Chú trọng hơn hệ thống giáo dục thường xuyên
Các Website khác - 09/03/2006
Dự thảo Báo cáo Chính trị dành một vị trí rất quan trọng cho ngành giáo dục thường xuyên, một ngành mà những năm qua có phần bị xem nhẹ, thậm chí có lúc, có người muốn xóa bỏ.

Là nhà giáo suốt đời gắn bó với ngành giáo dục, sau khi đọc và nghiên cứu Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Ðại hội Ðảng lần thứ X, chúng tôi thật sự vui mừng thấy lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GDÐT) tiếp tục được đánh giá cao với vị trí là quốc sách hàng đầu.

Mục VII, điểm 1 của Dự thảo ghi: "Ðổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao". Dự thảo còn nêu: "Ðổi mới cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý, phương pháp giáo dục theo hướng "chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa", nâng cao chất lượng dạy và học". Ðề nghị ghi rõ thêm: "Ðổi mới cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý theo ngành dọc chuyên môn". Trong những năm vừa qua, sở dĩ ngành GDÐT còn những hạn chế, yếu kém một phần quan trọng là do cơ cấu tổ chức chưa thật sự hợp lý; cán bộ đầu ngành ở một số địa phương còn không ít người năng lực chuyên môn chưa cao, tác phong đạo đức chưa thật sự gương mẫu. Ðể nâng cao chất lượng giáo dục, chủ yếu là giáo dục phổ thông, mục VII bản Dự thảo ghi: "Hoàn thiện hệ thống đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục". Theo tôi, cần ghi thêm: "khẩn trương kiểm tra chất lượng giáo dục để đánh giá toàn diện, đánh giá đúng trình độ. Từ đó có biện pháp kiên quyết để khắc phục yếu kém và những hiện tượng tiêu cực trong giáo dục, thực hiện những giải pháp cơ bản, lâu dài nhằm chấn hưng nền giáo dục Việt Nam".

Dự thảo Báo cáo Chính trị dành một vị trí rất quan trọng cho ngành giáo dục thường xuyên. Trong những năm qua, hệ thống công tác giáo dục này có phần bị xem nhẹ, thậm chí có lúc, có người muốn xóa bỏ. Dự thảo nêu: "Chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở- mô hình xã hội học tập với hệ thống học tập suốt đời, đào tạo liên tục, thực hiện sự liên thông giữa các bậc học, một số ngành học; xây dựng và phát triển hệ thống học tập cho mọi người và những hình thức học tập, thực hành linh hoạt mềm dẻo hơn, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên; tạo ra nhiều khả năng, cơ hội khác nhau cho người học, bảo đảm sự công bằng xã hội trong giáo dục, gắn với phát triển nghề nghiệp của người dân".

Thật là đầy đủ, biện pháp tương đối cụ thể và sinh động.

Trên đất nước ta còn gần chục triệu người mù chữ, tái mù và chưa phổ cập giáo dục tiểu học theo chuẩn quốc gia. Bởi vậy, tôi đề nghị, bổ sung vào Dự thảo ở điểm 1 (Mục VII): "Kiên quyết xóa mù chữ- phổ cập giáo dục tiểu học cho tất cả những ai chưa đạt trình độ ấy và coi đó là nghĩa vụ, là bổn phận của những ai còn mù chữ", trước đoạn: "Xây dựng và phát triển hệ thống học tập cho mọi người và những hình thức học tập, thực hành linh hoạt mềm dẻo hơn, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên...".

NGUYỄN THÌN XUÂN
113D- Cự Lộc- Thượng Ðình- Thanh Xuân- Hà Nội

------------------------------------------

Tiếp tục khẳng định vai trò tiền phong lãnh đạo của giai cấp công nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN...

Ðiểm nói về Giai cấp công nhân (trong chương XII Dự thảo Báo cáo) cần thể hiện cô đọng quan điểm, chủ trương của Ðảng đối với giai cấp công nhân, tức là đường lối công vận của Ðảng trong thời kỳ mới, làm định hướng và được quán triệt trong chủ trương chính sách của Ðảng, Nhà nước và hoạt động hằng ngày của cả hệ thống chính trị đối với giai cấp công nhân, chứ không chỉ của giai cấp công nhân... Do vậy, tôi đề nghị viết lại như sau: "Phát triển giai cấp công nhân về số lượng, chất lượng và tổ chức, nâng cao ý thức giác ngộ giai cấp và lòng yêu nước xã hội chủ nghĩa, từng bước trí thức hóa giai cấp công nhân để công nhân phát huy được vai trò tiền phong lãnh đạo và nòng cốt đi đầu trong sự nghiệp CNH, HÐH đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ðảng, Nhà nước và Công đoàn cần có chính sách và giải pháp phù hợp, hiệu quả chăm lo đời sống văn hóa - tinh thần và vật chất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của giai cấp công nhân và những người lao động".

ÐAN TÂM
Nguyên Giám đốc Trường đại học Công đoàn