Đã chi lương giáo viên hết 85% kinh phí giáo dục?
Các Website khác - 14/11/2005

Sau khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển công bố con số 85% kinh phí dành cho GD đã được dành để chi trả lương giáo viên (GV), đã gây nhiều tranh cãi trong giáo giới. Tỷ lệ trên đúng hay sai? Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển có nói đúng sự thật trước dư luận xã hội? Kinh phí thật của GD là bao nhiêu? Chúng tôi đi tìm sự thật từ chính các văn bản được công bố chính thức của Bộ GD-ĐT…

Soạn: AM 618219 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Giáo viên Trường THCS Hồng Bàng, quận 5 hướng dẫn các em học sinh thực hành thí nghiệm về hóa.

5 năm: học sinh tăng rất ít, ngân sách tăng gấp 3 -Sử dụng như thế nào?

Chúng tôi vào trang web chính thức của Bộ GD-ĐT (www.edu.net.vn), ở mục thống kê, phần “Chi ngân sách nhà nước cho giáo dục”, đã ghi nhận được như sau:

Về số học sinh, năm học 1999-2000 có: 17.806.158 HS phổ thông, 182.994 HS THCN, 893.754 SV CĐ-ĐH và 322.142 HV BTVH; tổng cộng là 19.205.048 HS-SV. Năm học 2004-2005 có: 17.246.299 HS PT, 466.504 HS THCN, 1.319.754 SV CĐ-ĐH và 649.271 HV BTVH; tổng cộng là 19.681.828 HS-SV. Đối chiếu, chúng ta thấy tổng số người đi học trên cả nước đã gia tăng không đáng kể trong 5 năm qua.

Song, ngân sách nhà nước đầu tư cho GD, về con số tuyệt đối đã gia tăng gần 3 lần. Cụ thể như sau: năm 2001 là 15.609 tỷ đồng, năm 2004 là 32.730 tỷ và năm 2005 là 41.630 tỷ đồng.

Vậy, Bộ GD-ĐT đã sử dụng như thế nào? Cũng trên trang web này cho thấy các hạng mục chi như sau: Năm 2004, chi xây dựng cơ bản 4.900 tỷ đồng, chi thường xuyên cho GD-ĐT là 27.830 tỷ đồng và kinh phí chương trình mục tiêu GD-ĐT là 1.250 tỷ đồng. Lương CB-GV ngành GD nằm trong phần “chi thường xuyên”.

Chất lượng giáo dục chưa cao nào phải vì... tiền ít!

Tại hội thảo góp ý cho việc chấn hưng, cải cách, hiện đại hoá giáo dục của hơn 20 nhà giáo, nhà khoa học, nhà văn tự nguyện vừa tổ chức tại Hà Nội, nhiều đại biểu đã ngạc nhiên khi GS Nguyễn Xuân Hãn đưa ra con số: Mỗi năm, ngành giáo dục có tới 4 tỷ USD.

Do đó, nếu tính tỷ lệ “chi thường xuyên” trên tổng ngân sách nhà nước chi cho GD, chúng ta có tỷ lệ 85% thật. Nhưng “chi thường xuyên” đâu chỉ dành để trả lương? Theo tính toán của nhiều Sở GD-ĐT, phần chi lương GV chiếm khoảng trên dưới 80% của mục chi thường xuyên. Vậy 80% (lương) của 85% (chi thường xuyên) là bao nhiêu %. Các nhà toán học không khó để có đáp số này.

Đây chỉ là những số liệu chúng tôi dẫn chứng về phần chi của ngân sách nhà nước cho GD-ĐT. Nhưng, nhà nước ta trong khoảng 10 năm nay đã có chủ trương xã hội hóa GD-ĐT. Phần đóng góp vào kinh phí hoạt động GD-ĐT của người dân, các tổ chức quốc tế, viện trợ quốc tế, vay vốn quốc tế … hoàn toàn không phải là nhỏ.

Đóng góp to lớn của nhân dân, nằm ở đâu trong phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT?

Trong đề án “Quy hoạch phát triển xã hội hóa giáo dục giai đoạn 2005-2010” của Bộ GD-ĐT ban hành tháng 6-2005, chúng tôi ghi nhận như sau:

“Huy động được nhiều nguồn lực của xã hội đầu tư cho GD: cùng với việc tăng chi ngân sách nhà nước cho GD (năm 2001 ngân sách nhà nước chi cho GD chiếm 15,1%, năm 2002 là 15,6%, năm 2003 là 16,4%, năm 2004 là 17,1% và năm 2005 là 18%), nguồn tài chính ngoài ngân sách nhà nước tăng lên đáng kể, chiếm khoảng 25%-30% tổng nguồn tài chính đầu tư cho lĩnh vực GD, trong đó học phí và đóng góp xây dựng trường khoảng 25%.

Chỉ tính riêng hệ thống Quỹ Khuyến học trực thuộc Hội Khuyến học VN ở cả 4 cấp từ trung ương đến cấp xã hàng năm nhận được khoảng 200 tỷ đồng: năm 2002 nhận 200 tỷ đồng, năm 2003 nhận 260 tỷ đồng. Nhân dân cả nước cũng đã hiến hàng triệu m2 đất để xây dựng trường học.

Cũng trong đề án này ghi nhận: “Theo kết quả điều tra mức sống hộ gia đình năm 2002 cho thấy: Phần tài chính do dân đóng góp cho GD tiểu học chiếm 27%, trung học cơ sở 41%, trung học phổ thông 48%. Khoảng 30% HS học nghề dài hạn, 90% học nghề ngắn hạn tự đóng góp kinh phí đào tạo, ước tính số học phí do người học nghề đóng góp trực tiếp lên tới 600 tỷ đồng mỗi năm.

Khoảng 42,1% nguồn thu trong năm 2002 của các trường đại học là từ nguồn ngoài ngân sách nhà nước, trong đó học phí và lệ phí là 35,6%, hợp đồng nghiên cứu và dịch vụ 1,2%, viện trợ 2,7% và các loại thu khác 2,6%.

Ngoài ra, còn một nguồn thu rất lớn ngoài ngân sách nhà nước chi cho GD cũng được Bộ GD-ĐT chính thức công bố: “Hợp tác quốc tế về GD với các nước, các tổ chức quốc tế, các cá nhân nước ngoài và Việt kiều ngày càng được mở rộng, ngành GD đang nhận được ngày càng tăng các nguồn viện trợ thông qua các chương trình hợp tác song phương, đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ. Có khoảng 114 chương trình, dự án, với tổng kinh phí hơn 900 triệu USD trong 10 năm qua”.

Qua những số liệu tài chính ở trên chúng ta rút ra điều gì? Ngay khi cần khoe thành tích “xã hội hóa GD” mà Bộ GD-ĐT huy động được, bộ không ngần ngại công bố những con số đóng góp của nhân dân cũng như quốc tế cho GD-ĐT một cách hồ hởi.

Song, đến lúc cần bảo vệ quan điểm tăng học phí, Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển đã “quên” ngay sự đóng góp ấy của nhân dân và quốc tế. Chưa kể, nếu chỉ tính phần chi của ngân sách nhà nước cho GD-ĐT, thì tỷ lệ 85% do Bộ trưởng đã công bố trước báo giới cũng thiếu chuẩn xác.

(Theo Mai Lan - Sài Gòn Giải Phóng)