng mua bán ma tuý, gây rối trật tự công cộng, mại dâm, hiếp dâm thậm chí có cả giết người. Phần lớn các em rơi vào các gia đình không hoàn thiện như bố mẹ ly dị, bỏ nhau, ở với dì ghẻ, nhà nghèo, ở với ông bà, một số con em cán bộ cao cấp, con nhà khá giả... Thấy học trò càng đông, chúng tôi lại buồn...".

Theo thống kê của trường, năm 2000 có 351 em vào trường, 2001 có 206 em, 2002 là 269 em - thế nhưng, từ năm 2004 đến nay, tỉ lệ các em vào trường tăng cao nhất từ trước đến nay: 700 em. Kết quả khảo sát trong 150 học sinh thì có đến 82% nghiện thuốc lá, 70% thích uống rượu bia, 72% thích uống càphê, 20% đã từng hút bồ đà và sử dụng các chất ma tuý khác.

Nhìn những con số trên, thầy Hoạt lắc đầu: "Tình trạng nghiện ngập các chất kích thích  trên đã thúc đẩy và hình thành trong các em một cuộc sống lệch chuẩn về đạo đức". Riêng trình độ học vấn thì khỏi nói, 46% chưa học hết tiểu học, 1% không biết chữ, số còn lại đang học dở dang trung học (TH) cơ sở, rất ít em có trình độ TH phổ thông.

Lỗ hổng: Gia đình

Tôi mượn tập hồ sơ của một vài học sinh, khi đọc bản tự khai của các em tôi cảm giác "lành lạnh" ở sống lưng và lắc đầu ngao ngán. Nhiều em ngay từ lúc sinh ra đã bị người lớn "vạch" lên "tờ giấy trắng" nào là sự hận thù và tội lỗi, chứng kiến được những hành động lặp đi lặp lại mà người lớn vi phạm đã khiến các em chai sạn và nhiễm dần.

Em V.T.T.Mai, sinh năm 1991 ở Gia Lai, vào trường tháng 4.2005, đã kể lại cuộc đời mình: "Sinh ra trong gia đình nghèo, không được bố chấp nhận nên phải mang họ mẹ. Sau đó, bố mẹ ly dị nên em phải sống với ông bà ngoại. Mẹ lại đi lấy chồng khác. Chẳng ai lo, chẳng ai quan tâm, Mai đã theo bạn bè chơi bời, lêu lổng, quậy phá, gia nhập các băng nhóm và làm gái mại dâm. Tháng tư vừa qua, Mai đã bị dân phòng bắt khi đi trộm cắp và quậy phá với bạn bè". Trao đổi với chúng tôi, giọng em có vẻ nghẹn vì ân hận và hối tiếc những việc làm đã qua của mình.

Học sinh Nguyễn Văn Thanh, sinh năm 1991, trú tại Đak Nông, vào trường từ tháng 2.2005 với hành vi hiếp dâm, giết người, kể: "Bố nghiện thuốc phiện, đánh bạc, gia đình nghèo. Thanh theo bạn bè chơi bời lêu lổng, coi phim đồi trụy của hàng xóm chiếu công khai. Sau đó Thanh đã bắt chước những hành vi trong phim để hiếp dâm một bé nhỏ cùng xóm, sợ bị phát hiện nên bóp cổ nạn nhân đến chết". Nhìn mặt Thanh không ai tin được học sinh này lại có "thành tích" phạm tội ghê gớm đến thế!

Không giống như hoàn cảnh của Mai và Thanh, em H được sống trong một gia đình gia giáo nhưng "mỗi lần em mắc lỗi ba em đánh đập rất dữ, có lần phải đi bệnh viện, sau đó, vì sợ em bị đánh nên khi vi phạm hoặc làm sai điều gì má không nói với ba, giấu ba và cả nhà". Được má bênh, em lại tiếp tục có những hành động và việc làm sai trái, cứ thế càng lúc càng nghiêm trọng và em được đưa vào trường giáo dưỡng.

Soạn: AM 617645 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Lớp học nghề xây dựng, do giáo viên Trường Công nhân kỹ thuật tổ chức cho học sinh Trường Giáo dưỡng số 3

Lành lại những mảnh đời

Ghé ngang nơi lớp học và xưởng lao động của các em, chúng tôi chứng kiến những cậu học trò đang say sưa chăm chú học và làm việc luôn miệng nói cười, gặp người lạ, các em nhanh nhảu đứng dậy vòng tay cúi đầu chào. Không nói ra thì chẳng ai tin được những học sinh này là những em có bề dày "phạm tội".

Tại đội 9, chúng tôi chứng kiến các em học sinh chia nhau từng tốp nhỏ tập hát, tập múa, tập kịch chuẩn bị cho buổi biểu diễn văn nghệ đêm ấy. Các em đang tập vở kịch với chủ đề "Lầm lỡ" nói về một em nhỏ bị bọn mua bán ma tuý xúi giục và đẩy vào con đường phạm tội. Em đã được các anh công an khuyên bảo và đã quay trở lại làm một học sinh tốt. "Những buổi ngoại khoá như thế đã ít nhiều giúp cho các em hiểu hơn về cuộc sống. Điều quan trọng là gia đình, mọi người cần giúp các em thấy được những sai phạm và hướng các em suy nghĩ mình vẫn là người có ích cho xã hội" - thầy Hoạt tâm sự.

Theo khảo sát của nhà trường thì sự động viên, dạy bảo con cái của nhiều gia đình hiện nay đang bị bỏ trống. Nhiều học sinh vi phạm đưa đến trường, các bậc phụ huynh chỉ đến thăm hỏi động viên qua loa, thậm chí có em không được gia đình thăm hỏi dù chỉ một lần.

Thầy Nguyễn Tiến Hoạt còn cho biết thêm: "Có thể thấy rõ sự thiếu quan tâm đến học sinh từ phía gia đình đã tạo ra tâm lý lo lắng, bi quan trong tu dưỡng rèn luyện ở các em. Thêm nữa, hầu hết học sinh trong trường đều cho rằng các em bị cưỡng chế đưa đến trường nên mặc cảm. Có những gia đình lại cho rằng, con em họ đã đến trường giáo dưỡng nên việc giáo dục là trách nhiệm của nhà trường và xã hội, chứ không phải là trách nhiệm của gia đình...".

Trái ngược với sự "vô tâm" của các bậc làm cha mẹ thì ngược lại, các em vào trường lại luôn lấy gia đình làm điểm tựa để vươn lên gạt bỏ những lỗi lầm.

Lời tự bạch của một số em và cũng là tâm tư nguyện vọng của học sinh muốn sớm về với gia đình chiếm tới 53,9%, điều làm cho học sinh lo lắng nhất cũng là gia đình chiếm tới 32,7%. Em M - 17 tuổi ở phường Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng tâm sự: "Em chỉ muốn mau chóng về lại gia đình, làm một người tốt để  gia đình em hạnh phúc".

Một học sinh học lớp 6A đội Trần Văn Ơn đã 18 tuổi, nhưng khi được hỏi em thích hoạt động nào nhất, em không ngần ngại trả lời: "Hoạt động em thích nhất là gặp gỡ gia đình". Rất nhiều em đã tâm sự với chúng tôi về gia đình như: "Ba má hoặc ông bà bị bệnh, có khi ba, má hoặc ông bà chết mà không được gặp mặt".

Hiện nay, tỉ lệ tái phạm càng lúc có chiều hướng gia tăng nhưng tỉ lệ quay lại trường... giảm vì đã hết tuổi vào trường.

Xã hội cần quan tâm hơn nữa đến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, thiệt thòi. Các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn nữa đến con em mình bởi vì tuổi mới lớn của các em chưa làm chủ được hành vi của mình, nên gia đình phải thực sự là tổ ấm, điểm tựa vững chắc cho các em.

Khi tiễn chúng tôi ra về, thiếu uý Trần Ngọc Tuyến - giáo viên chủ nhiệm đội 9 đã tâm sự rằng: "Khoảng trống quá lớn khi các em quay trở lại hoà nhập cuộc sống cộng đồng. Nhiều người đã xa lánh, thậm chí việc làm cho các em trở nên quá khó khăn điều đó vô hình trung đã đẩy các em quay  trở lại con đường sai phạm. Giá mà... xã hội hiểu rằng các em cũng cần được yêu thương, quan tâm thì đâu đến nỗi! Lằn ranh giữa thiện và ác đối với các em mong manh lắm...".

(Theo Võ Tuấn- Lao động)