Vợ chồng người chạy xe ôm - bán chè dạo tự hào với những tấm bằng đại học của con |
Những con chữ đẫm mồ hôi
Lui cui với quầy hàng tạp hóa gần đầu cầu phía nam sông Tam Kỳ, thuộc địa phận thôn 5 xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, vợ chồng anh Phan Ngọc Quý khá tất bật. Nhưng có lẽ họ đã thư thả hơn rất nhiều kể từ khi cậu con trai út thi đỗ vào trường đại học, năm 2002.
Đó là cả một thời gian dài cơ cực nuôi con. Năm 1972, anh Quý (55 tuổi) lập gia đình cũng chị Hồ Thị Hòa (50 tuổi). Sáu mặt con trong một gia đình nghèo quả là một gánh nặng. Giai đoạn 1975-1980, người vợ mỗi sáng quảy gánh chè lên tận đại công trình thủy lợi Phú Ninh - khi ấy đang nhộn nhịp - cách hàng chục cây số để bán dạo, khi về còn tranh thủ vào rừng gom rác để tối còn nấu nướng.
Gánh chè dạo trên vai dần chuyển thành quán cà phê, giải khát, rồi làm đồng, bán hàng tạp hóa... Người chồng thì gò lưng trên chiếc xe đạp thồ. Vài năm sau, dành dụm và vay mượn, anh Quý tậu chiếc xe máy 49 phân khối đời 65 cũ, bắt đầu ra đón khách ở các ngã ba Tam Kỳ chở cánh buôn cá mắm ngược lên vùng trung du Tiên Phước.
Gia cảnh khốn khó khiến đứa con gái đầu bỏ học để cha mẹ dồn sức nuôi 5 đứa em. Đứa con thứ hai Phan Ngọc Đồng (sinh năm 1975) hồi nhỏ từng khiến cho vợ chống anh Quý khổ sở. Chị Hòa kể: "Hồi đó Đồng ham chơi lắm, theo bạn bè ra nhảy cầu tắm sông hoài, không lo học. Chồng lo kiếm sống, chỉ mình tôi lo "rèn" thằng nhỏ. Mà "rèn" dữ một hồi cháu nó cũng vào khuôn phép, sau đó thay mẹ dạy dỗ những đứa em kế tiếp". Mãi rồi Đồng cũng thi đỗ vào Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, năm 1993.
Giai đoạn 1996-1998, vợ chồng anh Quý kiệt sức khi cùng lúc nuôi cả 3 đứa con học đại học. Ngoài Đồng ra, đứa em kế Phan Ngọc Hạ (sinh năm 1978) đỗ vào Trường Đại học Bách khoa TP.HCM năm 1996, Phan Thị Anh Thu (sinh năm 1979) đỗ vào Trường Đại học Kinh tế & Quản trị kinh doanh Đà Nẵng năm 1997.
Khi cậu con trai thứ năm Phan Ngọc Sang (sinh năm 1982) đỗ vào Trường Đại học Thủy sản Nha Trang năm 2000, nỗi lo vơi bớt dần. Hai năm sau, đến lượt Phan Ngọc Bari (sinh năm 1984) đỗ vào Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng thì vợ chồng người chạy xe ôm - bán chè dạo ấy mới có dịp thở phào. Tâm nguyện "chở" những đứa con vào đại học đã trọn vẹn, lại được các anh chị lớn ra trường, làm việc, đỡ đần thêm.
Nghèo vật chất, giàu kiến thức
Chiếc xe máy cũ giờ trở thành kỷ vật của gia đình |
Những đứa con người chạy xe ôm dù ăn học cơ cực nhưng tất thảy đều rất "đáng mặt". Giai đoạn 1996-1998, khi ngoài quê cha mẹ thường xuyên chạy vạy tiền trường, tiền sách vở gửi vô cho con thì trong thành phố, Phan Ngọc Đồng vừa học vừa dạy kèm 3 nơi để nuôi em.
Chính đứa em Phan Ngọc Hạ, một người ốm đau dặt dẹo, hễ bớt đau là ngồi vào bàn học, sau này cũng hoàn tất chương trình tại Trường Đại học Bách khoa TP.HCM ở vị trí dẫn đầu lớp, lại được nhận học bổng tu nghiệp 2 năm tại Philippines. Về nước, Hạ công tác tại Công ty cổ phần Nước & Môi trường WACO.
Ít ai ngờ cậu học sinh luôn đứng hạng chót của lớp từ lớp 1 đến lớp 8 như Hạ, vì "giận" cô giáo chủ nhiệm chê trách mình đã âm thầm đi mua tất cả các đầu sách về ôn luyện suốt 3 tháng hè và thành tích học tập thay đổi hẳn, đến năm lớp 10 đạt học sinh giỏi; thậm chí sau này thi đỗ cùng lúc 3 trường đại học!
Đứa con gái duy nhất học đại học như Phan Thị Anh Thu cũng kịp lấy hai tấm bằng chuyên ngành quản trị kinh doanh, kế toán. Còn Phan Ngọc Sang thì vẫn đang làm việc cho Seaprodex Đà Nẵng ngay khi ra trường. Hai anh trai Đồng, Hạ là học sinh giỏi Toán của tỉnh, riêng cậu út có cái tên là lạ Phan Ngọc Bari từng đoạt giải nhì môn Sinh cấp tỉnh.
Từ những đồng tiền sinh nhai thấm đẫm mồ hôi cha mẹ, 5 đứa con của người chạy xe ôm và cô bán chè dạo ngày nào giờ đây đã trở thành những người thành công trong cuộc sống.
Theo Thanh Niên
▪ Cấm giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học (23/08/2005)
▪ Học bổng Học viện Bách khoa Ngee Ann (Singapore) (23/08/2005)
▪ Tập đoàn kính thuốc Anh cấp học bổng toàn phần (23/08/2005)
▪ Thu hút giáo viên giỏi để đáp ứng nhu cầu hội nhập (23/08/2005)
▪ Gánh ve chai nuôi con học thành tài (23/08/2005)
▪ Thoa đừng chạy trốn bằng cái chết! (23/08/2005)
▪ Bài văn điểm 10 đã nâng tầm truyện "Vợ nhặt" (23/08/2005)
▪ 8,44% giáo viên mầm non, phổ thông chưa đạt chuẩn (23/08/2005)
▪ Tân Bình (TP.HCM): đưa vào sử dụng bảy công trình trường học mới (23/08/2005)
▪ Thí sinh có nguyện vọng vào các trường không thi: Tìm đâu giấy báo kết quả? (23/08/2005)